Chủ đề : Sự kiện Biến hình mời gọi các Kitô hữu thông phần vào mầu nhiệm vượt qua.
Luca : 9,28b-36.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Sự kiện Biến hình mà chúng ta vừa nghe Thánh Luca thuật lại, xảy ra sau khi Phêrô thay mặt nhóm 12 tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (x. Lc 9,18-21). Qua đó cho thấy Chúa Giêsu chính là Đấng Massia được Chúa Cha sai đến để thực hiện và hoàn thành "tất cả những gì sách Luật Môisê, các sách Tiên Tri, và các Thánh Vịnh đã chép" (Lc 24,44), đồng thời mời gọi chúng ta nếu muốn thông phần vinh quang với Chúa Giêsu, thì hãy cùng Người vượt qua con đường khổ giá.
Chúa Giêsu chọn Phêrô, Gioan, Giacôbê - những người sau này sẽ chứng kiến cơn hấp hối của Người trong vườn Giếtsêmani - làm nhân chứng cho sự kiện Biến hình. Và với cảnh tượng của cuộc hiển dung nhắc chúng ta nhớ đến những lần Giavê - Thiên Chúa tỏ hiện với Môisê và Êlia trên núi của Người. Sách Xuất hành cho chúng ta biết : "Bấy giờ mây bao phủ núi. Vinh quang của Đức Chúa ngự trên núi Sinai và mây bao phủ núi sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, từ giữa đám mây Người gọi ông Môisê. Vinh quang Đức Chúa xuất hiện trên đỉnh núi trông giống như ngọn lửa thiêu, trước mắt con cái Israel. Ông Môisê vào giữa đám mây và đi lên núi"(Xh 24,16-18). Và sách các vua quyển thứ nhất khi thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Êlia trên núi Khorép - một tên khác của núi Sinai - thì nói Đức Chúa tự mặc khải trong làn gió nhẹ (x. 1 V 19,8-18). Như thế, khi nhìn vào cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor, chúng ta dễ dàng nhận thấy : Thiên Chúa không chỉ hiện diện qua lời phán dạy giữa đám mây và ngọn lửa (x. Đnl 5,2-5) hay trong làn gió hiu hiu nhưng còn có sự có mặt của Môisê - nhà thiết lập luật ; và Êlia - Một tiên tri lớn của Israel. Chính điều này cùng với Lời phán từ đám mây : "Đây là con Ta yêu đấu, các ngươi hãy nghe lời Người"(Lc 9,35) là mặc khải cho chúng ta về một Luật Mới sẽ thay thế cho Luật Cũ. Đồng thời xác định sứ mệnh và thiên tính của Chúa Giêsu, Đấng mà Cựu ước đã loan báo, và chuẩn bị cho dân đón nhận. Người là tử hệ thần linh của Thiên Chúa như lời Kinh thánh chép : "Tân Vương lên tiếng : Tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người phán bảo tôi rằng : 'Con là con của Cha', ngày hôm nay Cha đã sinh ra con"(Tv 2,7). Người cũng là tôi tớ trung tín của Thiên Chúa, là kẻ được chọn mà Isaia đã tuyên sấm : "Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người ; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân"(Is 42,1). Và điều mà sách Đệ Nhị Luật và Giosua nói đến : "Từ giữa anh (em), trong số các anh (em) của anh (em), Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một tiên tri như tôi (Môisê) để giúp anh (em) ; anh (em) hãy nghe vị ấy"(Đnl 18,15 ; x. Gio 1,17tt) được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, Người là Môisê mới. Như năm xưa, Môisê đã đưa dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ bên Aicập bằng cuộc vượt qua biển đỏ để vào đất hứa, thì Chúa Giêsu cũng sẽ đưa con người thoát khỏi sự nô lệ tội lỗi, để vào nước trời bằng cuộc vượt qua của Người. Đây là cơ sở để nói rằng sự kiện biến hình không chỉ xác nhận lời tuyên tín của Phêrô ở Cêsarê cũng như khẳng định lời Chúa Giêsu là luật mới, Người là Đấng hoàn tất Thánh Kinh bằng cái chết và sự sống lại, nhưng còn tiên báo và hình dung biến cố vượt qua, một biến cố mà nhờ con đường khổ giá Chúa Giêsu sẽ tỏ vinh quang và phẩm chức Con Thiên Chúa của Người như lời thánh Phalô trong thư Philipphê : "Đức Giêsu Kitô… vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu… muôn vật phải bái quỳ, và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là Chúa"(Pl 2,6.8-9.10.11). Như thế, có thể kết luận, với việc tỏ vinh quang của mình trước các môn đệ, Chúa Giêsu muốn chuẩn bị cho các ông thông phần mầu nhiệp thập giá.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Người công giáo chúng ta, nhờ Bí tích Rửa tội được thông phần vào mầu nhiệm sống lại mà sự kiện biến hình tiên báo. Vì thế, ngay từ đời này chúng ta được mời gọi biến hình nên giống Chúa Giêsu qua việc bước theo Người trên con đường khổ giá để đạt tới vinh quang (x.Lc 24,26). Và đây là kinh nghiệm của Thánh Phaolô về quyền năng phi thường của Thiên Chúa thực hiện trên những ai tin và dấn thân cho Người, sẽ giúp chúng ta tin tưởng vui sống với hoàn cảnh hiện tại của mình : "Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, hoang mang, nhưng không tuyệt vọng ; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt"(2 Cr 4,8-9).
Ước gì câu lời Chúa này : "Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Kitô, để sự sống của Đức Kitô Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi"(2 Cr 4,10), sẽ giúp mỗi người chúng ta thánh hoá bản thân, dự phần vào mầu nhiệm khổ nạn phục sinh của Chúa Giêsu ngõ hầu đạt tới vinh quang như Người, bằng việc cam chịu thử thách, đón nhận khổ đau, có thể do trái ý, bệnh tật, hay do sự xúc phạm của người khác, hoặc do cách xử sự bạc bẽo, bất công của người đời, và cả tang chế, thất bại trong cuộc sống về kinh tế cũng như đường tình… vv. Xin Chúa gìn giữ và nâng đỡ chúng ta. Amen.