Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

Bài giảng: Chúa nhật I Mùa vọng (Văn Hương)

Chủ đề : Trông chờ Chúa đến.
Luca : 21, 25-38. 34-36.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúa Giêsu từng khuyên dạy chúng ta : hãy đọc những biến cố, hiện tượng, sự kiện xảy ra trong vũ trụ, trong đời sống thường nhật, với sự soi sáng của Tin mừng, mà canh tân đời sống theo thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 16,2-3 ; Mc 5,25-26 ; Lc 12,54-59). Và bài Phúc âm chúng ta vừa nghe, cũng mang ý hướng tương tự, mời gọi mọi người trông chờ Chúa bằng tỉnh thức, cầu nguyện, để “khi những điều đó bắt đầu xẩy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi chúng con đã gần đến”(Lc 21,28).
Có thể nói, qua Thánh Kinh, chúng ta biết được sự trông chờ Đấng Messia của Israel (x. Lc 3,15), họ tin vào lời các tiên tri tuyên sấm và thể hiện qua những việc làm cụ thể, mà ông Simêon và bà Anna là một bằng chứng sống động (x. Lc 2,22-38). Bởi đó, cả Giêrusalem xôn xao khi các nhà đạo sĩ hỏi tìm “Vua dân Do thái mới sinh”(x. Mt 2,1-12), và lũ lượt kéo nhau tới sông Giođan chịu phép rửa sám hối khi Gioan loan báo Đấng Cứu Thế sắp đến (x. Mt 3,1-12). Tuy nhiên, họ lại khước từ Chúa Giêsu – Đấng Thiên Chúa hứa ban – và đặt vấn đề : “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”(Ga 10,24).
Thiết nghĩ, chúng ta cũng đang sống trong tâm trạng trông chờ Chúa Kitô quang lâm, và đôi lúc có thái độ như người Do thái năm xưa. Chúng ta tin Chúa Giêsu sẽ đến lần thứ hai để thiết lập trời mới đất mới, nhưng khi đối diện với các dấu chỉ của thời đại, chúng ta lại tìm kiếm lý do phủ nhận hoặc tô vẽ cho thêm phần kỳ bí, hấp dẫn, hơn là nhìn với ánh sáng của lời Chúa, thậm chí còn sử dụng Thánh Kinh theo cách của người Do thái khử trừ Chúa Giêsu : “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilêa sao ? Nào Kinh thánh đã chẳng nói : Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Davit và từ Bethlem, làng của vua Davit sao ?”(Ga 7,42). Đây là điều lý giải tại sao Chúa Giêsu nói với những người thuộc phái Pharisiêu, phái Sađốc và có lẽ cũng là với chúng ta như sau : “Chiều đến, các ông nói : “Ráng vàng thì nắng”, rồi sớm mai, các ông nói : “Ráng trắng thì mưa”. Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi”(Mt 16,2-3). Và thánh Luca, khi thuật lại những lời này của Chúa Giêsu, ngài còn thêm : “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải ?” (Lc 12,57).
Vì thế, đang khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm nói chung và, cách riêng là ngày cùng tận của bản thân. Chúng ta nên có thái độ vâng theo lời Chúa Giêsu mời gọi trong câu truyện những người Galilê bị giết bởi Philatô, và những người chết do thác Siloe đổ sập : “Nếu các ngươi không hối cải, thì các ngươi hết thẩy cũng sẽ bị tiêu diệt như thế”(Lc 13,3 ; x. Lc 13,15). Tức là, không ngừng cầu nguyện - sám hối, và canh tân đời sống, cũng như giữ lòng mình khỏi ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, khi nhận biết những sự việc xẩy ra trong vũ trụ, trên thế giới và nơi cuộc sống thường nhật, hoặc nói theo Tin mừng hôm nay : “Có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao : dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển”(Lc 21,25-26).
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Thánh Phaolô nói : “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói : “Bình an biết bao, yên ổn biết bao !”, thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được”(1Th 5,2-3). Do đó, tỉnh thức sẵn sàng là thái độ sống đạo của người Kitô hữu. Và lời thánh Phêrô sau đây sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những điều sẽ xẩy đến trong ngày Chúa quang lâm và đứng vững trước mặt Con Người (Lc 21,36) : “Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi. Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được. Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi. Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca. Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa ; ai phục vụ thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời”. Amen (1Pr 4,7-11).
Văn Hương

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Bài giảng: Lễ Chúa Kitô Vua (Văn Hương)

Chúa nhật XXXIV Thường niên – Lễ Chúa Kitô Vua.
Chủ đề : Vương quyền của Chúa Giêsu.
Gioan : 18, 33b-37.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúng ta vừa nghe thánh Gioan thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatô. Qua đó, nói lên chức phẩm và quyền bính của Đức Kitô, đồng thời mời gọi chúng ta, nhất là những ai đang khủng hoảng niềm tin, nghi ngờ vương quyền của Chúa Cứu Thế : “Hãy tôn thờ chủ quyền của Người trên vũ trụ, trong tư thế là một Thiên Chúa và là một con người”.
Thánh Kinh khẳng định : Đức Kitô là Vua, và tước hiệu này không chỉ có người Kitô giáo xác tín, nhưng cả những người ngoại cũng tuyên xưng như thế. Trong Tin mừng Thánh Matthêu, ba Đạo Sĩ, đại diện cho toàn thể nhân loại, đã nhìn nhận “Chúa Giêsu là vua” qua hành vi tìm kiếm, thờ lạy Người (x.Mt 2,1-12). Đây là điều tiên tri Ysaya đã tuyên sấm : “Đứng lên, bừng sáng lên, vì ánh sáng của ngươi đến rồi… Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước… Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Eyphah : tất cả những người từ Saba kéo đến, đều mang theo vàng với trần hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa”(Is 60,1a.3.6). Do đó, Chúa Giêsu không chỉ là vua người Do thái như lời thẩm vấn của Philatô, nhưng Người còn là vua của mọi vương quốc trần gian (x.Kh 1,5). Không những thế, trong thư thứ nhất gửi Timôthê, thánh Phaolô cho chúng ta biết : Đức Kitô “là Chúa tể vạn phúc vô song, là vua các vua, Chúa các Chúa”(1Tm 6,15). Và sách Khải huyền cũng theo ý hướng này, khi nói đến chiến thắng của Con Chiên và những kẻ được chọn trong trình thuật về ý nghĩa tượng trưng của Con Thú và Con Điếm : “Chúng sẽ giao chiến với Con Chiên, và Con Chiên sẽ thắng chúng, vì Con Chiên là Chúa các Chúa, Vua các Vua ; những kẻ đi theo Người, tức là những kẻ được kêu gọi, được tuyển chọn, và luôn trung thành, cũng sẽ thắng”(Kh 17,14). Như vậy, ơn cứu độ chỉ dành cho những ai chấp nhận dấn thân để nên như lời Chúa Giêsu : “Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về chân lý. Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi”(Ga 18,37). Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh lý giải vấn đề này như sau : “Giữa chân lý và Đức Kitô có một mối liên hệ chặt chẽ. Đối tượng sứ điệp của Vị sứ đồ không phải là một giáo lý trừu tượng, nhưng là chính con người Đức Kitô, Đấng đã xuất hiện trong nhục thể… đã được công bố nơi lương dân, đã được tin giữa thế gian, chính Người, là chân lý mà Giáo hội là vị quản thủ, chính Người là mầu nhiệm của lòng hiếu từ. Đức Kitô chân lý mà Tin mừng loan báo không phải là một hữu thể thiên quốc theo nghĩa duy tri, song là Đức Giêsu lịch sử, đã chết và sống lại vì chúng ta” (sđd tr. 222). Bởi đó, không thể nói chân lý thuộc về kẻ mạnh, vì là của những ai tin nhận Chúa Giêsu, và vị Tông đồ dân ngoại quả quyết, nhờ lòng tin này, chúng ta được nên công chính (x.Rm 10,5-13), nên giống như Đức Kitô mà thư Do thái mô tả qua hình ảnh ông Melkiseđek : “Ông Abraham đã chia cho ông Melkiseđek một phần mười chiến lợi phẩm. Trước hết, ông tên là Melkiseđek, nghĩa là vua công chính, rồi ông lại là vua Salem, nghĩa là vua bình an”(Dt 7,2). Ước gì, sứ điệp lời Chúa hôm nay, giúp mỗi người chúng ta thêm xác tín : Vương quyền của Chúa Giêsu không giống với cách thống trị của nhân thế, mà là tình yêu. Người là hiện thân của sự thật vốn tự mặc khải, sự thật của lòng trung thành và thương xót vô biên của Thiên Chúa. Và khi chúng ta làm chứng cho một vị vua, một vương quốc như thế giữa trần gian này, thì thuộc về chân lý và Chúa Kitô, Đấng đã bị treo lên trên thập giá, sẽ thiết lập triều đại thanh bình vui tươi của Người trong tâm hồn chúng ta.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, chúng ta được mời gọi đón nhận những thực tại Chúa Giêsu đem đến mà chúng ta gặp thấy trong Tin mừng, trong Giáo Hội, trong các nhiệm tích, cũng như nơi tha nhân, đồng thời sống phù hợp với những gì Thiên Chúa mặc khải. Được như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành lời ngợi khen như sách Khải huyền của thánh Gioan ca tụng : “Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu ! lạy Đức Vua trị vì muôn nước, đường lối Ngài quả chân thật công minh ! Lạy Chúa, nào có ai không kính sợ Chúa ? Ai mà chẳng tôn vinh danh Ngài ? vì chỉ có Ngài chí thánh chí tôn. Người muôn nước sẽ về phủ phục trước tôn nhan, vì ai ai cũng đều thấy rõ những phán quyết công minh của Ngài”(Kh 15,3-4). Amen. Văn Hương

Bài giảng: Lễ Chúa Kitô Vua (Thành Tiến)

CN XXXIV-TN-B
CHÚA KITÔ VUA PHỤC VỤ VÀ SỰ THẬT
Đn 7, 13-14; Kh 1, 5-8; Ga 18, 33-37
I. LỜI ĐẦU LỄ
Kính thưa… hôm nay, Chúa Nhật 34 -TN; cũng là Chúa Nhật cuối của năm phụng vụ, Giáo Hội mừng lễ Chúa Kitô Vua.
Là Kitô hữu, chúng ta tuyên xưng Đức Kitô là vua vũ trụ, là vua Sự thật và là vua của chúng ta;
Tham dự thánh lễ hôm nay, chúng ta quyết tâm sống phục vụ theo gương Chúa Kito và làm chứng cho sự thật để xứng đáng là “thần dân” của Ngài; ngõ hầu, khi trở lại vào ngày kết thúc lịch sử, Vua Kitô sẽ đón đưa chúng ta vào vương quốc Sự Thật vĩnh cửu của Ngài.
II. GIẢNG
Kính thưa…
Hôm nay -Chúa Nhật cuối của năm phụng vụ- Giáo Hội mừng lễ Chúa Kitô - Vua vũ trụ. Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Chúa Nhập thể, khai triển qua cuộc tử nạn, phục sinh để rồi kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Đức Kitô và cuối cùng trở về với Ngài. Ngài là Alpha và Ô-mê-ga; là khởi đầu và là cùng đích của vũ trụ và lịch sử nhân loại. Cho nên thật thích hợp khi kết thúc năm phụng vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ.
Tuy nhiên, để có thể hiểu và sống mầu nhiệm cử hành hôm nay, chúng ta cần cùng nhau tìm hiểu: Đức Kitô là vua thế nào? Và chúng ta phải sống làm sao để xứng đáng là thần dân của Chúa?
1. Đức Kitô là vua phục vụ, vua sự thật
Khi nói tới vua, người ta thường nghĩ tới sự tranh giành địa vị; nghĩ tới quyền uy, sa hoa, thậm chí còn sa đọa nữa! Hình ảnh vua chúa uy quyền, ăn xài xa hoa, ăn chơi sa đọa đã được không ít sách sử cũng như phim ảnh kể lại. Chẳng hạn: Tần Thủy Hoàng, Càn Long, Minh Mạng…[ăn nhậu thâu đêm suốt sáng, trong hoàng cung có hàng ngàn cung nữ…]
Trái với hình ảnh vua chúa thời phong kiến, Đức Giêsu -khi thi hành sứ vụ- chẳng hề nhận mình là vua mặc dù không ít lần dân chúng tìm cách suy tôn Ngài. Có lần, sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng muốn suy tôn Ngài làm vua, nhưng Ngài tránh đi nơi khác. Khi tiến vào thành Gierusalem, dân chúng trải áo lót đường, tay cầm nhành thiên tuế, miệng không ngớt lời chúc tụng: “Chúc tụng Đức vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến; hoan hô con vua David, chúc tụng vương quyền Người đến muôn đời….”
Khi chúc tụng như thế, người Do thái tưởng rằng Ngài là Đấng Messias quân vương, quyền lực xuất hiện như một lãnh tụ chính trị, một nhà quân sự tài ba để phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi ngoại bang, gầy dựng một vương quốc Israel hùng mạnh; thì Đức Giêsu lại bình thản cưỡi lừa vào thành theo sau không phải là binh hùng tướng hậu mà là đoàn dân thất học, nghèo khó.
Tin Mừng hôm nay cho biết, trong tay không một tất sắt, không một đội quân, Đức Giêsu bị nộp trước quan tổng trấn của đế quốc Rôma. Trong tình cảnh thảm thương nhất: tay bị trói, đầu đội mão gai, mình mẩy bê bết máu, Ngài lại nhận mình là Vua. Nhưng Ngài cho biết Ngài là vua không phải như vua chúa thế gian mà là vua phục vụ, vua sự thật. Ai muốn trở nên tôi tớ phục vụ, ai hâm mộ sự thật thì theo Ngài.
a. Đức Kito là vua phục vụ:
OBACE thân mến,
Đức Kitô thực sự là Thiên Chúa quyền năng, là vua vũ trụ, là Chúa muôn loài. Nhưng Ngài đã hạ mình trở nên giống chúng ta, để có thể yêu thương và phục vụ chúng ta, như Ngài đã tuyên bố: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Trong cuộc sống trần thế, Ngài rao giảng mọi nơi, gặp gỡ, tiếp xúc mọi hạng người, chữa lành bệnh tật cho mọi đối tượng. Thậm chí, Ngài còn phục vụ các môn đệ của mình bằng cách cúi xuống rửa chân cho họ.
Cử chỉ phục vụ cao cả nhất là Ngài đã hiến mạng sống, đón nhận cái chết trên thập giá để nên giá chuộc cho nhân loại. Trên thập giá, Ngài đích thực là vua như lời đã được Philato cho ghi trên tấm bảng: “Giêsu Nagiaret Vua dân Do Thái”.
b. Đức Kito là vua sự thật:
Nhiều người ngày nay cứ hay phàn nàn vì mua phải của gian, vua nhầm hàng giả. Chuyện kể rằng: [Anh chàng tự tử không chết vì dây thừng giả, thuốc rầy giả; cuối cùng uống rượu ăn mừng thì chết vì rượu tây giả!].
Thế cho nên người ta gọi thế giới này là thế gian chứ không phải là thế ngay! Bởi vì thế gian đã nghe lời ma quỷ; mà ma quỷ là vua của sự dối trá.
Tin Mừng Gioan ngay từ đầu cho biết: Ngôi Lời là ánh sáng, là Thiên Chúa Thật đã đến thế gian; nhưng thế gian đã không tiếp nhận Người. Các thế lực tăm tối, giả dối vẫn luôn tìm cách loại trừ Ngài.
Quả thật, Đức Giêsu là Đấng vô tội nhưng đã bị các thượng tế tìm người cáo gian trình lên Philato. Philato xét Đức Giêsu vô tội nhưng vẫn kết án tử vì sợ bị ảnh hưởng tới công danh, địa vị.
Tuy nhiên, qua phiên tòa này, Đức Giêsu khẳng định ngài là vua thật. Và ngài đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Sự thật là Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một. Sự thật là Ngài -Ngôi Hai Con Thiên Chúa- đã làm Người cứu độ con người bằng con đường thập giá. Qua cái chết và phục sinh vinh hiển, Ngài làm cho vương quốc sự thật được truyền bá và lan rộng. Ngài đã về trời nhưng Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét muôn loài như bài đọc thứ nhất, tiên tri Daniel đã loan báo: “Tôi thấy con Người uy nghi đến trong đám mây trời…mọi tiếng nói đều phụng sự Ngài. Quyền năng Ngài là quyền năng vĩnh cửu, vương quốc của Ngài không khi nào bị phá hủy”.
2. Kitô hữu sống phục vụ và làm chứng cho sự thật.
Là môn đệ Chúa Kito -trong khi trông đợi ngài đến trong vinh quang- nhiệm vụ của chúng ta là phục vụ theo gương Chúa Giêsu và làm chứng cho sự thật.
Theo gương Đức Giêsu, nhiều thế hệ Kitô hữu đã phục vụ, đã làm chứng cho sự thật; nhờ vậy mà ngày càng có nhiều người tin và tôn thờ Đức Kito là vua. Chẳng hạn gương phục vụ của Mẹ Teresa Calcutta, của Đức Cha Jean Cassien, của cha Damien - tông đồ người hủi. Các vị tử đạo cũng làm chứng cho sự thật khi chấp nhận cái chết vì đạo Chúa.
Phần chúng ta, qua bí tích rửa tội, chúng ta đã trở nên thần dân của Chúa Kitô; cho nên sứ mạng của chúng ta cũng phải là phục vụ và làm chứng cho sự thật. Khi sống như thế, chúng ta sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi thậm chí là thiệt mạng. Tuy nhiên, chỉ khi sống như thế, thì vương quốc sự thật của Chúa Kito mới ngày càng lan rộng; chỉ khi sống như thế thì trong ngày tận thế, chúng ta mới xứng đáng được Đức Vua Kitô ngự đến trong vinh quang đón đưa chúng ta vào vương quốc sự thật vĩnh cửu của Ngài. Amen.
Thành Tiến

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2009

Bài giảng: Lễ các thánh Tử đạo Việt nam (Văn Hương)

Chủ đề : Lòng kính sợ Chúa.
Matthêu : 10,28-32.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Hôm nay Giáo hội hân hoan mừng kính các thánh Tử đạo Việt nam, và mời gọi chúng ta tiếp bước cha ông, tuân giữ giới răn thứ nhất, can đảm làm chứng cho Chúa Kitô, tuyên xưng niềm tin của mình trong đời sống thường nhật, ngõ hầu cũng được chung hưởng phần phúc Nước trời như các ngài.
“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn : Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống hoả ngục”(Mt 10,28). Lời này của Chúa Giêsu không chỉ nói lên con người vốn hèn nhát, sợ hãi sự đàn áp, kinh khiếp khổ đau và lo mất an toàn, nhưng còn hướng chúng ta đến quan niệm của Do thái giáo trong Cựu ước, để hiểu “sợ Đấng quyền năng tối thượng” hay “kính sợ Thiên Chúa” theo nghĩa tôn kính, tôn thờ, mến yêu. Và Thiên Chúa không phải là mối đe doạ cho sự sống còn của thân xác cũng như linh hồn chúng ta, vì Ngài là Cha yêu thương, luôn trung thành với lời đã hứa : “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy cũng tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”(Mt 10,32), tức là được vào hưởng vinh quang thiên quốc. Và các thánh Tử đạo Việt nam là những người xác tín chân lý này, cho nên, các ngài đã nỗ lực sống đức tin để nên như lời thánh Phaolô trong thư Do thái : “Có những người bị tra tấn mà không muốn được giải thoát, để được hưởng một sự sống lại tốt đẹp hơn. Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích và bỏ tù ; họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm, họ phải lưu lạc mặc áo da cừu, da dê, chịu thiếu thốn, bị áp bức và hành hạ”(Dt 11,35b-37). Do đó, khi nhìn vào các thánh tử đạo, chúng ta có thể nói rằng : cuộc đời của các ngài là một bài giảng lý giải nguyên nhân hiến thân vì Chúa Kitô mà Kinh Thánh nêu lên như sau : “Kính sợ đức Chúa là bước đầu của khôn ngoan, biết Đấng Chí Thánh, mới là hiểu biết thật”(Cn 9,10). Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các thánh tử đạo chọn Thiên Chúa, sự sống vĩnh hằng và bỏ thế gian, những thứ chóng qua, đồng thời cho người khác nhận biết như tác giả sách Huấn ca xác quyết : “Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy tin vào Người, và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy đợi trông ơn lành, niềm vui không cùng và lòng thương xót. Hãy nhìn lại các thế hệ ban đầu mà xem : nào có ai tin vào Đức Chúa mà bị hổ thẹn bao giờ : hoặc có ai kêu cầu Người mà bị Người khinh dể ? vì Đức Chúa là Đấng nhân từ và hay thương xót, Người thứ tha tội lỗi và cứu vớt trong lúc gian truân”(Hc 2,8-11). Thiết nghĩ, nếu đặt vấn đề : chúng ta có kính sợ Thiên Chúa không ? chắc chắn ai cũng trả lời có. Tuy nhiên, thực tế chứng minh ngược lại. Vì như Sách Thánh nói : lòng kính sợ Đức Chúa làm cho con người yêu mến và tuân giữ các giới răn (x. Hc 34,14-33,1-6), còn chúng ta thì không ngừng phạm tội, xúc phạm đến nhân phẩm người khác, lấn quyền Thiên Chúa về sự sống, cũng như tự làm cho mình ra nhơ nhớp, ô uế bởi những đam mê xấu xa và dục vọng đê hèn, không những thế, chúng ta còn có những chọn lựa sai trái thể hiện sự nghi ngờ tình yêu quan phòng được chính Chúa Giêsu đảm bảo : “Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao ? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ, các con còn đáng giá hơn chim sẽ bội phần”(Mt 10,29-30). Như thế, để nên như các thánh tử đạo, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn, xây dựng đời sống đức tin của mình trên nền móng : “yêu mến, phụng thờ Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Nói đến những ích lợi có được do thờ phượng và kính mến một Đức Chúa trời trên hết mọi sự, thì Thánh vịnh 25(24) từ câu 12 đến hết câu 14, cho chúng ta biết : “Phàm ai kính sợ Đức Chúa, Người chỉ cho thấy đường phải chọn. Họ sẽ được an vui hạnh phúc một đời, và con cháu thừa hưởng đất tổ tiên. Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa và cho họ biết giao ước của người”(Tv 25,12-14). Còn sách Châm ngôn thì tin tưởng như sau : “Lòng kính sợ Đức Chúa đem lại sự sống, cho người ta ăn no ngủ kỹ, thoát khỏi mọi tai ương”(Cn 19,23).
Ước gì khi mừng kính các thánh Tử đạo Việt nam, chúng ta noi gương các ngài, thể hiện lòng kính sợ Thiên Chúa qua tư tưởng, lời nói, và việc làm để đời sống hiện tại và mai hậu nên như lời Kinh Thánh : “Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa”(Mt 25,34). Amen.
Văn Hương

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Bài giảng CN-XXXII-TN-B (Văn Hương)

Chủ đề : Của lễ và tấm lòng.
Marcô : 12,38-44.
--------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúng ta vừa nghe thánh Marcô thuật lại lời Chúa Giêsu nhận xét về người Kinh sư và bà goá nghèo khó. Qua đó cho thấy, giá trị của hành vi tâm linh hệ tại ở tấm lòng chứ không do những gì thể hiện bên ngoài hoặc vật chất qui định, đồng thời mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống đạo của bản thân : tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân có xuất phát từ tâm hồn vốn hướng thiện không ? hay vì muốn tôn vinh mình hoặc chuộc lợi… như những chức sắc Do thái giáo trong bài Phúc âm.
“Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá : Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn”(Mc 12,38-40). Lời này của Chúa Giêsu không chỉ nói lên xu hướng chung của con người : ưa chuộng hình thức, thích được đề cao, tôn trọng, cũng như cảnh cáo một số người nhân danh điều thiện, chẳng hạn các hành vi tôn giáo để thu tích của cải. Nhưng quan trọng hơn là nhắc chúng ta nhớ đến lời sấm của Ysaya lên án Israel sống đạo giả tạo : “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm, chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ”(Is 29,13). Chính vì thế, Thiên Chúa bày tỏ thái độ của Ngài, chống lại kiểu phụng tự nhìn bề ngoài xem ra hoành tráng, nhưng không có lòng thành qua lời tiên tri Amos : “Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường ; hội hè của các ngươi ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu… những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn”(Am 5,21-24). Như vậy, có thể quả quyết rằng : của lễ Thiên Chúa muốn không phải là vật chất nhưng là tấm lòng đối với Ngài, và những việc tốt lành chúng ta làm cho người khác. Bởi đó, không có gì quá ngạc nhiên, khi Chúa Giêsu – Đấng thấu suốt lòng dạ con người – đã khen ngợi bà goá nghèo khó, vì bỏ tất cả những gì bà có để nuôi sống mình, vào hòm tiền nơi đền thờ Giêrusalem, qua đồng xu mà xét về giá trị là không đáng kể. Nói như thế, không có nghĩa loại bỏ các yếu tố vật chất trong hành vi thờ tự, quay về với quan niệm đạo tại tâm, nhưng những gì chúng ta sử dụng để thể hiện tương quan với Thiên Chúa và tha nhân phải diễn tả tròn đầy giới răn trọng nhất, vì “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ vật toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12,33). Thiết nghĩ, trong chúng ta ai cũng có tinh thần trao ban như bà goá trong Phúc âm, vì tự thân “nhân chi sơ, tính bản thiện”, nhưng cũng không thể phủ nhận chúng ta thường rơi vào cám dỗ tìm kiếm điều gì đó, có thể là tinh thần, và đôi lúc dính bén đến cả tiền bạc khi chúng ta thực hành các giáo huấn của Chúa Giêsu. Ví dụ : Phục vụ nhà Chúa, làm việc bác ái, dâng cúng … vv. Điều này phản ánh bản tính tự nhiên của con người, và Chúa Giêsu đã từng nói : “Thợ thì đáng được nuôi ăn”(Mt 10,10b). Tuy nhiên, việc làm của chúng ta có hợp thánh ý Thiên Chúa Không ? và ai là người tính công cho chúng ta mới là điều quan trọng. Ước gì câu lời Chúa sau đây giúp chúng ta suy gẫn và sống sứ điệp của Tin mừng hôm nay : “khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,2-4).
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Tấm lòng trọng hơn của lễ, và Thánh vịnh 40 (41) lý giải như sau : “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con ; lễ toàn thiêu và lễ xá tội Chúa không đòi, con liền thưa : Này con xin đến : Trong sách có lời chép về con rằng : con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con”(40[41],7-8). Như thế, sống theo ý Chúa muốn là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, và chúng ta chỉ có thể thực hiện được khi và chỉ khi chúng ta có được nhân đức thiên phú, đó là tấm lòng tràn đầy tình yêu đức ái, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa vì chính Người và, yêu thương tha nhân cũng như yêu chính chúng ta vì Thiên Chúa. Amen \
Văn Hương

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Bài giảng CN-XXXII-TN-B (Thành Tiến)

QUẢNG ĐẠI DÂNG HIẾN
1V. 17, 10-16; Dt. 9, 24-28; Mc. 12, 38-44

I. LỜI ĐẦU LỄ
Kính thưa quý OBACE,
Hôm nay, CN-XXXII-TN, lời Chúa mời gọi chúng ta sống tinh thần quảng đại theo gương hai bà góa.
Hình ảnh “Hũ bột không cạn, bình dầu không vơi” cho chúng ta cảm nhận tình thương của Thiên Chúa luôn lớn hơn lòng quảng đại của con người. Nói cách khác: khi con người càng biết cho đi thì càng được Thiên Chúa ban lại gấp bội.
Tham dự thánh lễ hôm nay, xin cho chúng ta biết rộng tay cho tha nhân hầu nhận được muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa.
II. GIẢNG
Kính thưa quý OBACE,
[Hồi tôi còn làm ‘thầy chú’ ở nhà thờ khu Gia Viên, tôi đã từng chứng kiến và cảm nhận đời sống khó khăn và lòng quảng đại của các bà góa. Rất nhiều lần, tôi đã nhận được từ các bà góa đi chợ về, ghé nhà xứ, cho tôi một nắm xôi, chai nước mắm hay mấy con tôm khô để nấu canh. Khi vị chủ chăn của giáo phận [là đức Cha cố Phaolo Maria] mời gọi đóng góp cho công cuộc truyền giáo hay nuôi dưỡng các cha cố đã nghỉ hưu, các bà đã về nhà đưa tới cho cha xứ số tiền -dù ít ỏi- đã dành dụm được. Tích tiểu thành đại, nhiều người quảng đại góp lại, số tiền mà giáo xứ Gia Viên gửi lên TGM không kém gì những xứ lớn và giàu có bên cạnh. (N.B: tùy nghi sử dụng câu chuyện thích hợp].
Lời Chúa hôm nay kể cho chúng ta nghe về hai bà góa. Cả hai khác nhau về không gian và thời gian, nhưng lại có chung một điều là dám sẵn sàng hi sinh những gì cần thiết nhất của mình để quảng đại hiến dâng giúp cho người của Chúa và công việc nhà Chúa.
Thật vậy, bài đọc thứ nhất trích sách Các Vua cho biết vì thời tiết hạn hán mất mùa, dân chúng đang phải sống trong cảnh lầm than vất vả. Điều này đã được chính bà goá Sarepta mô tả cho tiên tri Elia: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng kiến : Tôi chỉ còn một ít bột và ít dầu. Tôi sẽ đi kiếm một ít củi để làm bánh ăn và rồi chết”. Ay vậy mà khi Êlia -vị tiên tri của Chúa- ngỏ lời xin giúp đỡ, bà đã không tiếc chút bánh và bột ít ỏi còn lại hầu có thể kéo dài sự sống cho bà và con trai, mà lại dùng tất cả để lo một bữa ăn cho vị tiên tri hầu ông có thể lên đường thực thi ý Chúa.
Cũng vậy, bà goá nghèo trong bài Tin Mừng cũng tỏ ra hào hiệp không kém. Trong lúc những người giàu có bỏ rất nhiều tiền vào thùng dâng cúng để tu bổ đền thờ, thì bà goá nghèo lại âm thầm dâng cho Chúa những đồng xu nhỏ bé của mình.
Dưới mắt người đời, việc làm của bà chẳng dám đem ra so sánh với ai; hai đồng xu bà góp cũng chẳng bõ bèn gì so với công trình nguy nga của đền thờ.
Hành động của bà, tuy âm thầm nhỏ bé nhưng không lọt ngoài sự chăm chú quan sát của Chúa Giêsu. Chúa khen bà là người đã bỏ vào hòm tiền nhiều nhất; lý do được Chúa Giêsu cho biết; đó là: “Tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà đang túng thiếu, vậy mà đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi thân [mà hiến dâng cho Thiên Chúa]”.
Kính thưa ông bà anh chị em.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta đánh giá người khác qua địa vị, dáng vẻ bên ngoài hay qua số của cải người ta dâng cúng. Thiên Chúa lại nhìn thấu suốt tâm hồn. Cho nên, đối với Chúa -Đấng giàu có vô song- Ngài chỉ cần tấm lòng con người. Vì vậy, số tiền nhiều ít không quan trọng; vấn đề là người ta có sẵn lòng dâng cho Chúa một cách quảng đại và vô vị lợi hay không?
Hơn nữa, theo lẽ tự nhiên, ai cũng muốn dành ưu tiên cho mình; nhất là quyền ưu tiên về sự sống. Cả hai bà góa đều quên sự sống của bản thân để lo lắng cho người của Chúa cũng như cho việc nhà Chúa.
[Có nhiều người -kể cả một số gia đình công giáo- vì sợ con cái làm ảnh hưởng cuộc sống hai vợ chồng; cho nên -khi có thai ngoài ý muốn- đã tìm cách giết luôn đứa con khi nó chưa được sinh ra!]
Vâng, bài học quảng đại của hai bà góa hôm nay mời gọi chúng ta mở rộng lòng mình đối với Chúa và với anh chị em.
Kính thưa quý OBACE, sách TĐCV đưa ra cho chúng ta một châm ngôn sống: “Cho thì có phúc hơn là nhận”. “Hũ bột không cạn và bình dầu không vơi” là hình ảnh tuyệt vời cho thấy lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa. Không chỉ có thế, Thiên Chúa còn ban cho con người Người Con duy nhất của Ngài. Bài đọc 2 trích thư Do thái cho chúng ta biết: Người Con duy nhất ấy đã vì sự sống của con người mà hiến dâng sự sống chính mình. Ngài đã dâng lễ tế là chính thân mình Ngài một lần, dứt khoát, để hủy diệt tội lỗi và ban cho con người sự sống mới.
- Là Kitô hữu, chúng ta đã lãnh nhận sự sống và muôn vàn ân sủng Chúa ban. Chúng ta có cảm nhận được tình thương của Ngài đã, đang, và không ngừng tuôn đổ trên chúng ta chưa?
- Cả gia đình đang đứng trước nguy cơ chết đói, ấy vậy mà bà góa ở Sarepta đã sẵn sàng dâng phần ăn của gia đình mình cho vị tiên tri. Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta có sẵn sàng cho tha nhân không? thường chúng ta cho cái họ cần hay cho cái chúng ta dư thừa?
Ước gì qua lời Chúa hôm nay, chúng ta xác tín Chúa luôn biết rõ tâm hồn chúng ta. Xin cho chúng ta noi gương hai bà góa sẵn sàng quảng đại cho đi; và chúng ta tin rằng Chúa không chỉ sẽ ban cho chúng ta “hũ bột không bao giờ cạn và bình dầu không vơi” là của ăn vật chất mà Ngài -ngay lúc này đây- đang sẵn sàng trao ban cho chúng ta Thánh Thể là Thịt Máu Ngài hầu đảm bảo sự sống đời đời cho chúng ta. Amen.
Thành Tiến

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger