Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Hình chung của lớp


Bài giảng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm C (T Tiến)


CNI-MV-C
TỈNH THỨC CHỜ ĐỢI
Gr 33, 14-16; 1 Thes 3, 12-4,2; Lc 21, 25-28. 34-36

I. LỜI ĐẦU LỄ
Kính thưa quý OBACE,
Hôm nay, cùng Giáo Hội, chúng ta bước vào năm phụng vụ mới với CNI-MV. Mùa vọng là mùa trông chờ Chúa đến.
Tham dự thánh lệ hôm nay, xin cho chúng ta luôn biết hoán cải bản thân, tỉnh thức cầu nguyện; để khi Chúa đến, chúng ta hân hoan đón tiếp Ngài trong hồng phúc cứu độ.

II. GIẢNG
Kính thưa quý OBACE!
Hôm nay, cùng toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan bước vào năm phụng vụ mới với CNI-MV. Vọng là ngóng trông, là chờ đợi.
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đã từng đợi chờ và hy vọng; chẳng hạn người nông dân chờ đợi cơn mưa đầu mùa để gieo hạt, công nhân thì chờ cuối tháng để lãnh lương; học sinh chờ đợi ngày tựu trường,….
Con người chờ đợi trong hy vọng và khi đạt được điều mình hy vọng thì hạnh phúc. Nhưng không phải niềm hy vọng nào cũng đạt được; và không phải ai cũng đạt được điều mình hy vọng. Văn chương VN cũng kể câu chuyện người vợ bồng con chờ chồng đánh trận trở về, chờ mãi mòn mỏi, không còn niềm hy vọng mà biến thành tượng đá, truyền thuyết gọi là Hòn Vọng Phu…. (vọng là chờ, phu là chồng).
Thánh Kinh khẳng định cho chúng ta biết: Ai đặt niềm hy vọng vào Chúa thì không phải thất vọng hổ ngươi bao giờ. Bởi vì Chúa là Đấng yêu thương và thành tín.
Thật vậy, do tội nguyên tổ mà con người bị án phạt; nhưng Chúa vẫn yêu thương và hứa ban Đấng Cứu Độ.
Để thực hiện lời hứa cứu độ, Chúa chọn Israel  là dân riêng. Tuy nhiên, dân tộc này đã nhiều lần bất trung tôn thờ thần ngoại, sống suy đồi theo lối sống của dân ngoại.
Vì vậy họ đã bị lưu đày. Cuộc sống lưu đày bên Babilon với biết bao cay cực đã làm cho dân Israel tỉnh thức, sám hối, khát khao trông mong Đấng Cứu Độ.
Chính trong bối cảnh này, Thiên Chúa đã sai tiên tri Giêrêmia đến loan báo: “Đã đến ngày Ta thực hiện tin mừng cho nhà Israel và Giuđa. Ta sẽ làm nảy sinh cho Đavid một chồi công chính. Trong ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được yên ổn…”. Thế là một triều đại mới sẽ đem lại đổi thay cho kiếp đọa đày đen tối. Từ đây, trật tự được tái lập, mọi người sẽ hưởng cảnh thái bình thịnh vượng; vì Đức Vua hiển trị sẽ xét xử dân trong sự khôn ngoan và công chính.
Kính thưa cộng đoàn!
Lời hứa trên đã được thực hiện khi -cách đây hơn 2000 năm- Thiên Chúa đã ban Con Một Nhập Thể làm người.
Đức Giêsu -Ngôi Lời nhập thể- đã rao giảng Tin Mừng để quy tụ muôn dân; đã chấp nhận cái chết để thiết lập Giao ước mới; trên thập giá, Ngài đích thực là Vua Israel - vua của vương quốc tình yêu, công bằng và sự thật. Ngài đã sống lại, đã về trời; nhưng qua Giáo Hội mà Ngài thiết lập, Ngài vẫn quy tụ những tâm hồn thiện chí làm thành một dân mới bao gồm muôn dân không phân biệt màu da, giai cấp, chủng tộc.
Đức Giêsu đã về trời nhưng -như kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng- đến ngày tận thế, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét trong uy quyền và công lý.
Đó là ngày nào thì không một ai biết nhưng chắc chắn ngày đó sẽ đến; và đến ột cách bất ngờ như lời Ngài nói với các môn đệ: “Ngày ấy thình lình như chiếc lưới chụp xuống mọi người trên mặt đất”. [liên hệ động đất, sóng thần…chết vài chục, vài trăm ngàn người.]
Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe mô tả ngày tận thế: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao…biển gầm sống vỗ, các tầng trời sẽ rung chuyển”.
Đó là lối văn chương Khải Huyền Luca dùng để diễn tả sự uy nghi của ngày Chúa đến.
Nhiều cuốn phim của Holywood nói về ngày tận thế cũng mô tả như vậy. Trời sấm sét, thiên thạch rơi vào trái đất, biển trào sóng cao phủ lấp thành phố, động đất, núi lửa…người ta chạy tán loạn…và cuối cùng trái đất và mọi người bị hủy diệt.
Thấy cảnh tượng như vậy, chắc chắc ai cũng sợ hãi. Nhưng bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho biết: nếu những hiện tượng thiên nhiên làm cho con người sợ hãi, hồn xiêu phách lạc, thì đối với những người tin Chúa, đó lại là ngày cứu thoát: “Khi những điều đó xảy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi chúng con đã gần đến”.
Tuy nhiên, để được cứu độ, để có thể “đứng thẳng” khi Chúa đến thì ngay từ bây giờ chúng ta phải biết chuẩn bị.
Vậy chuẩn bị như thế nào?
Thứ nhất, Chúa dạy ta hãy giữ mình: “Chớ để lòng trí ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng việc đời”. Nhiều người chúng ta vẫn còn đó tính đam mê ăn uống, nhậu nhoẹt; nhiều người còn nặng nề, bận tâm với những toan tính trần thế: tiền bạc, danh vọng, địa vị, lạc thú…đó là những thứ ràng buộc êm ái mà ít ai tỉnh ngộ để thoát ra.
Vì vậy, điều thứ hai Chúa dạy là phải biết tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức và cầu nguyện ở đây không có nghĩa là thức trắng đêm để đọc kinh nhưng là đừng ngủ mê trong đam mê tội lỗi; trái lại hãy biết chu toàn bổn phận; nhất là luôn cầu nguyện kết hiệp với Chúa, luôn biết sống đẹp lòng Chúa.
Bài đọc thứ hai, thánh Phaolo mời gọi các tín hữu Thessalonica -cũng là mời gọi chúng ta - hãy bền vững trên đường thánh thiện, luôn cố gắng sống đẹp lòng Chúa, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến.
Bài đáp ca cũng mời gọi chúng ta -trong khi chờ đợi Chúa là Đấng Công Chính đến, cần biết hướng lòng về Chúa; quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi mà bước đi trên đường lối công chính Chúa chỉ dạy.
Kính thưa quý OBACE,
Nếu chúng ta sống được như vậy thì ngay bây giờ, Chúa đã đến trong tâm hồn chúng ta rồi; và bất cứ lúc nào Chúa trở lại trong uy nghi để phán xét, dù cho trời rung đất chuyển, dù cho biển gầm sóng vỗ, chúng ta cũng không sợ hãi nhưng sẽ vui mừng vì đó là giờ Chúa đến cứu độ chúng ta. Amen.

Thành Tiến

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Thánh Lễ giỗ 10 năm anh Quản Trọng Hải

Xin thông báo với anh em,
Năm nay là giỗ 10 năm cho anh Giuse Quản Trọng Hải, gia đình anh có tổ chức Thánh Lễ giỗ cho anh, vào lúc 10 giờ, sáng thứ 2, ngày 7/5/2012, tại giáo xứ Đông Hoà. Xin anh em sắp xếp công việc đến hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho anh Hải.

nếu cần liên hệ với gia đình anh Hải, xin gọi số chị Liên: 0903105216.

Ban thông tin lớp

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Bài giảng Chúa nhật IV Phục Sinh (Joskieu)

CN 4 PS b Mục Tử Tốt


Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 trong SĐ ngày Quốc tế ơn gọi 2012 đã mời gọi toàn thể Dân Chúa suy nghĩ về Chủ đề : “Các ơn gọi, hồng ân của Tình Yêu Thiên Chúa.”

Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha khẳng định rằng :“Mỗi ơn gọi đặc thù đều nảy sinh từ sáng kiến của Thiên Chúa, là hồng ân tình thương của Chúa! Chính Chúa đi “bước đầu” chứ không phải vì sự tốt lành riêng nào nơi chúng ta, đúng hơn đó là do sự hiện diện của chính tình thương Chúa được “đổ xuống trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần” (Rm 5,5). Trong mọi thời đại, nơi nguồn mạch ơn gọi của Chúa, đều có sáng kiến tình thương vô biên của Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô...”.

Hôm nay giáo hội mừng Lễ Chúa Chiên Lành và cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Chúa Chiên Lành là ai và tại sao phải cầu nguyện cho ơn thiên triệu?

Chúa Chiên Lành - Mục tử tốt :

Bài Phúc âm hôm nay giới thiệu cho chúng ta biết : Chúa Giêsu là người mục tử tốt, mục tử nhân lành. Ngài yêu thương, chăm sóc đoàn chiên của mình và sẵn sàng hy sinh mạng sống để đoàn chiên được sống và sống dồi dào.

Hình ảnh người mục tử đi tìm con chiên lạc, và khi tìm được rồi liền vác nó lên vai đem về đàn để chăm sóc, cho chúng ta thấy tình thương và sự quan tâm lo lắng của người mục tử đối với đàn chiên như thế nào? Một người cha, người mẹ luôn yêu thương, quan tâm chăm sóc lo lắng cho con cái, sẽ dễ hiểu được tình thương và sự quan phòng của Chúa đối với họ.

Thường khi nói đến chủ chăn hay chủ chiên là chúng ta nghĩ ngay đến các giám mục và linh mục. Cũng thế, khi nói đến ơn thiên triệu là chúng ta nghĩ đến ơn gọi linh mục và tu sĩ. Thật ra, mọi người đều được gọi làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống mình.

Qua Bí Tích Rửa Tội, tất cả chúng ta : các linh mục, tu sĩ và giáo dân đều được Chúa mời gọi làm người mục tử chăm sóc đoàn chiên cho Chúa, mỗi người trong phạm vi và hoàn cảnh của mình.

1. Nếu là các Giám Mục, Linh Mục, hay tu sĩ thì đàn chiên chính là các giáo phận, giáo xứ hay cộng đoàn mà Chúa trao.

2. Nếu là các bậc cha mẹ thì đàn chiên mà Chúa trao cho chúng ta chính là gia đình và con cái.

3. Nếu là Giáo Lý viên, thầy cô, hay người lãnh đạo các đoàn thể, thì đàn chiên chính là các thiếu nhi, học sinh hay học viên mà Chúa trao cho.

4. Nếu là người độc thân thì con chiên chính là linh hồn, thân xác và tương lai của chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta hãy làm chủ bản thân và quy hướng mọi sự tốt lành về cho Chúa.

Đối với Chúa, chăm sóc một đàn chiên nhỏ bé như bản thân, gia đình hay một đoàn thể cũng quan trọng như chăm sóc một giáo xứ, một giáo phận hay cả giáo hội, vì mỗi người là những viên gạch để xây dựng Hội Thánh ở trần gian.

Tại sao phải cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu?

Lời Chúa nói “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít…”. Nhìn vào đất nước Việt nam, chúng ta thấy số giáo dân chưa được 10% so với 86 triệu dân số (cuộc tổng điều tra dân số tháng 4.2009) . Vì vậy, ngày “thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu”, Giáo hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho có nhiều người, nhất là các bạn trẻ hãy quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi, dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục và tu sĩ, để phục vụ Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Ngoài việc cầu nguyện cho ơn gọi, chúng ta còn tích cực đóng góp về vật chất tùy theo khả năng của mình, để nâng đỡ và nuôi dưỡng các ơn gọi Linh mục, tu sĩ và những người đang làm việc truyền giáo trong Giáo hội.

Muốn có nhiều ơn gọi tu trì thì trước hết cần phải có nhiều giáo dân thánh thiện, nhiều gia đình thánh thiện. Những gia đình thánh thiện trong một xã hội tốt lành sẽ là những vườn ươm trồng ơn gọi cho giáo hội. Muốn có nhiều tín hữu và gia đình thánh thiện thì cần phải có nhiều Linh Mục, tu sĩ và những nhà lãnh đạo thánh thiện. Như vậy ơn gọi giáo dân và ơn gọi tu trì liên kết và bổ túc cho nhau không thể tách rời. Chúng ta cầu nguyện cho có nhiều Linh mục thánh thiện, thì chúng ta cũng cầu nguyện cho có nhiều giáo dân thánh thiện.

Chúa cần những mục tử tốt. Người mục tử tốt là người làm việc vì Chúa, sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên,” nghĩa là biết quên mình, biết hy sinh thì giờ, tiền bạc, danh vọng và ngay cả mạng sống mình cho những người Chúa trao phó cho mình.

Trong ngày lễ Chúa chiên lành, chúng ta cầu xin ơn Chúa thánh hóa các Linh mục, Tu sĩ trên thế giới, chúng ta cầu nguyện cho quý Cha, quý Thầy, quý Dì và mọi người trong giáo xứ trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. Xin Chúa gọi và chọn những tâm hồn quảng đại, thiện chí đáp lại tiếng Chúa mời gọi, cam đảm dâng hiến đời mình để phục vụ Chúa và giáo hội.

Như thế, chúng ta tin tưởng và hy vọng giáo xứ chúng ta và Giáo hội trong tương lai sẽ có thêm nhiều Linh mục và Tu sĩ thánh thiện, nhiệt thành loan báo Tin mừng tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người trong thế giới hôm nay. Amen.



Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Bài giảng Chúa Nhậ 3 Phục Sinh ( Thành Tiến)

LÀM CHỨNG CHO ĐẤNG PHỤC SINH


Cv 3, 11-26 ; 1 Ga 2, 1-5; Lc 24, 35-48.



I. LỜI ĐẦU LỄ

Kính thưa quý OBACE,

Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những giờ phút chán nản, sợ hãi. Các tông đồ năm xưa cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy sau khi Thầy của các ông là Đức Giêsu bị người ta giết chết. Tuy nhiên, sau ba ngày, Ngài đã sống lại, hiện ra ban bình an cho các ông và trao cho các ông sứ mạng làm chứng cho Ngài.

Tham dự thánh lễ hôm nay, xin cho chúng ta nhận ra Chúa phục sinh đang hiện diện và ban bình an cho chúng ta; nhất là đã tin tưởng trao cho chúng ta sứ mạng làm chứng về Ngài cho con người trong thế giới hôm nay.



II. GIẢNG

Kính thưa quý OBACE,

Chúng ta đang sống trong Mùa Phục sinh; cách đây 2 tuần, chúng ta cũng đã trải qua Tam Nhật Thánh, đã cùng nhau cử hành biến cố Chúa tử nạn và phục sinh.

Việc Chúa Giêsu chết vào chiều thứ sáu thì cả thành Giêrusalem ai cũng biết. Các tông đồ là những người biết rõ hơn ai hết. Tuy nhiên, việc Ngài sống lại -ban đầu- chỉ một nhóm nhỏ biết thôi. Bởi vậy mới có việc tin vui được loan truyền từ người này sang người kia. Đầu tiên là mấy phụ nữ thăm mồ về báo tin cho các tông đồ, rồi đến 2 môn đệ người làng Emmaus. Tại Emmaus, sau khi nhận ra Chúa phục sinh, 2 ông đã mau mắn chạy về Giêrusalem loan báo tin vui cho các tông đồ. Và câu chuyện tiếp tục diễn ra như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Đoạn Tin mừng này gồm ba phần rõ ràng: Phần thứ nhất, Chúa Giêsu PS đến với các tông đồ nhưng các ông sợ hãi vì tưởng mình gặp ma. Phần thứ hai Chúa minh chứng Ngài đã sống lại. Và đặc biệt -phần thứ ba- Chúa trao cho các ông sứ mạng làm chứng về sự Phục sinh của Ngài.

1. Trước hết các tông đồ là những người sợ ma!

Con người ta sống ở đời có nhiều nỗi sợ; như: sợ đói, sợ rét, sợ chiến tranh, sợ bị bỏ tù, sợ thất nghiệp, sợ tai nạn, sợ sâu, sợ gián, …Và sợ cả ma nữa. [Có ai không sợ ma không? Kể một câu chuyện ma: đi ngang qua nghĩa địa].

Các tông đồ và môn đệ của Chúa năm xưa cũng đã từng trải qua nhiều nỗi sợ hãi. Thật vậy, khi Đức Giêsu Thầy của các ông chết, các ông chán nản, sợ hãi. Vì chán nản, 2 môn đệ người làng Emmaus đã bỏ về quê. Vì sợ hãi, các tông đồ ở Giêrusalem chẳng dám đi đâu. Ơ trong nhà cũng đóng kín cửa.

Sự sợ hãi làm cho các ông khiếp đảm đến độ khi Chúa Phục sinh hiện đến, các ông cũng chưa hoàn hồn; các ông cứ tưởng là mình gặp ma!



2. Chúa chứng minh Ngài đã sống lại thật.

Để khẳng định cho các ông biết Ngài đã sống lại, Chúa Giêsu đã cho các ông xem tay chân; thậm chí Ngài còn ăn trước mặt các ông. [Đặc biệt, theo Tin Mừng Gioan: Chúa Giêsu còn cho Tôma xem cả cạnh sườn nữa (Ga 20, 11-19; CN II-PS). Chúa làm như thế để minh chứng rằng: Đấng phục sinh chính là Đấng chịu đóng đinh. Hay nói cách khác, Đấng chịu đóng đinh nay thực sự đã sống lại. Hơn nữa, giữa lúc các tông đồ hoang mang, chán nản, Ngài ngự đến ban bình an, củng cố niềm tin cho các ông và trao cho các ông sứ mạng làm chứng cho Ngài.

Vậy làm chứng là gì?



3. Lệnh truyền và sứ mạng làm chứng cho Đấng phục sinh

a. Trước hết, làm chứng hay chứng nhân là chứng nhận một sự việc có thật mà chính mình đã nghe, đã biết hay đã thấy.

Ở tòa án, nhân chứng là người làm chứng về điều mình biết, mình nghe hay thấy liên quan đến vụ việc. Trong đời sống hằng ngày, nhất là trong đời sống đức tin, chứng nhân là người xác tín và sống điều mình tin tưởng.

Hiểu như vậy, các tông đồ vừa là những nhân chứng và cũng là những chứng nhân. Là nhân chứng vì các ngài đã đi theo Chúa, sống với Chúa, tận mắt thấy cái chết đau thương của Chúa; và nhất là các ngài được thấy Chúa PS, được tận tay sờ vào Chúa và cùng ăn uống với Chúa nữa.

Các ngài là những chứng nhân vì sau khi được thấy Chúa, được lãnh nhận lệnh truyền của Chúa, các ngài đã can đảm tuyên xưng danh Chúa trước mặt người đời. Bài đọc I, trích sách TĐCV kể lại việc Phêrô và Gioan lên tiếng tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Do thái; đồng thời các ngài kêu gọi họ hoán cải để được hưởng ơn cứu độ. Các ngài mạnh mẽ rao giảng mà không sợ hãi bất cứ một thế lực nào. Khi phải ra trước tòa án, các ngài khẳng khái trả lời một cách khôn ngoan: “Xin quí vị xét cho, phần chúng tôi, chúng tôi không thể không nói những điều mắt đã thấy, tai đã nghe, và tay đã được sờ đến”.

Không những làm chứng bằng lời nói, các ngài còn làm chứng bằng các phép lạ kèm theo như chữa người què được lành bệnh; và đặc biệt, các ngài làm chứng niềm tin bằng cả mạng sống của mình nữa.

Sau 12 tông đồ, đã có biết bao thế hệ Kitô hữu tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa Phục sinh.

b. Mỗi chúng ta hôm nay cũng phải là một chứng nhân.

“Mỗi Kitô hữu, tự bản chất, đều là một chứng nhân”. Qua phép rửa tội, mỗi người chúng ta đã được Chúa Kitô trao sứ mạng làm chứng cho Chúa. Vậy chúng ta làm chứng cho Chúa thế nào?

ĐGH Phaolô VI -trong tông huấn “Loan báo Tin Mừng” viết: “Ngày nay, người ta tin ở chứng nhân hơn là thầy dạy; và người ta chỉ tin thầy dạy khi thầy dạy cũng là chứng nhân”.

Trước khi bước vào ngàn năm thứ ba, Giáo Hội nhìn lại công cuộc truyền giáo 2000 năm qua và định hướng công cuộc truyền giáo trong thiên niên kỷ mới. Trong một cuộc hội thảo của giới trẻ thế giới về đề tài “Truyền giáo”, nhiều bạn trẻ đề nghị phải sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến như sách vở, báo chí, internet, phim ảnh hấp dẫn, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác bác ái xã hội. Một số khác đề nghị Giáo hội chống lại những bất công, bênh vực quyền sống của con người, để xây dựng xã hội trong công lý và hoà bình.

Trong lúc mọi người đang hăng hái đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da mầu giơ tay xin phát biểu: “Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở, báo chí, phim ảnh [hay internet]], chúng tôi chỉ gửi đến đó một [nhà truyền giáo] hay một gia đình công giáo đạo đức tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống [chứng nhân]Kitô giáo” (x. R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọng, tr 208).

Kính thưa quý OBACE,

Trong xã hội chúng ta, trong giáo xứ và môi trường chúng ta sống và làm việc còn rất nhiều người chưa đón nhận niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh. Chúng ta, thật may mắn và hạnh phúc vì được sống niềm tin vào Chúa Kitô; vậy:

- Trước hết, chúng ta tin Chúa Kitô PS đang hiện diện, trao ban bình an cho chúng ta để chúng ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi.

- Chúng ta hãy làm chứng Tin mừng PS bằng sống chan hòa niềm vui.

- Hơn nữa, chúng ta làm chứng bằng việc canh tân đời sống đức tin, trở nên những con người mới, từ bỏ tội lỗi, sẵn sàng lắng nghe và tuân giữ lời Chúa (như lời mời gọi của tông đồ Gioan- trong bài đọc 2); đồng thời noi gương các tông đồ can đảm loan báo cho mọi người Tin mừng Chúa phục sinh dù gặp khó khăn, thử thách, bách hại.

Ước gì chúng ta sống chứng nhân niềm tin; ngõ hầu -qua chúng ta- nhiều người đón nhận tin mừng Phục sinh của Chúa và cùng hưởng hạnh phúc cứu độ. Amen.

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Thông báo huỷ họp lớp

Thưa anh em,theo đề nghị của một số anh em là chương trình họp lớp sẽ được dời vàosau Lễ Phục Sinh năm tới,vì lý do là lần họp lớp tháng 11 năm 2011 vừa rồi mới cách đây có 6tháng, thời gian khá gần,và vì là thay đổi thời gian họp lớp sau lễ Phục sinh để thời gian nămtới cho anh em chuẩn bị trước.
Thay mặt AE
Ban thông tin lớp

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Thông báo họp lớp

Thưa anh em, theo quyết định lần họp lớp năm ngoái tại Sài Gòn, năm nay chúng ta sẽ họp lớp vào dịp sau Lễ Phục Sinh do anh em giáo phận Phú Cường tổ chức.Nay anh em Phú Cường dự tính ngày họp mặt là từ thứ 2, ngày 23 đến thứ 4 ngày 25 tháng 4 năm 2012. xin anh em cho ý kiếnhoặc gọi cho Tiến 0907172060 hoặc gọi cho Thăng 0909301471 hoặc gởi thư theo email này.
Thay mặt cho ban thông tin lớp
Chúc anh em Lễ Phục Sinh nhiều ơn Chúa.
Micae TriCu

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Mời dự lễ cung hiến thánh đường Phúc Hải

Kính gởi anh em khoá VI-ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn

Nhà thờ Phúc Hải mới trùng tu xong.

Thánh Lễ cung hiến thánh đường sẽ được cử hành lúc 9g30, Chúa Nhật 12/02/2012

Mời anh em khoá 6, ai có thể thu xếp được, về Phúc Hải dâng thánh lễ nhé.



Lm. Daminh Nguyễn Thành Tiến



Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger