Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Bài giảng Chúa nhật I Mùa Vọng (Văn Hương)

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng : Chúa Giêsu sẽ đến vào ngày sau hết để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Và lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống niềm tin này trong tinh thần tỉnh thức sẵn sàng với vị thế của một đầy tớ chờ chủ về.
Có thể nói, Dân Do thái bị cho là bất trung với Thiên Chúa, họ không ngừng vi phạm Giao ước : bỏ Thiên Chúa chạy theo tà thần. Tuy vậy, nơi dân tộc này cũng có nhiều điều để chúng ta học theo, và một trong số đó là lòng mong chờ Chúa đến giải thoát. Và bằng chứng điển hình được tìm thấy trong bài đọc thứ nhất. Tiên tri Isaia không chỉ nói lên lòng khát khao Chúa đến nơi dân chúng, nhưng còn cho thấy nguyên do của tâm nguyện này với một ý thức sâu xa về tình trạng của cá nhân và cộng đoàn : “Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng tôi đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng tôi trở nên chai đá không còn biết kính sợ Chúa nữa. Vì các tôi tớ Chúa…, xin hãy đoái nhìn lại. Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống…: Này Chúa thịnh nộ, vì chúng tôi đã phạm tội. Chúng tôi đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi. Tất cả chúng tôi đều đầy vết nhơ và công nghiệp chúng tôi như chiếc áo dơ bẩn” (Is 63,17.64,4b-5). Thiết nghĩ, người Do thái khắc khoải trông chờ Chúa đến, vì họ biết mình đang ở trong tình trạng nô lệ cho tội lỗi, và sự nô lệ này được thể hiện qua việc nước mất nhà tan, bị ngoại bang dầy xéo. Còn chúng ta thì sao ? Bao lâu chúng ta không biết được thực trạng con người gồm thân xác và linh hồn của mình, thì bấy lâu sự mong chờ Chúa đến nơi chúng ta nếu có cũng chỉ là lý thuyết. Do đó, thái độ đầu tiên cần có là khiêm tốn nhìn nhận mình tội lỗi, đang bị ma quỷ kìm tỏa để từ đó khơi dậy lòng mong muốn được cứu thoát. Tiếp theo là không ngừng tự nhắc mình về sự bất ngờ của ngày Chúa đến để luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Và sự sẵn sàng này được thể hiện qua những việc làm tiêu biểu sau đây : Thứ nhất là từ bỏ những gì thuộc hạ giới để hướng tâm hồn lên những sự trên trời nơi Thiên Chúa ngự (x.Cl 3,2) ; thứ hai là liên tục canh tân đời sống theo sự hướng dẫn của Tin Mừng ; Và sau cùng là chu toàn bổn phận của người đầy tớ trông coi tài sản chủ trao phó, đó là tất cả những gì chúng ta đang sở hữu và chúng phải được sử dụng theo ý Thiên Chúa.
Xin Chúa mặc vào tâm hồn chúng ta lòng khát mong Ngài, và xin cho lời Chúa sau đây nhắc nhớ mỗi người chúng ta luôn sẵn sàng đón Chúa khi Ngài đến : “Chúng con hãy tỉnh thức, chúng con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp chúng con đang ngủ” (Mt 13,35-36).

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Bài giảng Chúa Nhật XXXIV Thường Niên (Văn Hương)

Chúa Nhật XXXIV Thường Niên –LỄ KITÔ VUA
Chủ Đề : Yêu Thương Tha Nhân Là Yêu Mến Thiên Chúa.
Matthêu 25,31-46.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Mừng lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Giáo hội hướng tâm hồn các giáo hữu đến ngày chung thẩm. Và bài Tin mừng chúng ta vừa nghe cho thấy tiêu chuẩn của phán xét là mối tương quan với Thiên Chúa được biểu lộ qua cách cư xử với tha nhân.
Trong ngày phán xử chung cuộc, Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta có bằng cấp gì, tích lũy được bao nhiêu của cải, hoặc giữ chức vụ nào trong xã hội. Ngài chỉ xét chúng ta có quan tâm và giúp đỡ những người bé mọn nhất không ? Đây là những hành vi gắn liền với tình cảm tự nhiên của con người. Đó là lòng thương yêu đồng loại mà Chúa đặt nơi tâm hồn chúng ta. Bởi thế, không có gì đáng ngạc nhiên, khi những người được thưởng, đứng bên hữu, và những kẻ bị phạt, đứng bên tả đều ngỡ ngàng trước sự luận tội và khen thưởng của Thiên Chúa : “Lạy Chúa có bao giờ chúng tôi thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; có bao giờ chúng tôi thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc ; có khi nào chúng tôi thấy Chúa yếu đau hay bị tù đầy mà chúng tôi đến viếng Chúa đâu?”(Mt 25,37-39. 44). Như vậy, phải quả quyết rằng : tất cả những gì chúng ta làm cho tha nhân do sự thúc đẩy hướng thiện của tiếng lương tâm, tức là tuân theo lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn (x. GLHTCG s. 1776). Hay nói cách khác là do lòng khao khát Thiên Chúa nơi con người (x. GLHTCG s. 27), thì có giá trị đem đến ơn cứu độ. Hiến chế Lumen Gentium (Tín lý về Giáo Hội) của Công Đồng Vaticanô II trong số 16 nói như sau : “Những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi”(x. GLHTCG s.847). Thiết nghĩ, chúng ta là những Kitô hữu, nghĩa là thuộc về dân Thiên Chúa. Bởi đó, không thể nói : tôi không biết Thiên Chúa và các giáo huấn của Ngài. Nhưng qua cuộc sống thực tế, xem ra chứng minh ngược lại, nhất là trong tương quan giữa người với người vẫn còn thiếu lửa Đức mến. Có lẽ thực trạng cuộc sống vàng thau lẫn lộn, và người ta thường lợi dụng tình thương để lường gạt, nên chúng ta ngại trao ban, vì sợ làm ơn mắc oán, làm bạn mắc thù, đó là chưa kể đến các việc làm khiến lương tâm cắn rứt, nhưng xét cho cùng, vẫn là chúng ta yêu thương chưa trọn, sống chưa hết tình. Đây là hệ quả của đời sống khô khan, nguội lạnh với Thiên Chúa, và như lời thánh Gioan Tông đồ trong thư thứ nhất của ngài : “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình”(1Ga 5,21). Vì thế, khước từ người nghèo khổ, người cô thế cô thân, không nơi nương tựa, không chốn dung thân là bằng chứng không yêu mến Thiên Chúa. Và như vậy, thì làm sao có động thực thúc đẩy chiếm hữu Nước trời. Và đây là bản án cho những ai sống như vậy : “Hỡi phường bị chúc giữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng”(Mt 25,41).
Kính thưa cộng đoàn,
Chúng ta được phán xét dựa trên tình yêu, một tình yêu rất đơn giản : cho ăn, cho uống, tiếp đón, cho mặc, thăm viếng, săn sóc. Như thế, những cử chỉ yêu thương khiêm hạ và chân thật có một giá trị vô cùng, một giá trị vĩnh cửu. Và danh sách những hành động yêu thương mà Chúa Giêsu kể ra không hạn chế. Đó chỉ là những gương mà chúng ta có thể kéo dài ra tùy theo cuộc sống của mỗi người. Ví dụ : Những người láng giềng của chúng ta thiếu thốn tình bạn, họ cần và chúng ta đem tình bạn đến với họ. Hoặc trong giáo xứ, linh mục cần các bậc phụ huynh phụ trách việc dạy giáo lý và chúng ta chấp nhận cộng tác mặc dù công việc này chiếm khá nhiều thời gian của chúng ta…Nói gọn lại, sống tốt thôi chưa đủ, cần phải làm việc tốt nữa. Tình yêu tha nhân phải khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa và quy hướng về Ngài. Các công việc chúng ta làm đối với anh em mình chính là chúng ta làm vì Chúa Kitô và cho Chúa Kitô. Như vậy, những người được vào Nước trời là những người chu toàn Luật Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu diễn tả trong giới răn trọng nhất. Ước gì khi sống sứ điệp lời Chúa hôm nay, chúng ta không chỉ cho người khác thấy lòng mến Thiên Chúa và nhận biết tình yêu của Ngài, nhưng sau này còn được gia nhập hàng ngũ những người nghe lời tuyên phán : “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ”(Mt 25,34).
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta luôn ý thức, Mọi người dù là Kitô hữu hay không, dù biết hay không biết Chúa Giêsu sẽ bị xét đoán trên cùng một tiêu chuẩn : không phải số lời cầu nguyện đã đọc, những hành động thờ phụng... Không làm điều xấu chưa đủ. Còn phải làm điều tốt. Chúng ta ngay từ bây giờ được phán xét bằng điều tốt lành mà chúng ta làm cho những người cần đến chúng ta. Amen

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

  • - CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN – B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI Is 61,9-11; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38 CHỦ ĐỀ: MARIA, NGƯỜI NỮ ĐỨC TIN SỨ ĐIỆP: Siêng năng lần hạt; ca...

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger