BÀI ĐĂNG MỚI

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009

Cười tí cho vui

Ba Cặp Kính
- “Thưa thầy, tại sao thầy lại có đến ba cặp kính?”
- “A. Cặp thứ nhất để nhìn xa, cặp thứ hai để nhìn gần, cặp thứ ba là để tìm hai cặp kia.”
Trường Chinh sưu tầm

Cha bỏ mồi! (Chuyên cười mùa chay)
Người công giáo Việt Nam có thói quen rất hay là trong mùa chay, họ rủ nhau đi xưng tội. Có một điều đáng chú ý là các ông trùm thường rất ít khi ‘dám’ xưng tội với cha xứ. [Các ông thường đi xứ khác hay chờ cha khách về ngồi tòa thì các ông mới xưng].
Một ông trùm giáo xứ nọ có thói quen uống rượu. Một hôm, sau khi uống ngà ngà, ông cũng liều mình vào ‘tòa’ của cha xứ để xưng tội, ông nói:
- “Thưa cha, cha biết con là ông trùm rồi đó. Con rất tích cực trong công tác tông đồ. Công trình của giáo xứ mấy tháng nay con cũng chẳng bỏ ngày nào. Tuy nhiên, con co thói quen uống rượu; mà rượu vào rồi thì về nhà mắng vợ, chửi con, ồn ào hàng xóm!”.
Nghe xong cha xứ khuyên:
- “Ông là ông trùm có công đức nhiều rồi, vậy ông đọc 10 kinh kính mừng để đền tội thôi. Nhưng mà này, ông bỏ rượu đi!”.
Nghe vậy, ông trùm thích quá nói nhỏ với cha:
- “Con cám ơn cha, con bỏ rượu, vậy cha bỏ ‘mồi’ nhé!”
Thành Tiến

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

SỰ THÀNH THẬT (Đức Cha Nicola Huỳnh Văn Nghi)

Hằng năm, vào ngày 1 tháng 4 dương lịch, được gọi là ngày “Con Cá Tháng Tư”. Người ta thường cợt giỡn bằng cách đánh lừa nhau. Người vô ý thường bị gạt, người đánh lừa thành công thì vui mừng, giữa bà con láng giềng, giữa bạn bè, và ngay cả giữa những người có chức vụ cao cấp và không ai đuợc phép giận! Miễn là sự nói dối hay đánh lừa này không làm thiệt hại ai, và chỉ được phép trong ngày 1 tháng 4 đó mà thôi!.
Con người được Thiên Chúa tạo dựng trong sự thật.
Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và như họa ảnh của mình (x.st 1,26). Người là sự thật (x. Gia 14.6); lời Người là sự thật (x. Ga 17,17) và Thần Khí Người là sự thật (x.Ga14,17). Do đó, tự bản chất và ngay từ buổi đầu, con người đã được tạo dựng theo mẫu Sự Thật. Là Sự Thật, Thiên Chúa đã tạo dựng đâu ra đó: thảo mộc, tôm cá, chim trời, sinh vật và loại nào theo loại nấy (x. St 1,11.21,22) và sau hết là con người, nam và nữ, theo hình ảnh và như họa ảnh của Người (x. St 1,26).
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo Dạy: Cựu ước nhận Thiên Chúa là nguồn mạch Chân Lý. Lời Người là Chân Lý (x. 2Sm 7,28); Luật Người là Chân Lý (x.Tv 119.1420; Lòng Tín trung của Người tồn tại đến muôn đời (x. Lc 1,50). Bởi vì Thiên Chúa là đấng chân thật (x. Rm 3,4) nên mọi thành phần Dân Người được mời gọi sống trong Chân Lý (x. Lc 1,50)(GLCG số 2465).
Chúa Giêsu cũng đã từng mặc khải Người là Chân Lý (x. Ga 14.6), đầy ân sủng và Chân Lý ( x. Ga 18,37). Người đến thế gian để làm chứng cho Sự Thật (x. Ga 18,37). Người chỉ nói Sự Thật (x. Ga 8,40.44.46) và dạy các môn đệ: “Lời nói của các con phải là có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra” (Mt 5,37). Người còn dạy các ông: “Sự thật sẽ giải phóng các con” (Ga 8,32).
Chân thật là một nhân đức giúp con người thành thật trong các hành vi và lời nói, không gian dối, giả vờ và giả hình.
Sự thật trong đời sống xã hội.
Ngày 1 tháng 4 dương lịch là ngày vui cười, gạt gẫm nhau, nhưng phải với những điều kiện là:
Không gây thiệt hại cho người khác về vật chất cũng như tinh thần.
Không làm cớ cho người khác nói hay làm những điều xấu.
Không làm gương xấu cho những người nhỏ bé, nhất là các trẻ em ( x.Mt 18,6).
Nhưng mặc dù với những điều kiện nói trên, sự thiếu chân thật trên nguyên tắc vẫn là một vấn đề trầm trọng. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết: “Người ta sẽ không thể sống chung với nhau được, nếu không tín nhiệm nhau, nghĩa là không cho nhau biết sự thật. Đức tính chân thật đòi chúng ta cho người khác biết sự thật họ có quyền biết. Người chân thật vừa lương thiện vừa cẩn mật: nói điều phải nói và phải giữ kín điều phải giữ kín. Theo đức công bình, người ta phải thành thật với nhau” (số 2469).
Cần có sự thành thật với nhau trong gia đình, để tạo sự tín nhiệm và yêu thương nhau, đồng thời để làm gương và giáo dục con cái. Hãy sống chân thật và đúng đắn với căn tính, tức là sự thật của mình, theo ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng. Không gian dối giả hình, tránh những hành vi, những dự tính buộc phải che giấu nhau. Nhiều gia đình đã tan rã vì vợ chồng thiếu thành thật. Hãy bảo vệ con cái tránh sự gian dối. Hãy cùng nhau xây dựng một thế hệ mới chân thật, ngay thẳng, trung thực và công minh.
Cần sự thành thật trên thương trường, mậu dịch và trong mọi ngành nghề. Gian dối, lươn lẹo, lường gạt là những tật xấu, hạ thấp phẩm giá của con người và huỷ hoại nền tảng xã hội. Nạn sản xuất, chứa chấp và buôn bán hàng giả, nạn làm giấy tờ giả, bằng cấp giả, nạn lừa gạt nhau trong làm ăn vv… Thời đại chúng ta đang sống chứa đầy những thứ giả, từ vật cho đến người. Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người. Cần phải huy động toàn dân để từ bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới và phải bắt đầu từ bây giờ. May ra một trăm năm sau, Đất nước chúng ta mới xây dựng được một xã hội chân thật và văn minh.
Rồi còn phải nói đến học đường, nơi đào tạo những thế hệ mai hậu. Bắt đầu là những nhà giáo dục, ban giám đốc, ban điều hành và hội phụ huynh học sinh. Hãy tập cho các em sống trong sáng, ngay thẳng và trung thực. Đừng biến nhà trường thành những nơi buôn bán: dạy riêng, dạy kèm thì tốt, dạy chung thì lười. Đừng vì chỉ tiêu mà đánh lừa lãnh đạo. Hãy giúp các em sống trung thực, không gian lận, không quay cóp, chép bài. Nhà trường phải thực sự là nơi đào tạo con người, con người của sự thật. Anh chị em trong hội phụ huynh học sinh hãy quan tâm đến việc giáo dục và môi trường học vấn của con em mình.
Ngoài ra, cũng cần nói đến môi trường kinh tế và chính trị, nơi mà con người thường đặt hiệu năng trên luân lý, coi thành tích trọng hơn lương tâm. Trên nguyên tắc, đối với mọi hoạt động của con người, luật luân lý không phải là cái gì từ bên ngoài áp đặt vào, nhưng là những quy định nội tại chung cho mọi người, khắp nơi và thuộc mọi thời đại.
Có những giá trị một khi được tôn trọng, con người mới giữ được phẩm giá và sự chân thật của mình: đó là công bằng, sự chân thật, tình thương và tự do. Đừng nói dối, đừng lươn lẹo, đừng lừa gạt dưới bất cứ hình thức nào. Chức vụ càng cao, thì sự dối trá càng tai hại. Đừng làm gương xấu cho người khác, nhất là đối với trẻ em và những người nhỏ bé. Đừng ép buộc hay đặt người khác trong những hoàn cảnh phải nói dối để tránh một thiệt hại lớn hơn. Vì nói dối vẫn là điều xấu.
Nhìn lại một số sự kiện tai hại cho đất nước trong những năm gần đây, chúng ta thấy những hậu quả khốc liệt của sự gian lận và lừa dối: như vụ xây cất các cơ sở phục vụ Sea Games lần XXII; vụ gian lận trốn thuế của một số công ty thương mại, và những vụ lừa gạt tham nhũng trong những cơ quan công quyền.vv…
Theo kinh nghiệm của những người cao tuổi, thì thế hệ của chúng ta hôm nay kém thành thật hơn những thế hệ trước. Đây là một trong những nguy cơ cần báo động! Điều đáng buồn là vì chén cơm manh áo, có khi về danh vọng, chức quyền, một số người đã đánh mất một phần sự thật của mình. Họ đã trở thành những con rôbôt, chỉ nói và làm những gì người chế tạo chúng đã quyết định. Ngoài ra, còn phải nói đến những người sống và làm việc như đồng tiền hai mặt: mặt hữu và mặt tả: nay lật mặt này, mai trở mặt kia. Sự thật không có trong họ, vì sự thật chỉ có một mặt mà thôi.
Nói về ma quỷ, Chúa Giêsu đã dạy: “ Ngay từ buổi đầu, nó đã là tên sát nhân, nó không đứng vững trong sự thật bởi vì nó không có sự thật trong mình nó: khi nó nói dối thì nó theo bản tính riêng của nó mà nói ra, vì nó chính là sự gian dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).
Thế giới hôm nay cần sự thật. Hãy trả lại cho sự thật địa vị rạng ngời của nó – Splendor Veritatis.

Trích thư mục vụ số 124

Đức Cha Nicola Huỳnh Văn Nghi
Giáo phận Phan Thiết

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

Sự Sống (Lm. GB. Nguyễn Hồng Uy)

Thư Cha xứ, số 19: Sự Sống
Kính thưa Anh Chị Em,
“Mạng sống, đống vàng”, đó vừa là quan niệm, vừa là lập trường của mỗi con người chúng ta. Sự sống là gia tài quý giá nhất mà mọi sinh vật có được. Riêng con người, vì ý thức được nhiều nhất về sự cao quý của mạng sống, nên càng lấy làm quý báu sự sống nơi bản thân mình và nơi tha nhân. Sự sống con người là “điều linh thánh”, được Thiên Chúa sáng tạo và chỉ nhằm vào một mục tiêu duy nhất là hướng về Đấng Sáng tạo (x. GLCG, số 2258). Sự sống con người bao gồm sự sống thể xác và sự sống thiêng liêng.
Về sự sống thể xác, đó là gia sản mà ta được trao ban để quản lý. Ta được trao ban từ chính sự quảng đại và tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Chính Người đã “không để ta KHÔNG đời đời, mà lại sinh ra ta” (x. Kinh Cám Ơn). Nhưng khi sinh ra ta, Người cũng đã không để ta bất động, vô tri vô giác như gỗ đá, mà cho ta được linh hoạt nhờ sự sống thân xác được Người tạo ra. Thân xác này, cũng không chỉ sống như một cách để tồn tại, mà còn là hình ảnh của Người. Thân xác này, hơn nữa, cũng đã được cứu chuộc nhờ Máu Châu Báu của Đức Kitô và là đền thờ Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, sự sống của ta, lại hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Ta chỉ là người quản lý, nghĩa là chỉ có vai trò gìn giữ, bảo quản, đề phòng bất trắc và làm cho sinh lợi mà thôi. Quản lý chứ không phải là chủ. Thiên Chúa mới là chủ trên sự sống, trên mạng sống của ta. Thiên Chúa có quyền quyết định trên ta, còn ta, ta không có quyền ấy. Không ai có thể tự kéo dài sự sống thân xác của mình. Cũng không ai có quyền rút ngắn sự sống của mình hay của người khác. Hủy hoại hay giết chết sự sống thân xác, của mình hay của người khác, dù ở bất cứ thời điểm nào tính từ lúc bắt đầu tượng thai trong lòng mẹ cho đến khi chết đi cách tự nhiên, đều là tội ác khủng khiếp. Phá thai là tội ác đáng kinh tởm nhất, vì nạn nhân vừa vô tội, vừa không có khả năng tự vệ, còn thủ phạm lại chính là người mẹ cưu mang nó (và những đồng phạm, có khi là cha hay người thân trong gia đình). Giáo luật dạy rằng “ai trực tiếp phá thai thành sự thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (Đ. 1398). Trợ tử hay tạo cái chết êm dịu cũng là tội trọng. Cố sát, tự sát cũng đều là những tội trọng phạm đến sự sống tha nhân và của mình và không thể biện minh bằng bất cứ lý do gì.
Còn sự sống thiêng liêng hay linh hồn bất tử, lại là một kho tàng cao quý khôn lường mà Thiên Chúa đã thông ban cho ta. Kinh Thánh diễn tả rất hình tượng rằng sau khi nắn xong thân xác con người, Thiên Chúa đã “thổi sinh khí vào”. “Nhân linh ư vạn vật”là do ở đây. Thân xác ta có giá trị vượt trội mọi sinh vật, cũng nhờ vào điểm này. Và cũng chính nhờ sự khôn ngoan nơi hồn thiêng bất diệt, mà ta khám phá ra sự vượt trội của thân xác mình. Chỉ có con người mới có xác có hồn. Cũng chỉ con người mới lãnh nhận được ơn cứu độ và niềm hy vọng thân xác ngày sau sẽ cùng linh hồn được sống lại. Ta được cứu độ cả hồn cả xác.
Tôn trọng sự toàn vẹn xác hồn, sống hữu ích cho đời này và bảo đảm cho đời sau, là sứ mạng và là ơn gọi làm người của chúng ta. Sự sống thân xác, theo quy luật tự nhiên, sẽ qua đi với thời gian. Cho nên, cần phải quý trọng từng ngày, từng giờ sống của ta và yêu quý thân xác, vì đó là phương tiện duy nhất ta được dùng mà chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu. Tôn trọng thân xác, nhưng không dừng lại ở đời này, mà phải hướng đến đời sau. Do đó, ta cũng hãy sẵn sàng chịu những sự xem ra thiệt thòi cho cái tạm bợ, nhưng mang lại cho ta sự bảo đảm cho cái trường tồn. “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”, Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói với ta như vậy.

Lm. GB. Nguyễn Hồng Uy

Tình Mẹ


Tình Mẹ Tri Cu

Lễ Truyền Tin đã qua, đôi điều suy nghĩ (Hạnh Nguyên)

Lễ Truyền Tin đã qua, nhưng động lại trong tôi đôi điều suy nghĩ.
Hình ảnh Mẹ Maria, một Evà mới, người mà ngàn đời trước và cả sau này vẫn luôn mãi khen ngợi: Mẹ "đầy ơn phúc ". Kể từ khi vang lên hai chữ XIN VÂNG, con người đã làm một bước giao hoà cùng Thiên Chúa.
"XIN VÂNG", nghe thật đơn giản, nhưng khi hai tiếng đó thốt lên từ môi miệng của Mẹ Maria, bộ mặt trái đất đã thật sự thay đổi.
Lễ Truyền Tin, ngày mà bằng công việc của mình, Sứ thần Gabriel đã giao hoà đất với trời, đã làm toả Ánh Bình Minh của Tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa muốn ban phát cho con người nhỏ bé và thấp hèn.
Chỉ tính riêng trong Tân Ước, Sứ thần Gariel đã làm hai cuộc truyền thông vĩ đại:
- Loan báo sự sinh ra của Thánh Gioan Tiền Hô.
- Loan báo sự sinh ra của Chúa Giêsu trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.
Có thể nói được rằng, Sứ thần Gabriel chính là ông tổ của việc thông tin. Chính xác hơn, Ngài là Thánh Tổ của ngành truyền thông, ngành mà tự nguyên thuỷ và bản chất của nó, là mang đến cho con người niềm Vui Mừng và Hy Vọng.
Vậy thì, điểm lại ngành truyền thông nước nhà năm qua, cộm lên muôn vàn chuyện nhức nhối:
- Một số nhà báo vì sự thật vụ PMU18, phải vào tù,
- Nhiều Tổng Biên tập hoặc phó Tổng Biên tập bị các chức hoặc cảnh cáo,
- Ngay cả những Tướng ngơ ngơ như Phạm Xuân Quắc cũng bị vào tù nốt,
- Rồi thì, chiến dịch ăn theo trong việc biến Toà Khâm sứ và đất Thái Hà thành hai công viên bất đắc dĩ.
- Huy động toàn bộ guồng máy truyền thông cắt xén, bôi nhọ Đức Tổng Gíám Mục Ngô Quang Kiệt,
- Đổi trắng thay đen trong việc xét xử 8 giáo dân Thái Hà nơi phiên toà sơ thẩm ngày 8/12/2008. Nghĩa là, không "cúi đầu nhận tội" mà nói là có, nào biết sự "khoan hồng của nhà nước" là gì mà nói là nhận.
..., ....
Những việc cần nêu như vụ Trường Sa, Hoàng Sa; cần minh bạch như biên giới lãnh thổ, cột móc 2 nước Việt Trung: lại mù mờ, qua loa, nói lấy có.
Một bức tranh ảm đạm, xám đen: không một niềm vui nào trong sinh hoạt dân chủ.
Một bức tranh không le lói chút "ánh sáng cuối đường hầm": không một tia hy vọng nào.
Kết quả: thế giới xếp loại hoạt động báo chí, truyền thông ở Việt Nam:169/173
Ngày mai, 27/3, phiên toà phúc thẩm tiếp tục xét xử vụ 8 giáo dân Thái Hà.
Báo Hà Nội mới và đài truyền hình VTV đã kịp lên khuôn phủ đầu.
Rồi thì chuyện dài của luật sư Lê Trần Luật, người bào chữa cho 8 giáo dân oan khiên: ngăn cản, đủ loại giấy mời, đóng cửa văn phòng...Có thể nói, đây là một hình thức khủng bố mới.
Tất cả nhằm làm chùn bước những đôi chân đi tìm Công Lý, nhằm làm nản lòng những ai mở miệng đòi Sự Thật.
Chúng ta, lương tri của những người đang tìm kiếm Chân Lý và Công Bằng, xin được cầu nguyện nhiều cho 8 giáo dân thái Hà trong phiên toà phúc thẩm.
Bởi vì, kể từ khi 2 tiếng XIN VÂNG diệu kỳ bật ra nơi môi miệng cô thôn nữ Maria diễm lệ:
- Ánh sáng Sự Sống đã đẩy lùi bóng đêm thần chết,
- Hoa Công Lý nẩy mầm tốt tươi trên mãnh đất cằn khô tội lỗi,
- Trái Sự Thật xua đi nổi oan khiên phiền lụy.
Và trong ngày 27/3, mai đây, chúng ta cùng nghe thấy tiếng: "Lạy Chúa, này con xin đến, để thi hành Thánh Ý Cha."

Hạnh Nguyên.

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

CGS chữa người bất toại 38 năm (Lm. Phêrô Mai Tính)

Thứ Ba tuần 4 MC
Ga 5,1-16 : CG chữa người bất toại 38 năm.

Đề tài 1 : Vô tình có hại
1. CG chữa bệnh :
- Đau 38 năm. Được CG chữa lành nhưng không biết Ngài. Sau khi gặp lại và biết thì đi báo cho người Do Thái (với ý tốt).
- Anh ta có ý tốt là muốn tuyên xưng CG đã chữa anh lành
2. Thật quá cũng không tốt :
- Quá thật sinh hại cho người khác
- Phải khôn hơn thật (Đoán ý người hỏi và trả lời sao cho đừng hại đến kẻ khác)
Bài học : Đừng quá thật thà một cách ngay ngô.

Đề tài 2 : Đau khổ
1. Đau khổ của chúng ta :
- Ai cũng tưởng mình đau khổ nhất.
- Ta có đau khổ bằng người bệnh 38 năm ?
2. Đau khổ của CG :
- CG đau khổ nhất (vì gánh tội trần gian)
- CG đau khổ đến đổ mồ hôi máu.
Bài học : Chấp nhận đau khổ và dâng đau khổ để đền tội.

Lm. Phêrô Mai Tính SB59

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2009

Sự Chết (Lm. GB. Nguyễn Hồng Uy)

Thư Cha xứ, số 18: Sự Chết

Kính thưa Anh Chị Em,

Trong số những vấn đề mang tính hiện sinh mà chúng ta nêu ra để suy tư trong Mùa Chay, thì Sự Chết là vấn đề cuối cùng nằm trong ‘nhóm tiêu cực’ mà ta vừa bàn tới trong ba tuần vừa qua, gồm tội lỗi, sự ác và đau khổ.

Chết là thảm kịch, là thất bại lớn nhất của mọi sinh vật. Đối với con người, chết còn là điều ê chề đau đớn nhất, vì con người là sinh vật có ý thức cao nhất về sự sống và luôn khát khao được trường sinh bất tử, do con người mang trong mình hồn linh bất diệt.

Chết là hết. Đó là quan niệm của những người vô tín ngưỡng hay duy vật vô thần, những kẻ không tin con người có linh hồn. Những người này (đúng ra thì chỉ một số) cũng vì thế mà không tin có thần thánh, không tin có đời sau, không tin vào / hay không cần ơn cứu độ. Họ coi con người chỉ có xác, còn những thứ khác nơi con người như trí khôn, tình cảm… chỉ là những ‘thuộc tính người’. Khi con người chết rồi thì mọi thuộc tính cũng tan biến đi, không tồn tại, như bông hoa sẽ không còn tỏa hương khoe sắc khi đã tàn úa!Chết là sự chấm dứt cuộc sống ở trần gian để đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Đây lại là xác tín của đại đa số nhân loại, những người có niềm tin trong các tôn giáo, những người có suy nghĩ theo lương tri bình thường. Ấn giáo và Phật giáo tin có luân hồi, có đầu thai trở lại, nghĩa là tin có linh hồn và đời sống sau cái chết. Hồi giáo cũng dạy có thiên đàng và có sự sống ở đời sau. Dothái giáo (trừ phái Sađốc) cũng tin có sự sống đời sau và sự thưởng phạt công minh của Thiên Chúa. Theo cách nghĩ thông thường, người ta cũng tin có linh hồn bất tử. Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, cái qua đi là thân xác, cái tồn tại là linh hồn.

Nhưng dù lý giải đàng nào thì sự chết luôn vẫn là một sự thật khủng khiếp. Người ta nói: “Con cóc còn muốn sống, huống chi con người”, có thể hiểu: con cóc còn sợ chết huống chi chúng ta. Điều đau đớn là không ai tránh được cái chết. Trẻ chết, già chết, giàu chết, nghèo chết, khôn chết, dại chết… chết ‘ráo’ hết. Đau hơn nữa là cái chết lại đến bất ngờ, không báo trước. Nó đặt người ta vào trong thế bị động thê thảm, phá tan mọi kế hoạch, phũ phàng đến tận cùng. Nó thật bí nhiệm, thật đáng sợ.

Người Kitô hữu không chỉ tin có linh hồn bất tử, có sự sống vĩnh cửu, mà còn xác tín vào sự phục sinh thân xác. Cũng như mọi người, họ cũng sợ chết, sợ cuộc sống này sẽ chóng qua đi. Nhưng họ dám đón nhận cái chết trong sự an bình, nhờ niềm tin vào Thiên Chúa. Họ xác tín có sự sống đời sau, nên xem nhẹ cái chết. Họ tin vào ơn cứu độ, vào sự sum vầy cùng với Thiên Chúa ở Thiên Đàng, nên ngay trong sự đau đớn của cái chết, họ vẫn bộc lộ nét hân hoan.

Vì trong Đức Kitô, mầu nhiệm sự chết được tỏ lộ. Chết là bước chuyển tiếp của cuộc sống con người, từ cuộc sống trần thế vào cuộc sống vĩnh hằng. “Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay”, chúng ta vẫn thường hát như thế mỗi khi có đám tang. Nên, nếu sự chết là điều ghê sợ nhất trong kiếp làm người của chúng ta, thì Mầu Nhiệm Vượt qua -chết và sống lại- của Đức Kitô cùng với ơn cứu độ mà Người thực hiện trong Mầu nhiệm này, lại là điều đem đến cho chúng ta niềm an ủi lớn lao nhất, niềm cậy trông vững vàng nhất.

Mùa Chay là thời gian chúng ta chuẩn bị mừng Lễ Vượt qua của Đức Kitô, cũng là thời gian cho ta chuẩn bị cùng được chết với Đức Kitô để được sống lại với Người. Cho nên, những ngày Mùa Chay là những ngày chúng ta cần nghĩ về sự chết, để từ việc nghĩ về sự chết, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy căn nguyên sự sống và sự sống lại của ta trong chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết nhưng đã sống lại. Ai không nghĩ đến cái chết, sẽ không biết sống như thế nào. Ai không liên kết cái chết của mình với cái chết của Con Thiên Chúa, cũng sẽ không nối kết được sự sống lại của Người vào trong sự sống lại của bản thân, và dễ dàng đánh mất hướng sống.

Hôm nay ta chưa chết, nhưng một ngày kia ta sẽ ra đi. Do vậy, hôm nay ta cần phải chết; chết đi cho những nết xấu, để sống cho những nhân đức; chết đi cho tội lỗi, để trở về đời sống ân sủng; chết đi cho những ích kỷ nhỏ nhoi, để sống một đời quảng đại, vị tha… Chính những cái chết như thế sẽ làm cho cái chết cuối cùng của ta nên “nhẹ như lông hồng”, giúp ta hân hoan bước vào cõi sống ngàn thu với Thiên Chúa nơi cõi vĩnh hằng.

Lm. GB. Nguyễn Hồng Uy
Chánh xứ Thánh Giuse

Bài ca Thương Khó Gioan (Đức Cha Hoà)


Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

Album Nhật Ký 2004-2005

Thưa anh em, thoáng một cái, nay ngồi bấm ngón tay, thời gian đã là 10 năm rồi, kể từ khi bước chân vào Đại Chủng Viện Thánh Giuse.
để nhìn lại những kỷ niệm đã qua, mời anh em cùng xem lại bộ hình ảnh trong ALBUM Nhật Ký của năm học cuối cùng ở Chủng Viện.

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

Con Cu Đất (Phêrô Nguyễn Hoàng)

Cậu bé sung sướng nhảy tung tăng chung quanh mẹ nó. Hôm nay nó được nghỉ học vì là ngày chúa nhật. Không có gì đáng yêu đối với nó bằng ngày chúa nhật! Khỏi phải nhìn cái roi mây nhịp nhịp trên tay của bà xơ đen lớp Tư A trường Thánh Tâm. Hình như bà xơ này khoái đánh học trò hay sao đó! Cựa một cái là quất, là khẻ mắt cá, khẽ mấy đầu ngón tay! Cũng may là nó chưa học được những trò bợm bải của chúng bạn nên chưa bị bà xơ hỏi thăm sức khoẻ. Chắc là đau lắm! Nó nghĩ thế. Nhưng hôm nay cái sung sướng của nó được nhân đôi. Đây là lần đầu tiên nó được mẹ cho biết sẽ dắt nó về quê ngoại! Lần đầu tiên trong đời nó sẽ được gặp mặt bà ngoại nó! Bà ngoại như thế nào, nó không biết. Nhưng chắc bà cũng như bà ngoại thằng Tư, bạn của nó. Bà ngoại bạn nó hiền lắm lúc nào cũng cho bánh kẹo và bênh nó mỗi khi mẹ nó đòi đành nó. “Vậy là mình cũng có bà ngoại! Mình sẽ mét với bà ngoại nếu Má mình đành mình!” Nó nhìn lên mặt mẹ nó và mỉm cười. Mẹ nó cũng cười theo niềm vui của con, nhưng bà có biết con mình đang nghĩ gì đâu ?
Ngồi trên lòng mẹ, thằng bé sáu tuổi cứ nhoải người tới trước nhìn con ngựa đang cố gắng lóc cóc chạy. Nó thường thấy xe ngựa chạy trên đường Trần Quý Cáp những lúc nó theo chúng bạn đi xem phim Ấn Độ ở Rạp Tân Tiến. Nhưng chưa bao giờ nó được thực sự ngồi lên một cổ xe ngựa cả. Thế nên thằng bé sướng rung người, đầu nó nhịp lên nhịp xuống theo những tiếng lóc cóc của vó ngựa. Nó nghe loáng thoáng người ta bảo nhau là đi lên Thành! Thành ở chỗ nào, nó cũng không biết. Nó mới đươc mẹ nó đưa nó về Nhatrang từ Đà Lạt non được một năm, nên ngoài trường Thánh Tâm của mấy bà xơ đen ở Ngã Sáu và mấy rạp xi nê như rạp Minh Châu ở đường Công Quán, rạp Tân Tân ở đường Độc lập, rạp Tân Quang ở ngả sáu Nhà Đèn, rạp Tân Tiến ở đường Nhà Thờ, rạp Đại Nam ở dưới bến xe ngựa, cái gì nó cũng không biết.. Mà nó cũng chẳng cần để ý chi đến ba cái lẻ tẻ đó. Cái chính nó cần biết là nó sắp được gặp mặt bà ngoại nó. Chắc bà lại cũng cho nó thật nhiều bánh thật nhiều kẹo, y như bà ngoại của thằng Tư, bạn nó.
“Cho tui xuống ở Nhà Thờ bình Cang nghe ông?” Thằng nhóc giật mình khi nghe tiếng mẹ nó réo lên.
“Nhà Bà Ngoại ở Bình Cang hở Má? ” Nó vừa gọi vừa giật vạt áo dài của mẹ nó.
“Ừ!” Mẹ nó đáp gọn lỏn.
Nó nghe tiếng ông đánh xe ngựa hãm ngựa lại. Chiếc xe từ dừng lại. Có mấy người đàn bà bước vội xuống xe, nhường chỗ cho mẹ con thằng bé.
“Đưa tôi ẵm thằng bé xuống trước cho!” Thằng bé bổng thấy có ai đó nhấc bổng nó lên và lôi nó xuống xe.
“Má, má!” Nó ré to lên sợ hải.
“Ai bắt má mày đâu mà mày sợ?” Có tiếng của một thanh niên lạ nói với nó.
Mẹ nó cũng vừa xuống xe và tính tiền đưa cho chàng thanh niên lơ xe. Bà mỉm cười và bồng nó lên hông mình. “Bộ con sợ mất Má lắm sao?”
“Sao không sợ được? Người ta đông quá, ai mà biết!” nó bẻng lẻng giấu mặt vào ngực mẹ nó. Nó cảm thấy mặt nó nóng rang vì cảm thấy quê!
Mẹ nó bỏ đường cái nhựa đi rẻ vào đường đất. Bên phải là một cái quán nhỏ, bên trái là một ngôi chùa ẩn trong một đám cây.
“Đây là chùa Thầy Năm, còn kia là quan Bà Tám Tưng!” Nó ngơ ngác nghe mẹ nó giới thiệu hai cái tên nghe ngồ ngộ. Cái này mà gọi là quán, là chùa sao? Ở Nhatrang đâu có loại quán loại chùa như thế!
“Chào Chị Năm!” Thằng nhóc nhìn đăm đăm vào một thiếu phụ mặc đồ bà ba bông đang vồn vả chận mẹ nó lại. “Chà, lâu ghê Chị Năm mới chịu về làng!”
“Chào cô Tư! Tôi cũng thường hay về đây chớ! Tại cô không gặp tôi đó thôi!” Thằng nhóc ngước nhìn mẹ nó thắc mắc. Nó có thấy mẹ nó đi đâu bao giờ!
“Sao Má nói láo với bà đó vậy?” Nó hỏi mẹ khi họ đã đi được một đoạn.
“Xã giao mà con!”
“xã giao là nói láo hở má? Sao mỗi lần con xã giao với Má là con bị đòn vậy?” Mẹ thằng nhóc cười phì nghe con mình hỏi. Đúng là không có câu trả lời thỏa đáng được.
“Thôi, xuống đi bộ đi ông tướng nhà trời. Nặng trịch mà bắt ẵm hoài à!” Nó cũng chỉ mong có vậy. Ngồi trên hông mẹ hoài chẳng thích thú chút nào cả. Đường này không có xe nên nó tha hồ mà chạy tung tăng.
“Đừng có chạy đi xa. Coi chừng vấp té đó nghe không?” Thằng nhóc đâu thèm để ý đến tiếng mẹ nó. Có nhiều thứ lạ quá. Nhà hai bên đường, nhà nào nhà nấy đều ẩn sau một đám cây cả. Toàn là xoài lủng lẳng trên cao. Nó cúi xuống lượm một cục đá.
“Đừng có bợm! Người ta đánh đó!” Mẹ nó đe.
“Ai mà biết!” Nó phụng phịu. Ở NhaTrang nó từng theo bạn nó đi ném bàng, hái trộm keo ở đường Lý Thánh tôn, ở bệnh viện. Người ta la thì mình chạy, ai bắt được mà đành chứ. Có mẹ bên mình quả là không vui chút nào!
Họ đi ra khỏi đoạn đường có nhà cửa hai bên. Thằng bé phụng phịu đi tụt lại phía sau. Nó vẫn hay làm vậy với mẹ nó để mẹ nó phải bồng nó lên dỗ ngọt nó. Thường ngày thì nó vẫn được cưng chìu như thế.
“Nhanh lên đi con,” người thiếu phụ chợt dừng lại, đưa tay vẩy vẩy đứa con phía sau.
Được nước, thằng bé lì lợm ngồi chôm hỏm ngay xuống giữa đường, tỏ vẻ không chịu đi tiếp.
“Phải ẵm con mới chịu!” Nó sụ mặt.
“Có chút xíu vậy mà cũng nhỏng nhẻo!” Mẹ nó đành phải chịu thua con ngựa con bất kham của mình, xốc vội nó lên nách, tiếp tục hành trình.
Trời buổi sáng nắng dịu. Thằng bé nhìn đồng ruộng hai bên đường, cảm thấy hay hay. Nó quên ngay đi cơn hờn dỗi.
“Má ơi, cái gì dưới nước kia hở Má? Không lẻ họ trồng cỏ?”
“Bộ hết câm rồi sao, thằng Bợm!” Mẹ nó hôn vội lên cái má lúm đồng tiền của nó.. “Lúa non đó!”
Lại một màn giải thich dài dòng, nhưng thằng bé vẫn không hiểu. Cái gì là lúa? Nó chưa hề nghe. Nó tụt ngay xuống đất, chạy ngay đến ven bờ ruộng. có một con gì nhỏ giống như cóc đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, phùng cổ kêu lên oen oét. Té ra không phải chỉ có một con nhái (mẹ nó nói vậy), mà con có rất nhiều con khác. Âm thanh của chúng tạo thành một bản nhạc nghe rất êm tai, hòa theo tiếng nhịp chân đi của nó.
Một cơn gió mát thoảng qua. Thằng bé khoái chí nhảy tung tăn về phía trước. Nó chợt dừng lại ở một ngả ba, không biết nên đi theo đường nào. Xa xa trước mặt nó là một ngôi nhà thờ cổ kính. Nó cảm thấy hay hay, đứng nhìn mãi không chân mắt. Bổng dưng nó cảm thấy thân thuộc với ngôi nhà thở này. Hình như nó đã thấy đâu đó trong ký ức bé bỏng của nó.
“Đi đi con, nhìn gì mà nhìn dữ vậy?”
Mẹ nó rẽ sang con đường đất phía trên. Thằng bé tiếc rẻ, chạy vội theo mẹ nó, mắt vẫn đăm đăm nhìn ngôi nhà thờ cổ.
Họ dừng lại trước một tòa nhà đồ sộ. Trước cổng có một cây điệp lớn đang ra hoa rực rở. Nó bở ngở nhìn vào trong, cảm thấy hơi sợ sợ. Nó chưa lần nào vào một ngôi nhà lớn như thế này. Một bày bồ câu chớp cánh bay lên nóc nhà khi mẹ con nó băng ngang cái sân gạch.
“Chào bà ngoại đi con!” Mẹ nó đưa tay kéo thằng bé ra phía trước và đẩy nó đến trước mặt một bà cụ có gương mặt phúc hậu.
“Dạ chào bà ngoại!” Nó khoanh tay, cúi đầu xuống, lí nhí trong miệng.
Dĩ nhiện thằng bé khoái chí tử rồi. Cũng như bà ngoại của thằng Tư, bà ngoại nó cho nó rất nhiều bánh, bánh bông lan, me rim ngâm cam thảo, và có cả thanh long nữa.. Không những thế, nó được hai dì của nó, con của bà ngoại tuổi trac 17, 18, thay phiên bồng nó lên nựng nịu.
Nó bỏ ra thềm trước nhà ngồi ngắm đám bồ câu ăn lúa dưới sân gạch. Trong nhà mấy người lớn nói chuyện với nhau chán ngắt. Giá minh được bà ngoại cho một con về nuôi chắc thú lắm, nó nghĩ trong bụng. Thế rồi nó lân la với mấy dì nó ngỏ ý muốn xin một con.
“Mấy con bồ câu đó bà bắt không được.” Bà ngoại nheo mắt nhìn nó mỉm cười. “Hay là bà cho con cu đất này, con chịu không?”
Thích quá đi chớ. Không ngờ nó chỉ ước thôi mà lại được quá sự mong muốn của nó. Tuy không có màu sắc sặc sở như những con bồ câu kia, nhưng có có hột cườm trên cổ. Ngoài ra thỉnh thoảng nó còn biết gáy nữa. Không những thế bà ngoại còn cho nó nữa bao lúa nhỏ để nó cho chim ăn. Suốt cả buổi xế sau bữa ăn trưa nó hình như không muốn đi đâu cả, chỉ lẩn quẩn nơi nhà bếp nơi có cái lồng tre treo con cu đất của nó. Càng nhìn nó càng thấy thích, thấy con chim gáy càng đẹp ra, đẹp hơn cả những con bồ câu đang ăn lúa ngoài sân kia. Cử chỉ nó làm cho mấy dì nó phải phì cười.
“Lại đây với Dì Mười nào! Thế nào chiều nay khi Má con về, bà ngoại cũng cho con con cu cườm đó mà!” Dì nó xốc nó lên nách mang vào phòng mình cho nó một trái xoài tượng chín vàng. Đúng là loại xoài nó thích. Thỉnh thoàng mẹ nó cũng cho nó vài lát của loại xoài này. Nhưng hôm nay nó không muốn ăn xoài. Nó chỉ thích ngắm con chim mà nó sắp được làm chủ thôi.
Từ ngày nó mang được con cu đất về nhà, nó không còn đi theo thằng Tư chơi nữa. Nó cũng không còn chui hang rào qua vườn Bà Tòa để đùa giởn với con bé Mỹ, con của Bà Tòa nữa. Nó thích ngồi nghe hai mẹ con ba Tòa nói chuyện với nhau. Tiếng gì mà phải lên giọng xuống giọng nghe như hát! Tiếng Huế nghe thật là hay. Nó cũng chẳng biết nó quên với cô bé Mỹ trong trường hợp nào. Nó chỉ còn nhớ cô bé đã giúp nó phá một lổ nhỏ trong hàng rào vừa đủ để nó chui qua đó chui thôi. Bà Tòa cũng thích nó nữa, có lẻ vì nó không có nói tục va bợm bải như những đứa con trai quanh đây. Chồng bà cứ phải lên tòa án xét xử người ta cả ngày, nên có lẻ bà cũng cảm thấy buồn phải ở nhà một mình với đứa con gái nhỏ. Có thêm nó cũng vui, chẳng hại gì.
Tờ mờ sáng mới mở mắt dậy là thằng bé đã chạy ra sau nhà bếp nơi nhốt con cu đất của nó, thay nước và đồ ăn cho cục cưng của nó. Nhưng hình như con chim không thích thằng bé cứ tìm cách thoát thân, nhảy tum lum trong lồng. “Êm đi cưng! Chủ mày tốt với mày lắm, hỏng có làm hại gì mày đâu!” Nó nói nhỏ với con chim trong lồng, rồi treo lồng vào chỗ củ. Nó ngồi chồm hổm dưới đất ngắm con chim của nó cho đến lúc mẹ nó lôi nó vào trong nhà rữa mặt súc miệng cho nó, cho nó ăn sáng và chuẩn bị cho nó đi học.
Trưa cũng vậy, chiều cũng thế, lúc nào rảnh là nó cứ lảng vảng bên lồng chim của nó. Nó mang cả bài làm của nó ra đó làm nữa. Nó đâu còn tâm trí vào bài vở nữa chứ, nên điểm của nó theo đó cứ tụt dần. Nó bị ăn đòn của mẹ nó nhiều lần vì tụt điểm. Nó giận mẹ nó lắm, nhưng cũng cảm thấy tôi nghiệp mẹ khi mẹ khóc luc xức dầu cho nó. Mẹ nó quả là kỳ cục. Đã đành con bầm đít rồi, còn mang con ra xoa dầu rồi khóc! Đã khóc vì con mình bị đành đau, thì đành con làm gì chứ?
Nó hối hả về nhà sau giờ tan học buổi trưa. Suốt cả buổi sáng nó đâu có nghe bà xơ giảng gì. Tâm trí nó còn để ở lồng cu đất của nó. Con chim cứ tông vào nóc lồng và đầu bị rỉ máu. Cái đầu của nó vốn đã bị thương sói sọi, giờ lại bị thương thêm. Nó cảm thấy tôi nghiệp cho con chim. Nhiều lúc mẹ nó bảo nó hãy thả con chim đi vì thấy nó lổ đầu tội nghiệp, nhưng thằng bé không chịu. Đó là tài sản duy nhất của nó. Thả chim rồi thì nó phải làm sao đây? Trong môt góc trong cặp táp của nó nó một cục bông gòn, một ve thuốc đỏ và một miếng băng keo. Đó là những thứ mẹ nó đã dùng để xức những vết thương của nó lúc nó bị té trầy chân tay. Nó đã lén ăn cắp của mẹ nó những thứ đó lúc còn sáng sớm lúc mẹ nó chưa thức dậy. Nó quyết định phải băng bó vết thương cho con chim cưng của nó. Băng đầu con chim lai, cho du nó có tồng vào lồng chắc cũng không sao.
Mặt nó tái đi khi nhìn đến cái lồng tre. Nắp lồng đã được mở ra và con chim yêu quý của nó không còn trông đó nữa. Nó đi tìm chung quanh, hy vọng sẽ tìm thấy bóng dang con chim đâu đó. Nó vào nhà bếp. Mẹ nó đang chuẩn bị cơm trưa trong nhà bếp cho ba nuôi nó về ăn.
“Má có thấy con chim của con đâu không Má?” Nó khóc òa lên.
“Nó bay mất thì thôi, chuyện gì mà phải khóc?” Bà bình thản trả lời.
Mùi thơm chiên xào bổng hắt vào mũi nó. Nó sinh nghi. “Mà chiên gì vậy?”
Mẹ nó không trả lời câu hỏi của nó. “Để yên cho Má đi. Mày lên nhà trên học bài đi. Lúc này điểm của mày tụt đi nhiều đó!”
Nó chợt chú ý vào giỏ rác nơi góc nhà bếp. Lông của con cu đất! Nó chạy vội lại giỏ rác! Đúng rồi! Không phải một cái mà cả đống lông! Mẹ nó đã bắt con chim yêu quý của nó làm thịt mất rồi. Nó nằm lăn ra đất dãy dụa. “Tại sao, tại sao Má làm thịt con cu đất của con.. Má ác lắm! Má ác lắm giết chết con chim của con!”
“Mầy có đứng dậy không, ông tướng? Dơ hết quần áo rồi! Lên nhà trên! Nếu không tao cho một cán chổi bây giờ!”
Nó lên giường trùm mền khóc rấm rức. Nó có cái tật khóc dai, ai dỗ cũng không chịu nín nếu nó cảm thấy không có lỗi. Lần này thì người có lỗi là mẹ nó, làm sao mà nó nín cho được, nên nó cứ thút thít khóc mãi cho đến lúc nó lả người đi va ngủ thiếp đi. Mẹ nó mắc lo bữa trưa cho ba nuôi nó nên đâu có thì giờ mà dỗ danh nó như mọi khi.. Trưa hôm đó, mẹ nó gọi nó dậu ăn cơm nó cũng không thèm ra ăn. “Cứ để con chết đi cho Má nhờ!” Đó là cách nó trả thù Má nó. Nó còn biết làm gì hơn được.
Mẹ nó đánh thức nó dậy đi học lúc hai giờ chiều. Thằng bé dậy không nổi. Nó lên cơn sốt, nằm liệt giường. Nó có tật xấu đói! Thường thì lúc nó đi học về chưa có cơm mà nó nằm vật ra giường, mặt mày xanh lơ xanh lét. Cái đói và cái buồn bị mất con cu đất của nó đã khiến nó lâm bệnh. Mẹ nó đã phải nằm với nó suốt buổi chiều dỗ danh nó mãi.
“Con xem đó, con chim nó lổ đầu nặng quá, thế nào rồi nó cũng chết. Giết nó đi cho nó đở khổ!”
Nó không thèm nghe cái luận điệu của mẹ nó. “Má phải bắt đền con!”
“Con phải học cho thật giỏi, rồi hôm nào má sẽ lên bà ngoại xin cho con một con cu đất khác đẹp hơn!”
“Má lại nói xã giao với con nữa phải không?”
Mẹ nó phì cười, hôn lên tràn nó. “Không Má nói thiệt chớ không có xã giao với con đâu!”
Biết làm sao hơn. Đó là hy vọng cuối cùng của nó. Mong rằng mẹ nó không nói ‘xã giao’ với nó!
Nó cũng không biết mẹ nó có ‘xã giao’ với nó không nữa, vì đó là kỹ niệm cuối cùng được sống trong vòng tay ấp ủ của mẹ nó. Nó học chưa hết lớp Tư A nó phải rời mẹ nó đễ về sống với ông nội nó. Bình Cang! Lần đầu về Bình Cang nó thích lắm, nhưng lần thứ nhì về Bình Cang để sống luôn tại đó quả thật không thoải mái chút nào. Chẳng còn ai dỗ dành nó cả! Chỉ có ăn roi thôi nếu nó ươn ngạnh không chịu nghe lời!
17/3/2009
Phêrô Nguyễn –Hoàng

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2009

Chúc mừng bổn mạng




Nhân dịp lễ Thánh Giuse, 19.03.2009, chúc mừng những anh em nhận Thánh Giuse làm bổn mạng:






1. Nguyễn Hữu Châu
2. Nguyễn Trường Chinh
3. Nguyễn Công Chính
4. Phạm Phú Cường
5. Đinh Công Đức
6. Đinh Tấn Hoài
7. Lê Hoàng
8. Nguyễn Huy Hoàng
9. Đỗ Quang Khả
10. Nguyễn Thanh Kiều
11. Trần Thanh Long
12. Trần Đình Phương
13. Huỳnh Thanh Phương
14. Nguyễn Minh Quân
15. Trần Cao Thăng
16. Đỗ Mạnh Thịnh
17. Bạch Kim Tri
18. Lê Quan Trung
19. Hoàng Đức Tú
20. Phạm Sỹ Tùng
21. Đoàn Văn Tuyến


Mến chúc anh em tràn đầy ơn Chúa qua sự cầu bầu của Thánh Giuse, bổn mạng anh em, để anh em luôn tìm thấy niềm vui trong đời sống phục vụ.

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

Hiểu để cảm thông

Căn nhà dột nát và bà cụ 80 tuổi
Theo Duy Tuyên - Thanh Lan (Dân trí) (09/03/09)

Bố mẹ mất sớm, không một người thân thích, bà lấy chồng sinh được một đứa con gái rồi chồng qua đời, đứa con gái câm điếc, tâm thần cũng bỏ bà đi biệt tích. Đã hơn 80 tuổi, bà vẫn sống cô độc một mình, lam lũ đi xin ăn để sống qua ngày.
Đó là hoàn cảnh của cụ Lường Thị Thúc, thôn Trung Hải, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Không khó để tìm ra căn nhà tạm bợ, tuềnh toàng, lụp xụp đang là nơi che chở cho tấm thân già yếu, cô độc của cụ Thúc. Đã quá trưa khi chúng tôi tìm được đến nhà cụ, giữa cơn mưa phùn và cái giá lạnh của tiết trời cuối đông, trước mặt là hình ảnh một bà cụ trên 80 tuổi nặng nề lê từng bước chân khiến chúng tôi không khỏi động lòng.

Cụ Thúc bước đến trước cánh cửa tre đẩy nhẹ, cụ mời chúng tôi vào nhà. Nói là nhà cho sang chứ thực ra chỉ là một túp lều, đứng trong nhà có thể nhìn thấy cả một khoảng trời. Căn nhà chỉ còn lại vài mảnh tôn lợp gác trên những bức tường đổ vỡ nham nhở. Trong căn lều tạm bợ ấy không có một vật dụng gì ngoài chiếc giường ọp ẹp và mảnh chăn đã quá cũ kĩ rách nát.

Khi chúng tôi chưa kịp hỏi gì, cụ đã ngồi bệt xuống giường ôm mặt khóc, những giọt nước mắt lăn nhẹ trên nếp da nhăn nheo, như đã cạn dần theo năm tháng vất vả của cuộc đời cụ. Phải động viên mãi cụ mới kể lại cuộc đời đầy vất vả, cơ cực của mình. Năm 18 tuổi, cụ lấy chồng, đôi vợ chồng trẻ mãi mới sinh được một cô con gái. Nào ngờ đứa con gái bao năm trông ngóng sinh ra bị mắc căn bệnh câm điếc bẩm sinh, lớn lên lại mắc chứng ngớ ngẩn nên thường bỏ nhà đi lang thang.

Hai vợ chồng đã dồn hết sức lực, của cải đem con đi chạy chữa khắp nơi nhưng cũng chẳng có chút hy vọng nào. Người chồng thấy vậy đâm ra chán nản, bỏ bê mọi việc, suốt ngày chìm vào những cơn say rồi lâm bệnh qua đời, để lại người vợ trẻ và đứa con tật nguyền.

Những tháng ngày tiếp theo đối với cụ Thúc là những chuỗi ngày đầy những khó khăn, vất vả. Nhiều khi trong nhà không còn lấy dù chỉ một củ khoai, một hạt gạo ăn cầm hơi, hai mẹ con đành phải hái sung xanh về luộc ăn thay cơm. Đã thế, đứa con gái cứ chờ mẹ ra khỏi nhà là tìm cách trốn đi. Có hôm chị bỏ đi mấy ngày không về làm cụ nháo nhào tìm con, khóc cạn nước mắt. Đến năm con gái bà tròn 20 tuổi thì chị bỏ bà đi biệt tích không về nữa. Người mẹ tội nghiệp khăn gói đi khắp nơi tìm con, nhưng tìm suốt mấy năm ròng vẫn biệt vô âm tín.

Chồng mất, đứa con duy nhất cũng bỏ cụ mà đi, cụ Thúc đâm ra sầu não, sức khỏe của cụ giảm sút nhanh và thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật. Đêm đến nhớ chồng, thương con, cụ lại vùi mình trong mảnh chăn nhàu nát khóc thương cho số phận bất hạnh của mình. Hàng xóm cũng đã quá quen với tiếng khóc than khàn khàn hàng đêm của cụ. “Nhiều lần nghĩ quẩn tui muốn chết cho xong, nhưng không mần răng mà chết được. Thân già sống thế này cực lắm con ơi!”, cụ Thúc nghẹn ngào. Trên đôi mắt nhèm nhèm đầy những vết trắng mờ đục, những giọt nước mắt cứ thế rơi ra, chảy dài trên khuôn mặt đầy nếp nhăn và sạm đen vì nắng gió.

Không người ruột thịt thân thích, nhiều năm qua cụ Thúc đã phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con chòm xóm, người cho nắm rau, người cho bát gạo. Hôm nào khỏe chân thì ra chợ xin được lá rau, con cá… sống qua ngày. Nhìn vào trong chiếc bị cụ mới đi xin về, chỉ có vài quả chuối xanh, vài con cá vụn mà thấy xót lòng.

Bà Thoa, hàng xóm của cụ cho chúng tôi biết thêm: Cái nhà hỏng dở mà cụ đang ở là làng xóm góp lại xây cho, nhưng trong đợt bão vừa rồi đã bị hư hỏng nặng. Trước đó cụ ở trong một căn nhà tranh nhưng bị bão cuốn đi: “khổ thân bà cụ, hàng xóm láng giềng thương cho hoàn cảnh của cụ lắm nhưng cũng chả giúp được gì hơn cho cụ”.

Chia tay bà cụ ra về mà trong lòng chúng tôi không khỏi xót xa. Hình ảnh cụ Thúc trong căn nhà dột nát cứ in hằn trong tâm trí chúng tôi trên suốt quãng đường trở về.

Sứ điệp mùa chay 2009 của Ðức Thánh Cha

Vatican (Vat. 10/02/2009) - Thứ tư lễ tro, 25-2-2009, sẽ bắt đầu mùa chay trong toàn thể Giáo Hội. Như mọi năm, ÐTC Biển Ðức 16 cũng đã cho công bố sứ điệp hướng dẫn các tín hữu trong hành trình mùa chay, năm nay có chủ đề là "Sau khi ăn chay 40 đêm ngày, Chúa Giêsu thấy đói" (Mt 4,1-2). Qua đề tài này, ÐTC mời gọi các tín hữu tái khám phá và thực hành việc chay tịnh, đồng thời gia tăng thực hành bác ái trong mùa chay này. Sau đây là bản dịch tiếng Việt toàn văn Sứ điệp của ÐTC.

Anh chị em thân mến,
Vào đầu Mùa Chay là con đường thao luyện tinh thần khẩn trương hơn, Phụng Vụ tái đề nghị với chúng ta ba việc thực hành thống hối rất được truyền thống Kinh Thánh và Kitô giáo quí chuộng, đó là cầu nguyện, làm phúc, và ăn chay, để chuẩn bị chúng ta cử hành tốt đẹp hơn Lễ Phục Sinh và cảm nghiệm quyền năng của Thiên Chúa, là "Ðấng đánh bại sự ác, tẩy sạch tội lỗi và ban lại cho tội nhân sự vô tội, niềm vui cho người sầu khổ, phá tan oán thù, hạ bệ kẻ kiêu ngạo, mang lại cho chúng ta an bình" - như chúng ta sẽ nghe trong lễ Vọng Phục Sinh (Lời loan báo Phục Sinh). Trong sứ điệp mùa chay theo truyền thống này, năm nay tội muốn đặc biệt dừng lại để suy tư về giá trị và ý nghĩa của việc ăn chay. Thực vậy Mùa Chay gợi lại trong tâm trí 40 ngày chay tịnh của Chúa trong hoang địa trước khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai. Chúng ta đọc trong Tin Mừng: "Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa, để chịu ma quỉ cám dỗ. Sau khi ăn chay 40 đêm ngày, ngài thấy đói" (Mt 4,1-2). Như Môisê trước khi nhận các bia đá Lề Luật (cf Xh 34,28), như Elia trước khi gặp Chúa trên núi Horeb (cf 1 V 19,8), Chúa Giêxu cũng cầu nguyện và ăn chay để chuẩn bị thi hành sứ vụ, với bước khởi đầu là một cuộc đụng độ cam go với tên cám dỗ.
Chúng ta có thể tự hỏi, đối với các tín hữu Kitô chúng ta, đâu là giá trị và ý nghĩa của việc tự nguyện chịu thiếu thốn một cái gì đó, tự nó vốn là điều tốt lành và hữu ích cho việc dinh dưỡng chúng ta. Kinh Thánh và toàn thể truyền thống Kitô giáo dạy rằng ăn chay là một trợ lực lớn để tránh tội lỗi và tất cả những gì dẫn tới tội lỗi. Vì thế, trong lịch sử cứu độ vẫn thường có những lời mời gọi ăn chay. Ngay trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, Chúa đã dạy con người đừng ăn trái cấm: "Ngươi có thể ăn mọi trái cây trong vườn, nhưng ngươi không được ăn trái cây biết lành biết dữ, vì ngày nào ngươi ăn trái ấy, chắc chắn ngươi sẽ phải chết" (St 2,16-17). Khi bình luận về lệnh cấm ấy của Chúa, thánh Basilio nhận xét rằng "Việc ăn chay đã được qui định trong địa đàng" và "giới luật đầu tiên ấy đã được ban cho Adam". Và thánh nhân kết luận rằng: "Lệnh cấm 'Ngươi không được ăn' cũng là luật về ăn chay và kiêng cữ" (cf Bài giảng về ăn chay: PG 31, 163,98). Vì tất cả chúng ta trở nên nặng nề vì tội lỗi và những hậu quả của nó, nên việc ăn chạy được tặng cho chúng ta như một phương thế để nối lại tình bạn với Chúa. Ðó cũng là điều Esdra đã làm trước cuộc hành trình từ nơi lưu đày về Ðất Hứa, khi ông mời gọi dân tập hợp lại để ăn chay, "để hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa chúng ta" (8,21). Ðấng Toàn Năng đã lắng nghe lời cầu nguyện của họ và cam kết ban ơn và bảo vệ họ. Cũng vậy, dân thành Ninivê, đã nhạy cảm đối với lời kêu gọi thống hối của Giona, họ công bố cuộc ăn chay, để chứng tỏ lòng chân thành của họ, và nói: "Biết đâu Thiên Chúa nghĩ lại, đổi ý, từ bỏ cơn thịnh nộ của ngài và chúng ta không phải chết!" (3,9). Thiên Chúa thấy việc họ làm và tha cho họ.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nêu bật lý do sâu xa của việc ăn chay, Ngài lên án thái độ của những người Biệt Phái, họ tuân giữ tỉ mỉ các giới luật, nhưng tâm hồn họ lại xa Chúa. Tại một nơi khác, Chúa nhắc lại, việc ăn chay chân thực, chính là thi hành ý Cha trên trời, Ðấng nhìn thấy trong nơi bí nhiệm, và sẽ thưởng cho ngươi" (Mt 6,18). Chính Chúa đã nêu gương khi trả lời Satan vào cuối cuộc ăn chay 40 đêm ngày trong hoang địa, rằng: "con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng những lời từ miệng Chúa phán ra" (Mt 4,4). Vì vậy, ăn chay đích thực là nhắm dùng "lương thực đích thực", là thi hành ý Chúa Cha (cf Ga 4,34). Bởi vậy, nếu Adam không tuân lệnh Chúa "cấm không được ăn trái cây biết lành biết dữ", thì qua việc ăn chay tín hữu muốn khiêm tốn tùng phục Thiên Chúa, tín thác nơi sự tốt lành và lòng từ bi của Ngài. Chúng ta thấy việc ăn chay rất được thực hành trong cộng đồng Kitô tiên khởi (Cv 13,3; 14,22; 27,21; 2 Cr 6,5). Cả các Giáo Phụ cũng nói về sức mạnh của việc ăn chay, có khả năng kềm hãm tội lỗi, loại bỏ sự ham hố của "con người cũ" và mở ra trong con tim tín hữu con đường dẫn đến Thiên Chúa. Ngoài ra, ăn chay cũng là điều được các thánh trong mọi thời đại thực hành và cổ võ. Thánh Phêrô Kim Ngôn viết: "ăn chay là linh hồn của kinh nguyện, lòng từ bi là sự sống của việc ăn chay. Vì thế, ai cầu xin mà muốn được nhậm lời, thì phải ăn chay; ai ăn chay thì phải có lòng thương xót; ai nghe người xin mình, và người nào xin, thì cũng muốn được nhậm lời; Ai không từ chối nhậm lời khi người ta xin, thì cũng được Thiên Chúa nhậm lời" (Bài giảng 43: PL 52,320.332).
Ngày nay việc ăn chay dường như bị mất phần nào giá trị tinh thần và, trong một nền văn hóa chịu ảnh hưởng nặng của việc tìm kiếm an sinh thoải mái về vật chất, ăn chay có giá trị như một biện pháp trị liệu trong việc chăm sóc thân xác. Chắc chắn ăn chay là điều hữu ích cho an sinh thoải mái về thể lý, nhưng đối với các tín hữu, ăn chay trước tiên là "một phương thức trị liệu" để chữa trị tất cả những gì ngăn cản không cho họ được tuân hành ý Chúa. Trong Tông Hiến 'Anh em hãy thống hối' (Poenitemini) ban hành năm 1966, Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô 6 đã thấy cần phải đặt việc ăn chay trong khuôn khổ lời mời gọi mỗi tín hữu Kitô "đừng sống cho bản thân mình nữa, nhưng cho Ðấng đã yêu thương và hiến mình vì họ, và .. cũng để sống cho anh em nữa" (cf Ch. I). Mùa Chay có thể là cơ hội thuận tiện để lấy lại những qui luật trong Tông Hiến nói trên, làm gia tăng giá trị ý nghĩa chân thực và ngàn đời của việc thực hành thống hối cổ kính này, nó có thể giúp chúng ta chế ngự tính ích kỷ và mở rộng con tim cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, là giới răn đầu tiên và cao trọng nhất của Tân Luật, gồm tóm toàn thể Tin Mừng (cf Mt 22,34-40).
Ngoài ra, sự trung thành ăn chay góp phần mang lại sự thống nhất con người gồm cả thân xác lẫn linh hồn, giúp con người tránh tội lỗi và tăng trưởng trong sự thân mật với Chúa. Thánh Augustino, vốn biết rõ những xu hướng tiêu cực của mình và đã định nghĩa chúng là "những cái nút ngoằn nghèo và rối như tơ vò" (Tự Thứ II, 10.18) trong cuốn khảo luận về "Lợi ích của việc ăn chay", đã viết: "Tôi tự gây cho mình một hình khổ, nhưng là để Chúa tha thứ cho tôi; tôi tự tạo cho mình hình phạt để Chúa giúp tôi, để làm đẹp mắt Ngài, để được vui hưởng sự dịu dàng của Chúa" (Bài giảng 400, 3,3: PL 40, 708). Tự giảm bớt lương thực vật chất nuôi sống thân thể sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho thái độ nội tâm lắng nghe Chúa Kitô và nuôi dưỡng mình bằng Lời cứu độ. Với chay tịnh và kinh nguyện, chúng ta để Chúa đến thỏa mãn cái đói sâu đậm mà chúng ta cảm nghiệm trong thâm tâm: đó là sự đói khát Thiên Chúa.
Ðồng thời ăn chay giúp chúng ta ý thức tình trạng của anh em chúng ta. Trong thư thứ I, thánh Gioan cảnh cáo rằng: 'Nếu ai có của cải ở trần thế này và thấy người anh em mình trong tình cảnh túng thiếu mà lại khép kín lòng mình, thì làm sao họ ở trong tình yêu Thiên Chúa được?" (3,17). Tự nguyện ăn chay giúp chúng ta vun trồng lối sống của người Samaritano nhân lành, cúi mình xuống và cứu giúp người anh em đau khổ (cf Thông điệp Deus caritas est, 15). Khi tự nguyện chịu thiếu thốn một cái gì đó để giúp đỡ tha nhân, chúng ta chứng tỏ một cách cụ thể rằng tha nhân đang gặp khó khăn không phải là người xa lạ đối với chúng ta. Chính vì để duy trì sinh động thái độ đón tiếp và quan tâm đối với anh em như thế, nên tôi khuyên các giáo xứ và mỗi cộng đoàn hãy gia tăng việc thực hành chay tịnh bản thân và cộng đoàn trong mùa chay này, và nhờ đó cũng vun trồng sự lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và làm phúc. Ngay từ đầu, điều này đã là đặc tính của các cộng đồng Kitô, nơi mà người ta thực hiện những cuộc lạc quyên đặc biệt (cf 2 Cr 8-9; Rm 15,25-27), và các tín hữu được mời gọi hãy cho người nghèo những gì mà họ tiết kiệm được nhờ ăn chay (cf Didascalia Ap., V, 20,18). Ngày ngay cần tái khám phá và khuyến khích thói quen này, nhất là trong mùa chay.
"Từ những gì tôi vừa nói, hiện nhiên ăn chay là một việc thực hành khổ chế quan trọng, một khí giới thiêng liêng để chiến đấu chống lại mọi sự quyến luyến lệch lạc với bản thân chúng ta. Nhờ nguyện chịu thiếu sự khoái khẩu do lương thực và sự vui thú vì các của cải vật chất khác, người môn đệ Chúa Kitô kiểm soát tính ham muốn của bản tính mình vốn đã bị suy yếu vì tội nguyên tổ, và những hậu quả tiêu cực của nó ảnh hưởng trên toàn thể nhân cách con người. Một bài thánh ca phụng vụ mùa chay xưa kia đã khuyên nhủ một cách chí lí rằng: "Vì thế chúng ta hãy sử dụng điều độ lời nói, lương thực, đồ uống, giấc ngủ, chơi đùa, và tỉnh thức hơn nữa".
"Anh chị em thân mến, xét cho kỹ, việc ăn chay có mục đích tối hậu là giúp mỗi người chúng ta trở thành một lễ vật hoàn toàn dâng lên Thiên Chúa, như Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô 2 đã viết (cf Thông điệp Ánh quang Chân Lý, 21). Vì thế, mùa chay cần được đề cao giá trị trong mỗi gia đình và mỗi cộng đoàn Kitô để tránh xa tất cả những gì làm cho chúng ta xao lãng tinh thần và để tăng cường điều nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, bằng cách mở rộng tâm hồn cho tình yêu Chúa và tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự dấn thân nhiều hơn trong kinh nguyện, trong việc nguyện gẫm Kinh Thánh (lectio divina), trong việc lãnh nhận bí tích Hòa giải và tích cực tham dự thánh lễ Chúa nhật. Với thái độ nội tâm đó, chúng ta bước vào bầu không khí thống hối đặc biệt của mùa chay. Xin Ðức Trinh Nữ Maria, là niềm vui của chúng ta, tháp tùng và nâng đỡ chúng ta trong nỗ lưc giải thoát con tim chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi để làm cho nó ngày càng trở thành một "nhà tạm sinh động của Thiên Chúa". Với lời cầu chúc ấy, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả mọi người, đồng thời hứa sẽ cầu nguyện để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn tiến bước trong một hành trình mùa chay phong phú.
Vatican ngày 11 tháng 12 năm 2008
Biển Ðức 16, Giáo Hoàng

Đau Khổ (Lm. GB Nguyễn Hồng Uy)

Thư Cha xứ, số 17 Đau Khổ


Kính thưa Anh Chị Em,
Bên cạnh Tội Lỗi và Sự Ác, Đau Khổ cũng là một đề tài mà chúng ta nêu ra để suy tư trong Mùa Chay này. Theo nhiều tài liệu, “khổ” là từ được nhắc đến thường xuyên nhất nơi cửa miệng con người. Nó còn được nhắc đến nhiều hơn cả hai từ ‘tình yêu’ và ‘hạnh phúc’. Dễ hiểu là vì khi người ta cảm thấy hạnh phúc, thì người ta lại nói đến sự đau khổ của người khác. Nhưng số người thỏa mãn với niềm hạnh phúc đang có thì ít, còn số người cảm thấy khổ sở, đau khổ thì lại nhiều gấp bội. Hơn nữa, hạnh phúc thì chẳng biết mấy cho vừa, còn đau khổ thì chỉ cần một chút thôi đã quá đủ rồi. Đức Thích Ca, một bậc tu hành kể là đến nơi đến chốn, mà còn cho “đời là bể khổ”, phương chi đại loại chúng sinh chưa một lần xuống tóc qui y!
Đau khổ là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này gắn liền với mầu nhiệm về con người. Con người khi sinh ra thì cũng mang kèm theo cả cái khổ để vào đời. Theo Đức Phật, đau khổ là một thực trạng của kiếp làm người. Có thân xác nên có khổ vì phải chịu cảnh sinh-lão-bệnh-tử; không vừa lòng nên khổ vì có ý muốn; do ngũ uẩn là “sắc (thân thể), thọ (tình cảm), tưởng (tư tưởng), hành (tâm tư), thức (nhận thức)” mà sinh ra khổ; rồi thì do lòng dục -tham, sân, si- mà khổ. Tóm lại là do chính mình: tham lam, chấp thủ, vô minh mà gây ra khổ.
Ngài đưa ra con đường giúp chúng sinh thoát khổ. Đó là “Tứ Diệu Đế”trong đó vừa nêu định nghĩa và nguyên nhân của khổ ở hai chân lý đầu là Khổ Đế và Tập Đế, rồi đề nghị cách diệt khổ ở hai chân lý sau là Diệt Đế và Đạo Đế. Bát Chánh Đạo, nằm trong chân lý cuối cùng, đưa ra những phương thức giúp ta tu tâm dưỡng tính để thoát khổ nhờ đạt được “giác ngộ” và thoát được “tham – sân – si”. Rất khó để tu luyện cho đến mức thoát khổ, nên Phật giáo có cái nhìn bi quan về đau khổ, vì dường như đau khổ luôn bao bọc thân phận làm người.
Kitô giáo nhìn nhận đau khổ -cũng như bệnh tật và cái chết- là do tội lỗi mà ra. Đau khổ trước hết là một hình phạt của tội. Ở điểm này, ta nhớ đến sự công minh của Thiên Chúa. Ngài luôn thưởng điều lành, phạt điều dữ. Con người đã lỗi phạm, nên cần có hình phạt xứng đáng. Và đau khổ chính là hình phạt do hậu quả của tội. Tuy nhiên, khi nói đau khổ là do tội, thì lý giải làm sao về những người vô tội cũng phải chịu đau khổ, và kẻ tội lỗi lại sống nhởn nhơ thoải mái? Đây là điều ta rất hay thắc mắc trong cuộc sống. Và trên thực tế, điều trái ngược này có thật. Từ đây, ta lại cần nhìn đến khía cạnh thứ hai của đau khổ. Nó là một thử thách. Thiên Chúa, dù là Đấng Công Minh, cũng không chỉ ngồi đó để dựa vào công đức mà thưởng, vào tội lỗi mà phạt. Ngài muốn thanh luyện chúng ta trên bước đường trần gian, để qua những đau khổ ở đời, ta trở nên những người con xứng đáng hơn do lòng trung thành của ta giữa muôn chiều thử thách. Đây là khía cạnh tích cực và hết sức quan trọng trong quan niệm Kitô giáo về đau khổ. Con người không thể thoát khổ, nhưng con người không phải sinh ra để chịu khổ mà là để hưởng hạnh phúc. Đau khổ không có trong ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, nghĩa là nó không thuộc bản chất của con người. Vậy thì khi chịu những đau khổ đời tạm này, con người vẫn có được hạnh phúc, khi dõi mắt trông vào hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
Mầu nhiệm về đau khổ trong mối liên quan với cuộc đời con người được lý giải trong chính Đức Giêsu Kitô. Người là Thiên Chúa mà đã trở nên người phàm phải chịu mọi đau khổ, nhưng đã chiến thắng và cho thấy qua đau khổ sẽ tới vinh quang.
Người Kitô hữu cần nhìn khía tích cực của đau khổ. Khi phải đau khổ, đừng bảo là Chúa phạt, cũng đừng cho đó là Chúa thử thách, mà hãy coi đó như Chúa đang thanh luyện chúng ta, giúp ta nên tinh tuyền hơn như vàng được tinh luyện trong lửa. Hơn thế nữa, đau khổ giúp ta được tham dự vào cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Chính khi vui lòng chịu lấy những đau khổ, mà ta trở thành chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo Hội.
Vì vậy, đau khổ dù không thêm gì cho ta, nhưng mang lại cho ta cơ hội thanh luyện mình, khiến cho cuộc đời lắm khổ ải của ta thành bước đường đưa ta vào nguồn phúc đích thật và thường tồn. Đồng thời, khi vui lòng chịu khổ, ta nói lên được một cách hùng hồn về lòng can đảm của những con người biết trông chờ ơn cứu chuộc, giúp cho tha nhân cũng biết vượt qua tất cả để trung thành trong ơn gọi làm con Thiên Chúa, Đấng sẽ bù đắp tất cả cho những ai tín trung với Ngài.


Lm. GB Nguyễn Hồng Uy
Giáo xứ Thánh Giuse - Phan Thiết

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2009

Sự Ác (Lm GB Hồng Uy)

Thư Cha xứ: Sự Ác
Kính thưa Anh Chị Em,
Tuần trước, chúng ta đã nói với nhau về Tội Lỗi. Tuần này, chúng ta nói về Sự Ác. Ác là sự dữ luân lý, nghĩa là xấu xét theo luân lý. Ác được hiểu ở đây là gây hại, là nguy hiểm.
Nói đến sự ác, ta cần lưu ý ngay rằng, sự ác chỉ có nơi con người. Tất cả mọi sinh vật khác đều không có sự ác. Ác khác với dữ. Dữ thuộc về bản năng, còn ác là hành vi có ý thức của lý trí và sự cố tình của ý chí. Con chó, con cọp có thể dữ, nhưng chúng không bao giờ ác cả. Chúng dữ theo bản năng, nhưng không ý thức khi tấn công hay khi bắt mồi. Người Anh có câu: “Chó cắn người là chuyện bình thường, người cắn chó mới là điều đáng nói”. Họ có ý nói tới sự khác nhau giữa một bên là bản năng, còn bên kia là ý thức; một bên là dữ, còn bên kia là ác! Trong cuộc sống, ta không sợ người dữ, mà chỉ sợ người ác. Người dữ tính thì có thể kiềm chế và bị không chế, còn người có tính ác thì khó phát hiện và khó lường. Phật giáo có câu: “Miệng Nam-mô, bụng một bồ dao găm!” hay dân gian vẫn nói: “Miệng thì thơn thớt nói cười, mà lòng xảo quyệt giết người không dao!”. Dữ tính thì bớt đi khi văn minh hơn, nhưng tính ác thì không phải như vậy. Người văn minh, có học, lắm lúc lại ác độc, thâm hiểm hơn người bình dân quê mùa.
Lương tâm là tiếng nói chỉ cho ta thấy điều ác để tránh và điều lành để làm. Nhưng lương tâm phải được huấn luyện mới có khả năng này. Kẻ lòng lang dạ sói thì không còn nghe tiếng mách bảo của lương tâm được nữa.
Hiểu như thế, ta lại cần tìm ra nguyên nhân gây nên sự ác. Nguyên nhân sâu thẳm nhất vẫn là tội. Tội Nguyên tổ gây ra sự tồi tệ cho mọi loài, trong đó con người chịu hậu quả nặng nề nhất. Tội đã phá đi sự lành trọn vẹn nơi con người, thay vào đó là một tình trạng đổ nát, trong đó sự ác nổi lên làm con người nhiều khi không còn sống đúng với bản chất người của mình nữa. Là hậu quả của tội, nên sự ác đã làm con người thụt lùi một bước thật dài. Quả thật, không còn gì cản bước tiến của con người, cho bằng tính ác nội tại nơi họ. Con người vẫn còn tính lành, nghĩa là chưa mất hết sự hiền lành, nhưng vì sự ác đã xâm nhập, nên có những lúc nó lấn lướt sự hiền lành. Nhiều người đã trở nên ác độc một cách dã man. Trong thực tế cuộc sống, có những trường hợp vì để thỏa mãn tính ác, mà người ta làm những chuyện phi nhân không thể tưởng tượng được. Cũng có những người lợi dụng tính ác sẵn có nơi con người, để đào tạo nên những kẻ chuyên làm điều ác mà không biết gớm tay; hoặc dùng tiền xui khiến kẻ khác làm điều ác hại người…
Người Kitô hữu cũng có tính ác trong mình như bao người khác. Ta phải ý thức điều này. Nhưng vì là Kitô hữu, chúng ta không được là người ác, mà phải là người lành, người hiền lành. Chúa Giêsu dạy chúng ta nhiều điều, nhưng tóm lại chỉ trong hai giới răn “Kính Chúa, Yêu Người”. Và Chúa cũng mời gọi chúng ta: “Anh em hãy học cùng ta và hãy mang lấy ách của Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Sẽ là phản tinh thần Kitô giáo, nếu người có Đạo mà lại ác tâm, ác ý, ác khẩu, ác độc… Anh chị em lương dân rất mong chờ ở chúng ta sự hiền lành theo gương Chúa Kitô. Lương tâm Kitô giáo phải nhạy bén hơn với những điều ác và xa tránh chúng.
Khó khăn cho chúng ta để sống hiền lành, cũng chính vì ta là những con người. Nhiều khi vì hoàn cảnh đưa đẩy, làm cho tính ác trong ta cũng trỗi dậy mạnh mẽ như con thú hoang. Làm sao kiềm chế được? Khi đó, ta hãy bình tĩnh. Cần nhớ rằng “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” và “Aùc giả thì ác báo”. Sống ác, làm điều ác, coi chừng gặp người ác hơn, và gây ra điều ác thì chắc chắn sẽ lãnh lấy hậu quả.
Trên hết mọi sự, ta hãy chiêm ngắm chính Chúa Giêsu mỗi ngày. Ngài là Đấng “hiền lành và khiêm nhường”, “không bẻ gãy cây sậy bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói” và khi đối diện với những kẻ sắp hại Ngài, Ngài vẫn “như chiên con trước kẻ xén lông”. Chỉ khi mặc lấy tâm tình của Ngài, ta mới dễ dàng lướt thắng những xung động và sai khiến của cơn giận để đẩy lui sự ác thường hiện hình trong tâm ý ta, giúp ta trở nên những con người hiền lành theo gương Thầy Chí Thánh.

Lm. GB. Nguyễn Hồng Uy,
Chánh xứ Thánh Giuse - Phan Thiết

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2009

Thư Mục vụ Mùa Chay 2009, GP Phú Cường

Thư Mục vụ Mùa Chay 2009 của Đức Giám mục Giáo phận Phú Cường
Thư mục vụ tháng 03/2009
Cùng chết với Chúa Kitô để cùng phục sinh với Người


1. Mùa Chay và mầu nhiệm Vượt qua
Anh em linh mục, các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân thân mến,
Chúng ta đã bước vào mùa Chay, mùa tưởng niệm và hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô để chuẩn bị đón mừng và chia sẻ vinh quang phục sinh của Người. Đây cũng là những ngày các dự tòng ráo riết chuẩn bị để được lãnh nhận ba bí tích khai tâm Kitô giáo trong đêm canh thức phục sinh. Trong đêm canh thức này, trước khi cử hành bí tích Thanh tẩy và lặp lại lời hứa rửa tội, vị chủ sự làm phép nước và giếng rửa tội. Để làm sáng tỏ mầu nhiệm thanh tẩy trong Chúa Kitô, Giáo Hội cho ta nghe lại đọan thư gởi tín hữu Rôma, trong đó thánh Phaolô cho biết, khi lãnh bí tích Thanh tẩy, chúng ta đã cùng chết để cùng sống lại với Chúa Kitô.
Thánh nhân viết: “Anh em thân mến, không phải tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người sao? Vậy nhờ phép rửa trong sự chết của Người, chúng ta cùng được mai táng với Người, để như Đức Kitô, nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải sống đời sống mới như vậy” (Rm 6, 3-4).
Hiểu như thế, sống mầu nhiệm mùa Chay là sống mầu nhiệm vượt qua: cùng chết với Chúa Kitô để hủy bỏ con người cũ, và cùng sống lại với Người để thành người mới.
2. Ba công việc của mùa Chay
Theo truyền thống Thánh kinh và tập tục lâu đời của Hội Thánh, thì cầu nguyện, ăn chay và cảm thông chia sẻ là ba việc cốt yếu của mùa Chay, cũng là ba việc giúp chúng ta cùng chết với Chúa Kitô và cùng sống lại với Người. Đức Bênêđictô XVI, trong sứ điệp mùa Chay năm nay đã khẳng định như vậy và ngài còn thêm là những công việc này sẽ giúp chúng ta cảm nghiệm được rõ ràng hơn quyền năng của Thiên Chúa, như chúng ta sẽ nghe trong bài công bố Tin mừng Phục Sinh: “Sự thánh thiện của đêm nay đẩy lui tội ác, rửa sạch lỗi lầm; làm cho tội nhân được tinh trong, người ưu phiền được hân hoan; phá tan hận thù, đem lại hòa thuận và khuất phục quyền uy”.
2.1. Cầu nguyện
Như Chúa Giêsu đã vào hoang địa ăn chay cầu nguyện ròng rã 40 đêm ngày, thì mùa Chay cũng là thời gian chúng ta phải dành nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện, đặc biệt là tham dự Thánh lễ và những nghi lễ phụng vụ quan trọng trong mùa này.
Nhờ cầu nguyện chúng ta có thể chiêm ngắm Chúa Kitô, tâm sự với Người, nên sẽ cảm thông được nỗi thống khổ và lòng thương yêu vô biên của Người, khiến Người sẵn sàng chịu mọi khổ hình để đền thay tội lỗi chúng ta và cứu chuộc chúng ta. Nhờ suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, chúng ta hiểu được đức công bình rất mực ngay thẳng của Chúa Cha trước những xúc phạm của nhân loại, nhưng đồng thời cũng thấy được lòng thương xót đầy lân ái của Ngài khi trao phó Người Con Một chịu chết đền thay tội lỗi nhân gian. Nhờ cầu nguyện, chúng ta thấu hiểu được tính chất trầm trọng và xấu xa của tội lỗi để biết thống hối ăn năn; đàng khác, cũng thấy rõ sự yếu đuối dòn mỏng của con người trước những cám dỗ của dục vọng, thế gian và ma quỷ để tỉnh thức canh chừng. Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta biết cảm thương nỗi thống khổ của những người túng cực nghèo đói, những kẻ cô thân, cô thế bị gạt ra ngoài lề xã hội, không được ai lưu tâm giúp đỡ. Họ nghèo tiền, nghèo của, nghèo kiến thức, nghèo tình thương; họ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự nâng đỡ của người thân, của bạn bè; họ đói khát sự công chính, đói khát hạnh phúc, nhưng nhất là đói khát Thiên Chúa. Chính khi tâm sự với Chúa, chúng ta mới nhận ra bổn phận phải thương giúp mọi người, phải chia sẻ cho họ không những của cải vật chất, nâng đỡ họ không chỉ về mặt tinh thần, nhưng còn lo cho họ được cứu độ muôn đời nữa.
Như vậy, nhờ cầu nguyện, chúng ta không còn sống theo con người bị tội lỗi thống trị, con người chỉ biết chạy theo những đòi hỏi của đam mê, dục vọng, chỉ nghĩ tới mình, lo cho những nhu cầu khát vọng của mình; trái lại chúng ta sẽ biết sống như những người đã được phục sinh nhờ giá Máu của Chúa Kitô, theo những đòi hỏi của Tin Mừng, vuợt lên trên bản thân để nghĩ tới và lo cho nhu cầu của tha nhân, đặc biệt là những người nghèo đói, tàn tật, cơ nhỡ, những người bị bỏ rơi, và trên hết là những người đang đói khát Thiên Chúa, đang cần đến ơn cứu độ của Ngài.
2.2. Ăn chay, hãm mình
Công việc truyền thống thứ hai phải thực hiện trong mùa này là ăn chay, hãm mình, đền tội. Đây là việc thực hành được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong sứ điệp mùa Chay năm nay. Quả thực, mùa Chay gợi nhớ 40 ngày chay tịnh của Chúa Kitô trong hoang địa trước khi Người bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng (x. Mt 4, 1-2). Nó cũng nhắc lại cho chúng ta truyền thống của những nhân vật tên tuổi trong Thánh Kinh, như Môisen đã ăn chay trước khi đón nhận bia lề luật của Thiên Chúa (x. Xh 34, 28), Êlia đã ăn chay trước lúc gặp Thiên Chúa tại núi Hôreb (x. 1V 19, 8). Lịch sử cứu độ đầy dẫy sự kiện mời gọi ăn chay. Thiên Chúa đã ra lệnh cho Ađam, Evà không được ăn trái cấm (St 2, 16-17), và theo thánh Basiliô, lệnh cấm này là luật dạy phải “Kiêng khem, chay tịnh” (x. Sermo de jejunio: PG 31, 163, 978). Các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên thường cổ võ ăn chay (x. Cv 13, 3; 14, 22-23; 27, 21). Nó đã được phổ biến trong Giáo Hội xuyên suốt thời gian và không gian, như đã được diễn tả trong một thánh ca với những lời khuyên nhủ sau đây:
Hãy cùng nhau tiết giảm mọi bề, từ nói năng, ngủ nghê, ăn uống, đến vui chơi cuộc sống trần gian, luôn canh giữ vẹn toàn mùa Chay. (Utamur ergo parcius, verbis, cibis et potibus, somno, jocis et arctius perstemus in custodia).
Trong sứ điệp mùa Chay năm nay, Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở: Thánh Kinh và toàn thể truyền thống Kitô giáo dạy rằng ăn chay là một trợ giúp lớn lao để xa lánh tội lỗi và tất cả những gì dẫn đến tội; nó mở ra trong tâm hồn người tín hữu một con đường dẫn đến Thiên Chúa. Ngài nhắc lại lời giảng của thánh Phêrô Kim ngôn: “Chay tịnh là linh hồn của lời cầu nguyện, trong khi lòng thương xót là máu đem lại sự sống cho chay tịnh. Nếu bạn cầu nguyện, hãy ăn chay; nếu bạn ăn chay, hãy tỏ lòng thương xót; nếu bạn muốn lời cầu xin được lắng nghe, hãy lắng nghe lời cầu xin của kẻ khác. Nếu bạn không bịt tai trước kẻ khác, bạn sẽ mở được tai Thiên Chúa cho chính bạn” (Sermo 43: PL 52, 320, 322).
Trong thời đại ngày nay, việc kiêng cữ ăn uống còn là một phuơng thế hiệu nghiệm chữa trị nhiều bệnh tật thể xác. Trong bình diện siêu nhiên, cũng theo Đức Thánh Cha, nó chữa lành tất cả những gì ngăn cản chúng ta sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa… Nó góp phần mang lại sự thống nhất cho con người, giữa thân xác và linh hồn, giúp tránh tội lỗi và tăng trưởng cuộc sống thân mật với Thiên Chúa… Việc từ khước lương thực vật chất, vốn nuôi dưỡng thân xác chúng ta, sẽ nuôi dưỡng một thái độ nội tâm giúp lắng nghe Chúa Kitô và được nuôi dưỡng bằng lời cứu độ của Người. Qua việc chay tịnh và cầu nguyện, chúng ta để Chúa đến và thỏa mãn cơn đói sâu đậm nhất mà chúng ta cảm nhận được trong thâm tâm, đó là sự đói khát Thiên Chúa.
Như vậy ăn chay không chỉ là tiết giảm ăn uống, nhưng còn bao gồm cả những việc hãm mình đền tội khác nữa. Nhờ việc chay tịnh này, chúng ta tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cùng chết với Người cho tội lỗi, cho đam mê dục vọng, cho thế gian xác thịt, để có thể sống theo con người đã được phục sinh với cuộc sống mới. Khi thực hành chay tịnh kèm theo những việc hãm mình đền tội khác, chúng ta thực thụ sống mầu nhiệm mùa Chay, cũng là mầu nhiệm vượt qua vậy.
2.3. Thương người, cảm thông, chia sẻ
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại giáo lý về chay tịnh của Đức Phaolô VI đã được trình bày trong Tông hiến “Poenitemini” năm 1966 (Anh em hãy ăn năn sám hối), và ước muốn chúng ta sống và thực hành giáo lý đó, đặc biệt trong mùa Chay, vì đó là sống ơn gọi Kitô hữu của chúng ta. Giáo lý đó giục chúng ta không được sống cho mình, nhưng cho Đấng đã yêu thương và tự hiến vì chúng ta, đồng thời cũng sống cho anh chị em chúng ta nữa.
Nhờ chay tịnh chúng ta biết mở mắt nhìn vào tình trạng của bao người nghèo đói, khổ đau, và như người samaritanô nhân lành, chúng ta biết cúi mình chăm sóc cho những anh chị em đang lâm cảnh không nhà ở, không áo mặc, không của ăn. Trong sứ điệp mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha đưa ra nhận xét này: khi tự nguyện từ bỏ chính mình để lo cho người khác, ta tự khẳng định rằng người đang gặp khó khăn không còn xa lạ với ta nữa, nhưng là người thân cận của ta, và do đó ta cần phải cảm thông, chia sẻ cho họ những gì ta có, từ của cải vật chất, tới tình cảm, tình thương và những thiện hảo thiêng liêng. Đó cũng chính là cách ăn chay Chúa ưa thích và mong muốn, như đã chép trong sách Tiên tri Isaia: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58, 7).
Như vậy, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ luôn liên kết với việc ăn chay, cầu nguyện. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả viết: “Đi đôi với việc chay tịnh trong tinh thần đạo đức thánh thiện, không gì hữu ích hơn là việc làm phúc bố thí. Hành động đạo đức này còn gọi là việc thương người, vì bao gồm nhiều cử chỉ đáng khen của lòng nhân ái. Như vậy, giữa các tín hữu, dù khả năng vật chất không đồng đều, nhưng tấm lòng có thể như nhau… Đối với các Kitô hữu chân chính, lòng nhân ái có một phạm vi thực hành vừa hết sức rộng rãi, vừa rất đa dạng, khiến người sung túc giầu sang cũng như kẻ nghèo nàn nhỏ bé đều có thể góp phần làm phúc bố thí. Như vậy, khả năng làm phúc thì kẻ ít người nhiều, nhưng tâm tình yêu mến thì ai cũng như ai” (Trích từ bài đọc II, giờ Kinh sách, Thứ Năm sau lễ Tro).
Chính vì thế, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khuyên chúng ta: “Chính để giữ cho thái độ đón tiếp và quan tâm tới anh chị em được sống động tôi khuyến khích các giáo xứ và mỗi cộng đòan hãy tăng cường việc chay tịnh, cá nhân và tập thể, trong mùa Chay, liên kết với việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và làm phúc. Ngay từ thuở ban đầu, điều ấy đã là đặc điểm của những cộng đoàn Kitô hữu, nơi có những cuộc lạc quyên đặc biệt (x. 2Cr 8, 9; Rm 15, 25-27). Trong những cuộc lạc quyên này, người tín hữu được mời gọi chia sẻ cho những người nghèo những gì họ đã dành dụm được nhờ ăn chay (Didascalia Ap. V, 20, 18). Việc thực hành này cần được tái khám phá và khuyến khích lại trong thời đại chúng ta, đặc biệt trong mùa Chay”.
3. Những việc cần nhắc nhở thêm
Anh chị em thân mến,
Năm nay là năm kính thánh Phaolô. Theo chương trình mục vụ của giáo phận, chúng ta đã phổ biến 11 đề tài học hỏi về con người và giáo huấn của thánh nhân. Vậy để thích hợp với việc suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa, trong tháng 3 này, xin anh chị em học hỏi về đề tài III, tức “Thập giá sinh ơn cứu độ theo giáo huấn của thánh Phaolô”. Với đề tài này, chúng ta sẽ hiểu thêm và xác tín hơn về giá trị của thập giá, của chay tịnh và hy sinh hãm mình.
Đi đôi với việc thực hành cầu nguyện, xin anh chị em hãy sốt sắng hơn trong việc chầu Thánh Thể nhiều giờ tại mỗi giáo xứ, và việc đọc kinh tối với Lời Chúa hằng ngày tại các gia đình. Chắc chắn, nhờ hai việc đạo này chúng ta sẽ cử hành mùa chay cách hữu hiệu, nhờ đó, Chúa sẽ đổ nhiều ơn lành xuống cho mỗi người, từng gia đình, tòan thể Giáo Hội và cả thế giới nữa.
Cùng với việc chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ, tàn tật, khổ đau, xin anh chị em hãy lấy những tiền đã tiết kiệm, dành dụm được góp vào Quĩ cấp cứu của Hội đồng Giám mục như đã quy định.
Xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh và Đức Mẹ Sầu Bi, giúp chúng ta sống mùa Chay thật sốt sắng và hữu ích.
Thân ái chào toàn thể anh chị em.
+ Phêrô Trần Đình Tứ Giám mục Phú Cường

Thư mục vụ Mùa Chay 2009, giáo phận Mỹ Tho

Thư mục vụ Mùa Chay 2009 của Đức Giám mục Mỹ Tho

Kính gởi: Các linh mục, tu sĩ, chủng sinh,
và toàn thể anh chị em giáo dân.
Chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh trong tình hình kinh tế thế giới bị khủng hoảng và suy thoái trầm trọng. Ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế đang lan rộng và đè nặng trên nhiều người khắp năm châu. Rất nhiều người mất công ăn việc làm, vì nhiều công ty xí nghiệp thua lỗ, nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Đất nước chúng ta đang nỗ lực hướng về tương lai, thì xảy ra liên tiếp ba cuộc khủng hoảng trên thế giới: khủng hoảng xăng dầu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng tài chính. Ba cuộc khủng hoảng này, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính, đã làm rúng động cả thế giới. Nhiều nhà tỷ phú tự tử vì vỡ nợ, nhiều người giàu có đang xuống dốc thê thảm. Người ta tiên liệu hằng trăm triệu người sẽ thất nghiệp và hằng tỷ người sẽ nghèo đói.
Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho thế giới, cho mọi người, cho các lãnh đạo quốc gia, để họ cùng nhau tìm biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, hợp tác với nhau chặt chẽ để ngăn chặn sự suy thoái và phục hồi nền kinh tế thế giới, cho mọi người được hưởng nhờ. Chúng ta xin Thiên Chúa thương đặc biệt những người nghèo, vì họ là những nạn nhân chịu thiệt thòi nhiều hơn cả.
Tìm lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người:
Đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về giá trị đích thực của tiền bạc và của cải vật chất, suy nghĩ về bộ mặt thế gian này đang qua đi, để tìm lại ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người. Mùa Chay tạo điều kiện cho chúng ta suy nghĩ về thân phận con người trong bầu khí cầu nguyện. Chính Đức Giêsu được Thần Khí đưa vào sa mạc để chịu quỷ cám dỗ. Thần dữ đã thách thức Người “biến đá thành bánh” để có của ăn trần thế, và người đã mạnh mẽ khẳng định rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh“ (x. Mt 4, 1-4).
Hạnh phúc đích thực của người kitô hữu:
Chúa Giêsu đã dạy không thể làm tôi hai chủ, vừa tôn thờ Thiên Chúa, vừa tôn thờ tiền bạc. Không sớm thì muộn, phải chọn lựa, theo chủ này và bỏ chủ kia, không có cách nào khác. Nếu muốn tôn thờ Thiên Chúa cách chân thật và trọn vẹn, phải bỏ cuộc sống nô lệ tiền bạc, để được tự do bước theo Chúa Giêsu, trở nên con cái Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của mối phúc thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần khó nghèo, vì Nước Trời là của họ”.
Hạnh phúc của những người môn đệ của Chúa Giêsu không nằm ở tiền bạc: không cần có thật nhiều tiền, có tiền bằng mọi giá. Tiền bạc là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu. Kitô hữu được thông phần cương vị làm vua, làm “thiên tử”, làm “con trời” của Đức Giêsu, họ luôn luôn là chủ, không là nô lệ. Dù không có nhiều của cải vật chất, họ vẫn làm chủ số tiền ít oi trong tay họ, sử dụng nó vào mục đích đúng đắn, cho mình và cho tha nhân.
Tiền bạc không là mục đích cuối cùng của đời người, bởi vì nếu như thế thì mọi giá trị khác đều bị hy sinh: sự thật, những điều thiện hảo, cái đẹp, và ngay cả tình yêu… Nếu tiền bạc, lợi nhuận trở thành ông chủ thống trị, thì sẽ làm hại và không sớm thì muộn sẽ giết chết con người. Một trong những lý do xung đột giữa người với người, giữa nước này với nước nọ, là “lợi nhuận”, là của cải vật chất. Người ta vẫn giành giựt nhau “các của cải vật chất”.
An bình và hạnh phúc: cuộc chiến chống nghèo đói
Bình an đi đôi với hạnh phúc, nên con người không thể hạnh phúc khi còn tranh chấp với nhau, hay là nạn nhân của xung đột. Trong chín năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, nhân loại đã chứng kiến biết bao đau thương tang tóc vì những xung đột đẫm máu ở nhiều nơi.
Mối Phúc thật thứ bảy “Phúc cho những ai tác tạo hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”, nhắc cho chúng ta tầm quan trọng của việc xây dựng hoà bình. Trong sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho hoà bình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thúc đẩy chúng ta chống nghèo đói để xây dựng hoà bình. Điều đó chứng tỏ Giáo hội Công giáo không coi thường của cải vật chất, không chủ trương để cho nhân loại phải nghèo khổ.
Trái lại, học thuyết xã hội công giáo luôn luôn chủ trương một thế giới phát triển toàn diện để phục vụ cho phẩm giá con người. Một thế giới nơi đó con người không những được no đủ, được hưởng các tiện nghi vật chất, mà còn được yêu thương, được kính trọng, được nâng đỡ để có thể đạt tới mục đích của cuộc sống làm người, được hạnh phúc thật sự ngay ở đời này.
Giáo hội, theo gương Chúa Giêsu, luôn đặt con người lên trên của cải; coi của cải chỉ là một phương tiện phục vụ cho hạnh phúc. Chính vì thế con người phải biết chia sẻ của cải cho nhau. Con người hãy cùng nhau làm giàu, và hãy làm giàu cho nhau, không những về vật chất, mà cả về tinh thần. Thay vì tranh giành với nhau, con người hãy biết liên đới với nhau, hỗ trợ cho nhau, chia sẻ cho nhau.
Cuộc chiến chống nghèo đói phải được hiểu cách rộng rãi hơn, vì có nhiều loại nghèo đói khác nhau: nghèo đói về vật chất như thiếu ăn thiếu mặc; nghèo về văn hoá như thiếu tri thức vì không được học hành; nghèo về tương quan như những người bị cô đơn, cô lập, những người thiếu thốn tình cảm; nghèo về tâm linh như những người chỉ còn biết tới của cải và lợi nhuận, ngoài ra không còn những bận tâm nào khác; nghèo về tinh thần và đạo đức, về lòng nhân ái, không còn nhạy cảm về những giá trị chân thiện mỹ.
Sự liên đới và tình bằng hữu:
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cho thấy cách nhìn cũ của con người và xã hội về việc cạnh tranh buôn bán “thương trường là chiến trường”, đã lỗi thời, không còn phù hợp với thế giới hôm nay nữa. Nếu loài người cứ tiếp tục đấu đá với nhau, loại trừ nhau, tiêu diệt lẫn nhau, thì sẽ không còn ai tiêu thụ sản phẩm được làm ra. Không ai tiêu thụ, thì cũng chẳng ai sản xuất, và các sinh hoạt kinh tế thương mại sẽ hoàn toàn bị đình trệ; loài người sẽ tự tiêu diệt.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay là “một dấu chỉ của thời đại”, một tiếng nói cảnh tỉnh của Thiên Chúa đối với con cái loài người. Chúa nhắc chúng ta hãy góp phần tạo ra một nền văn hoá “nối kết”, một nền văn hoá “bằng hữu”, “thân hữu”, vì loài người được kêu gọi để làm thành một “gia đình nhân loại duy nhất”, con cái của một Cha trên trời. Công nghệ truyền thông hôm nay sẽ giúp con người thực hiện ơn gọi này cách hữu hiệu và tốt đẹp. Cả thế giới trở thành “một ngôi nhà”, ngôi nhà của anh em từ “bốn bể”. Đó là ý nghĩa tích cực nhất của hiện tượng toàn cầu hóa. Hãy cùng nhau loại trừ tất cả các mặt xấu, mặt trái của “toàn cầu hoá”.
Dù ai có nói ngược nói xuôi, anh chị em hãy kiên trì xây dựng “tình bằng hữu” với mọi người, trong phạm vi nhỏ hẹp của địa phương, hay rộng lớn hơn của đất nước, và rộng lớn hơn nữa là đối với các người nước ngoài. Hãy loại trừ tất cả những thái độ thù nghịch, đối với bất cứ ai, vì nó không phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Trước hết anh chị em hãy củng cố “tình gia đình” trong chính nội bộ gia đình anh chị em, đừng để cho gia đình trở nên quá lỏng lẻo. Hãy có những bữa ăn chung với nhau, nơi đó mọi người trong gia đình được nuôi dưỡng không những về thể xác, mà cả về tình thần, về tình cảm gia đình, được nuôi dưỡng bằng tình yêu của nhau. Hãy cố gắng giữ giờ kinh tối chung, vắn tắt, nhưng sốt sắng, nhắc nhở mọi người trong gia đình nhớ tới Chúa. Chúa sẽ làm chủ gia đình, sẽ nối kết mọi người trong gia đình lại với nhau trong tình yêu của Chúa.
Chay tịnh giúp sống cho Chúa và cho tha nhân:
Mùa Chay là mùa phụng vụ của Giáo hội nhắc nhở chúng ta cầu nguyện nhiều hơn bình thường. Tôi hy vọng anh chị em biết sử dụng thời gian Mùa Chay để cầu nguyện cho chính mình, cho Giáo hội và cho thế giới. Sự thinh lặng nội tâm cần thiết trong Mùa Chay, để tâm hồn anh chị em được thanh luyện, được gần gũi với Chúa hơn.
Chúng ta được Đức Thánh Cha nhắc nhớ cách đặc biệt về “chay tịnh”. Chay tịnh là một phương thế để nối kết lại tình bằng hữu giữa chúng ta và Thiên Chúa, vì tội lỗi đã làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa. Chay tịnh giúp kìm chế ước muốn của con người cũ, và mở đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Chay tịnh chuẩn bị cho chúng ta được sự sáng suốt và sức mạnh để thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta kiêng bớt đồ ăn thức uống vật chất, để có khả năng thưởng nếm các lương thực thần linh, như Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa.
Chay tịnh giúp cho chúng ta thay vì sống cho chính mình, biết sống cho Chúa và cho tha nhân. Lòng nhân ái, việc bố thí, đi đôi với chay tịnh. Chay tịnh Kitô giáo không có mục tiêu chủ yếu là diệt dục, nhưng hướng tới “bố thí”, chia sẻ những gì mình có cho người nghèo. Trong Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi tập quan tâm đến người khác và giúp đỡ họ.
Nếu mọi kitô hữu biết “sống cho Chúa và cho người khác”, thì cơn khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ nhanh chóng được khắc phục, và nhiều người được an vui trở lại.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em, ban cho anh chị em được ân sủng và bình an trong Tình yêu của Người. Cầu chúc anh chị em một Mùa Chay sốt sắng, một Lễ Phục Sinh đầy tràn sự sống và niềm hy vọng.
+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Giám Mục Mỹ Tho

Thư Mục Vụ Mùa Chay 2009, GP Sài Gòn

Thư mục vụ Mùa Chay 2009 của Đức Hồng y, Tổng giám mục Tổng giáo phận TP HCM
Ngày 25 tháng 01 năm 2009


Kính gởi: Anh em linh mục
Anh chị em tu sĩ và giáo dân thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí Minh
1. Mùa Chay là thời gian đặc biệt để thanh luyện và củng cố đời sống Kitô hữu. Chính vì thế, trong mùa Chay, Giáo Hội khuyến khích chúng ta cầu nguyện nhiều hơn, lắng nghe Lời Chúa nhiều hơn, nhất là phải sám hối và canh tân đời sống. Lời mời gọi này lại càng mạnh mẽ hơn khi chúng ta chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010.
2. Như anh chị em biết, ngày 24.11.1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ký tông sắc Venerabilium Nostrorum, thiết lập Hàng giáo phẩm Việt Nam. Đây là một biến cố quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam. Năm 2010 sẽ là thời điểm kỷ niệm 50 năm biến cố trọng đại này. Do đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định lấy năm 2010 làm Năm Thánh trọng thể của Giáo Hội tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày lễ Các Thánh Tử Vì Đạo tại Việt Nam 24.11.2009 và sẽ kết thúc vào lễ Hiển Linh 6.1.2011.
3. Cử hành Năm Thánh 2010 là cơ hội khơi dậy tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân đức tin Ngài đã ban cho chúng ta. Hồng ân ấy như hạt giống Nước Trời được gieo trên mảnh đất quê hương thân yêu này, để rồi nhờ những giọt mồ hôi lao nhọc của các vị thừa sai, nhờ đời sống thánh thiện của biết bao tín hữu, nhất là nhờ dòng máu anh dũng của Các Thánh Tử Vì Đạo, Giáo Hội trên đất nước này đã từng ngày lớn lên trong nguồn ơn thánh và mỗi ngày mỗi trưởng thành hơn.
4. Tâm tình tạ ơn đó cũng thúc giục chúng ta khiêm tốn tạ lỗi với Chúa và anh chị em. Tạ lỗi vì đã không biết trân trọng hồng ân đức tin Thiên Chúa ban. Tạ lỗi vì chưa sống xứng đáng với ân huệ đức tin là kho tàng mà cha ông ta đã phải trả giá bằng mồ hôi, máu và nước mắt. Tạ lỗi vì chưa đủ nhiệt thành loan báo Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người cho đồng bào của mình. Tạ lỗi vì những lời nói, thái độ và hành động đi ngược lại tinh thần Phúc Âm, làm cho anh chị em ngoài Giáo Hội mất thiện cảm với đạo.
5. Càng hân hoan trong niềm tạ ơn và chân thành trong niềm sám hối, chúng ta lại càng ý thức rõ nét hơn tiếng gọi nên thánh. Thật vậy, Thiên Chúa muốn chúng ta sống thánh thiện, Chúa Kitô muốn chúng ta phúc âm hoá chính cuộc sống mình trước khi loan báo Tin Mừng cho người khác. Vì thế, sống thánh thiện phải là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người chúng ta. Đồng thời, ý thức rằng đức tin phải được chia sẻ và Tin Mừng cứu độ phải được loan truyền cho mọi người, Năm Thánh phải là thời gian thúc đẩy chúng ta ra đi chia sẻ hồng ân đức tin cho người khác, giới thiệu Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người cho anh chị em của mình, và đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào mọi lãnh vực của đời sống cá nhân cũng như xã hội.
6. Muốn được như thế, chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, nhất là chuẩn bị trong gia đình mình vì gia đình là Giáo Hội thu nhỏ. Chính vì thế, Thư Mục Vụ năm 2009 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhấn mạnh đặc biệt đến việc giáo dục trong gia đình. Mỗi gia đình Công Giáo được mời gọi xem xét và điều chỉnh lại đời sống của mình, sao cho gia đình thật sự trở thành môi trường tốt nhất cho việc giáo dục đức tin cũng như các đức tính nhân bản. Càng sống trong thời điểm mà các giá trị đạo đức xuống cấp trầm trọng, gia đình Công Giáo lại càng phải quan tâm đến điều này hơn. Cha mẹ chính là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, và cha mẹ giáo dục con cái không chỉ bằng lời giáo huấn mà trước hết và trên hết, bằng tình yêu thương và gương sáng của mình.
7. Nếu mỗi gia đình Công Giáo đều nỗ lực xây dựng gia đình mình trở thành mái trường của các nhân đức đối thần (Tin, Cậy, Mến đối với Chúa) và các đức tính nhân bản (trung thực và công bằng, liêm chính và tín nghĩa, nhân hậu và bao dung trong gia đình cũng như ngoài xã hội), chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai xán lạn của Giáo Hội, đồng thời góp phần tích cực vào việc lành mạnh hoá đời sống xã hội.
8. Cách cụ thể, tôi đề nghị với anh chị em một vài việc như sau:
(1) Trong Mùa Chay này, mỗi giáo xứ cũng như mỗi đoàn thể nên tổ chức những buổi hội thảo và tĩnh tâm theo chủ đề Thư Mục Vụ 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đồng thời nên có những gợi ý hành động cụ thể cho việc giáo dục trong gia đình.
(2) Trong suốt năm 2009, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi giáo xứ, mỗi đoàn thể nên tổ chức những buổi học hỏi, khai triển, trao đổi và chia sẻ dựa trên Đề Cương của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Năm Thánh, với chủ đề: Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm - Hiệp Thông - Sứ Vụ.
(3) Trong Mùa Chay này, tôi xin mỗi người trong anh chị em tiết giảm chi tiêu mua sắm và dành phần tiết giảm đó cho Quỹ Tổ chức Năm Thánh 2010. Đây vừa là cách chúng ta sống tinh thần chay tịnh trong mùa Chay, vừa là cách đóng góp cụ thể cho công việc chung của Giáo Hội. Xin anh chị em gởi phần đóng góp của mình đến các cha xứ, các cha sẽ tổng kết chung cả giáo xứ và gởi về Toà Tổng Giám Mục.
9. Xin chân thành cảm ơn trước sự đóng góp quảng đại của anh chị em. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Vì Đạo, nguyện xin Thiên Chúa ban muôn phúc lành cho anh chị em và giúp anh chị em sống Mùa Chay thánh thiện như lòng Chúa mong muốn.
+ Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng y Tổng Giám Mục

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

Viết tiếp về người Linh Mục (Hạnh Nguyên)

Nhân đọc bài "Giáo dân và LM" và "Làm thế nào... để có những TDN mới?"

Ngày nay, trong xã hội đầy dẫy những điều mà chúng ta không bao giờ ngờ tới.
Có những sự việc xãy ra một cách trật tự và bài bản, nhưng, cũng có những sự việc xãy ra ngoài sự tiên liệu của mọi người.

Vẫn biết Linh Mục là một khái niệm rộng lớn và thánh thiên. Nhưng riêng tôi, đã biết bao lần, tôi vẫn tự hỏi: Linh Mục, người là ai ?
Là người được Giáo hội tín nhiệm, thay mặt Chúa thông ơn, làm cho mọi người thấy được sự liên kết trọn vẹn từ LM đến Chúa Kitô và từ LM đến con người. Qua bàn tay LM, chúng ta tìm được niềm an ủi trong cõi lòng, cho tâm hồn trở nên nhẹ nhàng và thánh thoát.

Trong xã hội, không ít nhiều cách sinh hoạt, xử lý của LM đối với giáo dân làm cho họ không thấy thoải mái và việc xử lý có tính áp đặt.
Những lần như vậy, làm tạo khoảng cách và mất đi tính thân mật trong tương quan giữa giáo dân và LM. Hình ảnh đẹp của Chúa Ki Tô mà LM muốn giới thiệu cho, vô tình, mất đi vẻ sống động và hoàn hảo.

Với tôi, một giáo dân dưới mức trung bình trong giáo xứ tôi. Tôi cũng từng bị va chạm trong những tình huống mà bản thân tôi không tâm phục khẩu phục. Cũng rất may trong tình huống ấy, tôi đã kịp kìm chế để khỏi bật ra thái độ của mình.

LM cũng như bao nhiêu người, họ cũng bằng da, bằng xương, bằng thịt và máu của họ cũng như máu chúng ta thôi. Trong cuộc sống nếu chúng ta có vấp ngã thì LM cũng vấp ngã. Ở các LM có sự mỏng dòn cũng như pha lê vậy. LM như một vật đồ trang sức, rất cần những ngưởi thợ gọt đẻo tôi luyện để trở nên một món đồ đẹp và giá trị.

Xin hiểu các LM và thông cảm các LM.
Sự cô đơn đi liền với người LM suốt cuộc đời. Chỉ một ý nghĩ hay hành động thiếu tích cực sẽ tác động mãnh liệt. Xin được gần gũi để các LM không cảm thấy cô đơn. LM sống trong sự cô đơn dằng xé của mọi sự cám dổ, đến lúc nhiều khi cảm thấy nhát đảm và thiếu sự trung thành. ....
Hãy chia sẻ và đồng cảm hơn là chúng ta lên án các LM. Hãy để cho các LM tìm thấy được sự thoải mái tâm hồn trong cuộc đời tận hiến.
Xin đừng khuấy động tâm hồn các ngài.
Một vài bài viết, một vài ý kiến làm ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống tu trì.
Xem ra, sự cô đơn gắn liền với tính vô cùng nhạy cảm..
Xem ra, vẫn còn rất nhiều ánh mắt khắc khe, đòi hỏi nơi các LM.

Nhớ lại, có lần tôi nói đùa vui với Cha phó xứ tôi: "Đầu lễ cha xứ khủng bố, cuối lễ cha phó khủng bố. Sợ quá !". Câu nói này đã được cha xứ tiếp nhận và nhiều lần đưa vào bài giãng với thái độ rất vui vẻ và trọng thị cộng thêm lời xin lỗi nếu mất lòng ai đó. Một câu nói vui, mặc dầu ý nghĩa có như thế nào đi nữa, khi nghe Cha xứ nói, tôi đã phải chạnh lòng....

Viết ra những ý nghĩ trên đây, tôi xin chia sẻ với những người đã từng một lần không được vừa ý về lời nói và hành động của LM. Xin hãy tha thứ tính người của LM.
Xin cho các LM yên tâm làm công việc vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa.

Chúng ta hãy nhìn vào 98% những điều tốt đẹp mà các LM đã từng làm mà quên đi 2% con số nhỏ bé này.
Với tôi có một điều chắc chắn rằng cho dù ở môi trường nào LM cũng chỉ muốn làm điều tốt cho chúng ta mà thôi.

Trên đây là những ý nghĩ thô thiển của một giáo dân-tân tòng. Dĩ nhiên, vẫn cần những mỹ từ, những lời hay ý đẹp. Nhưng cần hơn nữa, vẫn là sự hiểu biết, thông cảm sâu sắc, sự chân thành. Được như vậy, tính cách của người-LM thêm phần hoàn thiện.

Một LM tầm thường, sống thực tế và biết gần gũi, kịp thời chia sẻ đồng cảm với giáo dân, tôi vẫn thích hơn.

Hạnh Nguyên

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger