Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Bài giảng Chúa Nhậ 3 Phục Sinh ( Thành Tiến)

LÀM CHỨNG CHO ĐẤNG PHỤC SINH


Cv 3, 11-26 ; 1 Ga 2, 1-5; Lc 24, 35-48.



I. LỜI ĐẦU LỄ

Kính thưa quý OBACE,

Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những giờ phút chán nản, sợ hãi. Các tông đồ năm xưa cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy sau khi Thầy của các ông là Đức Giêsu bị người ta giết chết. Tuy nhiên, sau ba ngày, Ngài đã sống lại, hiện ra ban bình an cho các ông và trao cho các ông sứ mạng làm chứng cho Ngài.

Tham dự thánh lễ hôm nay, xin cho chúng ta nhận ra Chúa phục sinh đang hiện diện và ban bình an cho chúng ta; nhất là đã tin tưởng trao cho chúng ta sứ mạng làm chứng về Ngài cho con người trong thế giới hôm nay.



II. GIẢNG

Kính thưa quý OBACE,

Chúng ta đang sống trong Mùa Phục sinh; cách đây 2 tuần, chúng ta cũng đã trải qua Tam Nhật Thánh, đã cùng nhau cử hành biến cố Chúa tử nạn và phục sinh.

Việc Chúa Giêsu chết vào chiều thứ sáu thì cả thành Giêrusalem ai cũng biết. Các tông đồ là những người biết rõ hơn ai hết. Tuy nhiên, việc Ngài sống lại -ban đầu- chỉ một nhóm nhỏ biết thôi. Bởi vậy mới có việc tin vui được loan truyền từ người này sang người kia. Đầu tiên là mấy phụ nữ thăm mồ về báo tin cho các tông đồ, rồi đến 2 môn đệ người làng Emmaus. Tại Emmaus, sau khi nhận ra Chúa phục sinh, 2 ông đã mau mắn chạy về Giêrusalem loan báo tin vui cho các tông đồ. Và câu chuyện tiếp tục diễn ra như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Đoạn Tin mừng này gồm ba phần rõ ràng: Phần thứ nhất, Chúa Giêsu PS đến với các tông đồ nhưng các ông sợ hãi vì tưởng mình gặp ma. Phần thứ hai Chúa minh chứng Ngài đã sống lại. Và đặc biệt -phần thứ ba- Chúa trao cho các ông sứ mạng làm chứng về sự Phục sinh của Ngài.

1. Trước hết các tông đồ là những người sợ ma!

Con người ta sống ở đời có nhiều nỗi sợ; như: sợ đói, sợ rét, sợ chiến tranh, sợ bị bỏ tù, sợ thất nghiệp, sợ tai nạn, sợ sâu, sợ gián, …Và sợ cả ma nữa. [Có ai không sợ ma không? Kể một câu chuyện ma: đi ngang qua nghĩa địa].

Các tông đồ và môn đệ của Chúa năm xưa cũng đã từng trải qua nhiều nỗi sợ hãi. Thật vậy, khi Đức Giêsu Thầy của các ông chết, các ông chán nản, sợ hãi. Vì chán nản, 2 môn đệ người làng Emmaus đã bỏ về quê. Vì sợ hãi, các tông đồ ở Giêrusalem chẳng dám đi đâu. Ơ trong nhà cũng đóng kín cửa.

Sự sợ hãi làm cho các ông khiếp đảm đến độ khi Chúa Phục sinh hiện đến, các ông cũng chưa hoàn hồn; các ông cứ tưởng là mình gặp ma!



2. Chúa chứng minh Ngài đã sống lại thật.

Để khẳng định cho các ông biết Ngài đã sống lại, Chúa Giêsu đã cho các ông xem tay chân; thậm chí Ngài còn ăn trước mặt các ông. [Đặc biệt, theo Tin Mừng Gioan: Chúa Giêsu còn cho Tôma xem cả cạnh sườn nữa (Ga 20, 11-19; CN II-PS). Chúa làm như thế để minh chứng rằng: Đấng phục sinh chính là Đấng chịu đóng đinh. Hay nói cách khác, Đấng chịu đóng đinh nay thực sự đã sống lại. Hơn nữa, giữa lúc các tông đồ hoang mang, chán nản, Ngài ngự đến ban bình an, củng cố niềm tin cho các ông và trao cho các ông sứ mạng làm chứng cho Ngài.

Vậy làm chứng là gì?



3. Lệnh truyền và sứ mạng làm chứng cho Đấng phục sinh

a. Trước hết, làm chứng hay chứng nhân là chứng nhận một sự việc có thật mà chính mình đã nghe, đã biết hay đã thấy.

Ở tòa án, nhân chứng là người làm chứng về điều mình biết, mình nghe hay thấy liên quan đến vụ việc. Trong đời sống hằng ngày, nhất là trong đời sống đức tin, chứng nhân là người xác tín và sống điều mình tin tưởng.

Hiểu như vậy, các tông đồ vừa là những nhân chứng và cũng là những chứng nhân. Là nhân chứng vì các ngài đã đi theo Chúa, sống với Chúa, tận mắt thấy cái chết đau thương của Chúa; và nhất là các ngài được thấy Chúa PS, được tận tay sờ vào Chúa và cùng ăn uống với Chúa nữa.

Các ngài là những chứng nhân vì sau khi được thấy Chúa, được lãnh nhận lệnh truyền của Chúa, các ngài đã can đảm tuyên xưng danh Chúa trước mặt người đời. Bài đọc I, trích sách TĐCV kể lại việc Phêrô và Gioan lên tiếng tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Do thái; đồng thời các ngài kêu gọi họ hoán cải để được hưởng ơn cứu độ. Các ngài mạnh mẽ rao giảng mà không sợ hãi bất cứ một thế lực nào. Khi phải ra trước tòa án, các ngài khẳng khái trả lời một cách khôn ngoan: “Xin quí vị xét cho, phần chúng tôi, chúng tôi không thể không nói những điều mắt đã thấy, tai đã nghe, và tay đã được sờ đến”.

Không những làm chứng bằng lời nói, các ngài còn làm chứng bằng các phép lạ kèm theo như chữa người què được lành bệnh; và đặc biệt, các ngài làm chứng niềm tin bằng cả mạng sống của mình nữa.

Sau 12 tông đồ, đã có biết bao thế hệ Kitô hữu tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa Phục sinh.

b. Mỗi chúng ta hôm nay cũng phải là một chứng nhân.

“Mỗi Kitô hữu, tự bản chất, đều là một chứng nhân”. Qua phép rửa tội, mỗi người chúng ta đã được Chúa Kitô trao sứ mạng làm chứng cho Chúa. Vậy chúng ta làm chứng cho Chúa thế nào?

ĐGH Phaolô VI -trong tông huấn “Loan báo Tin Mừng” viết: “Ngày nay, người ta tin ở chứng nhân hơn là thầy dạy; và người ta chỉ tin thầy dạy khi thầy dạy cũng là chứng nhân”.

Trước khi bước vào ngàn năm thứ ba, Giáo Hội nhìn lại công cuộc truyền giáo 2000 năm qua và định hướng công cuộc truyền giáo trong thiên niên kỷ mới. Trong một cuộc hội thảo của giới trẻ thế giới về đề tài “Truyền giáo”, nhiều bạn trẻ đề nghị phải sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến như sách vở, báo chí, internet, phim ảnh hấp dẫn, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác bác ái xã hội. Một số khác đề nghị Giáo hội chống lại những bất công, bênh vực quyền sống của con người, để xây dựng xã hội trong công lý và hoà bình.

Trong lúc mọi người đang hăng hái đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da mầu giơ tay xin phát biểu: “Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở, báo chí, phim ảnh [hay internet]], chúng tôi chỉ gửi đến đó một [nhà truyền giáo] hay một gia đình công giáo đạo đức tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống [chứng nhân]Kitô giáo” (x. R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọng, tr 208).

Kính thưa quý OBACE,

Trong xã hội chúng ta, trong giáo xứ và môi trường chúng ta sống và làm việc còn rất nhiều người chưa đón nhận niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh. Chúng ta, thật may mắn và hạnh phúc vì được sống niềm tin vào Chúa Kitô; vậy:

- Trước hết, chúng ta tin Chúa Kitô PS đang hiện diện, trao ban bình an cho chúng ta để chúng ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi.

- Chúng ta hãy làm chứng Tin mừng PS bằng sống chan hòa niềm vui.

- Hơn nữa, chúng ta làm chứng bằng việc canh tân đời sống đức tin, trở nên những con người mới, từ bỏ tội lỗi, sẵn sàng lắng nghe và tuân giữ lời Chúa (như lời mời gọi của tông đồ Gioan- trong bài đọc 2); đồng thời noi gương các tông đồ can đảm loan báo cho mọi người Tin mừng Chúa phục sinh dù gặp khó khăn, thử thách, bách hại.

Ước gì chúng ta sống chứng nhân niềm tin; ngõ hầu -qua chúng ta- nhiều người đón nhận tin mừng Phục sinh của Chúa và cùng hưởng hạnh phúc cứu độ. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger