Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Hình chung của lớp


Bài giảng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm C (T Tiến)


CNI-MV-C
TỈNH THỨC CHỜ ĐỢI
Gr 33, 14-16; 1 Thes 3, 12-4,2; Lc 21, 25-28. 34-36

I. LỜI ĐẦU LỄ
Kính thưa quý OBACE,
Hôm nay, cùng Giáo Hội, chúng ta bước vào năm phụng vụ mới với CNI-MV. Mùa vọng là mùa trông chờ Chúa đến.
Tham dự thánh lệ hôm nay, xin cho chúng ta luôn biết hoán cải bản thân, tỉnh thức cầu nguyện; để khi Chúa đến, chúng ta hân hoan đón tiếp Ngài trong hồng phúc cứu độ.

II. GIẢNG
Kính thưa quý OBACE!
Hôm nay, cùng toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan bước vào năm phụng vụ mới với CNI-MV. Vọng là ngóng trông, là chờ đợi.
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đã từng đợi chờ và hy vọng; chẳng hạn người nông dân chờ đợi cơn mưa đầu mùa để gieo hạt, công nhân thì chờ cuối tháng để lãnh lương; học sinh chờ đợi ngày tựu trường,….
Con người chờ đợi trong hy vọng và khi đạt được điều mình hy vọng thì hạnh phúc. Nhưng không phải niềm hy vọng nào cũng đạt được; và không phải ai cũng đạt được điều mình hy vọng. Văn chương VN cũng kể câu chuyện người vợ bồng con chờ chồng đánh trận trở về, chờ mãi mòn mỏi, không còn niềm hy vọng mà biến thành tượng đá, truyền thuyết gọi là Hòn Vọng Phu…. (vọng là chờ, phu là chồng).
Thánh Kinh khẳng định cho chúng ta biết: Ai đặt niềm hy vọng vào Chúa thì không phải thất vọng hổ ngươi bao giờ. Bởi vì Chúa là Đấng yêu thương và thành tín.
Thật vậy, do tội nguyên tổ mà con người bị án phạt; nhưng Chúa vẫn yêu thương và hứa ban Đấng Cứu Độ.
Để thực hiện lời hứa cứu độ, Chúa chọn Israel  là dân riêng. Tuy nhiên, dân tộc này đã nhiều lần bất trung tôn thờ thần ngoại, sống suy đồi theo lối sống của dân ngoại.
Vì vậy họ đã bị lưu đày. Cuộc sống lưu đày bên Babilon với biết bao cay cực đã làm cho dân Israel tỉnh thức, sám hối, khát khao trông mong Đấng Cứu Độ.
Chính trong bối cảnh này, Thiên Chúa đã sai tiên tri Giêrêmia đến loan báo: “Đã đến ngày Ta thực hiện tin mừng cho nhà Israel và Giuđa. Ta sẽ làm nảy sinh cho Đavid một chồi công chính. Trong ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được yên ổn…”. Thế là một triều đại mới sẽ đem lại đổi thay cho kiếp đọa đày đen tối. Từ đây, trật tự được tái lập, mọi người sẽ hưởng cảnh thái bình thịnh vượng; vì Đức Vua hiển trị sẽ xét xử dân trong sự khôn ngoan và công chính.
Kính thưa cộng đoàn!
Lời hứa trên đã được thực hiện khi -cách đây hơn 2000 năm- Thiên Chúa đã ban Con Một Nhập Thể làm người.
Đức Giêsu -Ngôi Lời nhập thể- đã rao giảng Tin Mừng để quy tụ muôn dân; đã chấp nhận cái chết để thiết lập Giao ước mới; trên thập giá, Ngài đích thực là Vua Israel - vua của vương quốc tình yêu, công bằng và sự thật. Ngài đã sống lại, đã về trời; nhưng qua Giáo Hội mà Ngài thiết lập, Ngài vẫn quy tụ những tâm hồn thiện chí làm thành một dân mới bao gồm muôn dân không phân biệt màu da, giai cấp, chủng tộc.
Đức Giêsu đã về trời nhưng -như kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng- đến ngày tận thế, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét trong uy quyền và công lý.
Đó là ngày nào thì không một ai biết nhưng chắc chắn ngày đó sẽ đến; và đến ột cách bất ngờ như lời Ngài nói với các môn đệ: “Ngày ấy thình lình như chiếc lưới chụp xuống mọi người trên mặt đất”. [liên hệ động đất, sóng thần…chết vài chục, vài trăm ngàn người.]
Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe mô tả ngày tận thế: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao…biển gầm sống vỗ, các tầng trời sẽ rung chuyển”.
Đó là lối văn chương Khải Huyền Luca dùng để diễn tả sự uy nghi của ngày Chúa đến.
Nhiều cuốn phim của Holywood nói về ngày tận thế cũng mô tả như vậy. Trời sấm sét, thiên thạch rơi vào trái đất, biển trào sóng cao phủ lấp thành phố, động đất, núi lửa…người ta chạy tán loạn…và cuối cùng trái đất và mọi người bị hủy diệt.
Thấy cảnh tượng như vậy, chắc chắc ai cũng sợ hãi. Nhưng bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho biết: nếu những hiện tượng thiên nhiên làm cho con người sợ hãi, hồn xiêu phách lạc, thì đối với những người tin Chúa, đó lại là ngày cứu thoát: “Khi những điều đó xảy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi chúng con đã gần đến”.
Tuy nhiên, để được cứu độ, để có thể “đứng thẳng” khi Chúa đến thì ngay từ bây giờ chúng ta phải biết chuẩn bị.
Vậy chuẩn bị như thế nào?
Thứ nhất, Chúa dạy ta hãy giữ mình: “Chớ để lòng trí ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng việc đời”. Nhiều người chúng ta vẫn còn đó tính đam mê ăn uống, nhậu nhoẹt; nhiều người còn nặng nề, bận tâm với những toan tính trần thế: tiền bạc, danh vọng, địa vị, lạc thú…đó là những thứ ràng buộc êm ái mà ít ai tỉnh ngộ để thoát ra.
Vì vậy, điều thứ hai Chúa dạy là phải biết tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức và cầu nguyện ở đây không có nghĩa là thức trắng đêm để đọc kinh nhưng là đừng ngủ mê trong đam mê tội lỗi; trái lại hãy biết chu toàn bổn phận; nhất là luôn cầu nguyện kết hiệp với Chúa, luôn biết sống đẹp lòng Chúa.
Bài đọc thứ hai, thánh Phaolo mời gọi các tín hữu Thessalonica -cũng là mời gọi chúng ta - hãy bền vững trên đường thánh thiện, luôn cố gắng sống đẹp lòng Chúa, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến.
Bài đáp ca cũng mời gọi chúng ta -trong khi chờ đợi Chúa là Đấng Công Chính đến, cần biết hướng lòng về Chúa; quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi mà bước đi trên đường lối công chính Chúa chỉ dạy.
Kính thưa quý OBACE,
Nếu chúng ta sống được như vậy thì ngay bây giờ, Chúa đã đến trong tâm hồn chúng ta rồi; và bất cứ lúc nào Chúa trở lại trong uy nghi để phán xét, dù cho trời rung đất chuyển, dù cho biển gầm sóng vỗ, chúng ta cũng không sợ hãi nhưng sẽ vui mừng vì đó là giờ Chúa đến cứu độ chúng ta. Amen.

Thành Tiến

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger