Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Bài giảng Chúa Nhậ 3 Thường niên (Văn Hương)

Chủ đề : Đức Kitô – Đấng được Thánh Thần xức dầu.

Luca : 1,1-4 ; 4,14-21.

------------------------------------------------------------------------------------------------

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Nội dung chính của Trích đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe là những lời Chúa Giêsu nói về sứ mệnh của Ngài tại Hội đường ở Nazareth. Qua đó cho thấy, Chúa Giêsu là Massia mà các tiên tri loan báo và Israel đang mong đợi. Ngài là Đấng được Thánh Thần xức dầu để “rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn thống hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và khen thưởng”(Lc 4,18-19).

Theo tiếng Do thái và Aram thì chữ Massia hay chữ Kitô chuyển dịch từ Hy ngữ, đều có nghĩa “được xức dầu”. Cựu ước sử dụng chỉ những người được thánh hiến để thi hành chức vụ đại diện Giavê nơi dân Israel. Sách Samuel quyển thứ nhất và thứ hai ghi lại sự kiện Saul và Đavit được xức dầu tấn phong làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Đức Chúa (x.1 Sm 9,26-10,1-8 ; x. 1 Sm 16,1-13 ; 2 Sm 2,1-4 ; 2 Sm 5,1-5). Việc này cũng được thực hiện với Salomon cũng như những người thuộc dòng dõi ông lên nắm quyền hành (x. 1 V 1,39 ; 2 V 11,12 ; 23,30). Và sách Thánh vịnh thì cho rằng Đấng Massia đế vương là nghĩa tử của Thiên Chúa : “Người phán bảo tôi rằng : Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”(Tv 2,7 ; x. 2 Sm 7,14) cho nên “Chúa hằng ưu ái Đấng Người đã xức dầu tấn phong”(Tv 18,51), đồng thời bảo vệ và ban cho “một dòng dõi hùng cường” (x. Tv 132,17). Tuy nhiên, Kinh Thánh không dùng chữ Massia hay “được xức dầu” để chỉ riêng các bậc đế vương. Sách Các Vua quyển thứ nhất nói đến việc Thiên Chúa truyền cho ông Êlia xức dầu cho Êlisê làm tiên tri thay mình (x.1V 19,16), và cũng sách này, trong quyển thứ hai, cho thấy nghĩa rộng hiểu theo ẩn dụ của chữ Massia, qua sự kiện Êlia di chúc lại cho Êlisê hai phần thần khí (x. 2V 2,9). Vấn đề này được Isaia làm sáng tỏ, khi ông nhắc lại sứ mạng đã nhận được từ Thiên Chúa, ông nói : “Thần khí của Đức Chúa là Chúa thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi”(Is 60,1). Như thế, Thần khí được ban ai cho qua việc xức dầu là để họ thi hành một sứ mệnh nào đó theo ý Thiên Chúa. Cyrô được Thiên Chúa sai đến giải phóng Israel khỏi tay Babylon được gọi là Đấng được xức dầu của Giavê (x. Is 45,1), cũng vậy, các Tư tế được xức dầu để thực hiện công việc thiêng thánh trong đền thờ. Đây là lệnh của Thiên Chúa, được ghi trong sách Xuất hành ở phần chỉ thị về việc dựng nơi thánh và về các tư tế (x. Xh 25,1-31,1-18), mà Thánh vịnh diễn tả như sau : “như dầu quý đổ trên đầu, xuống râu xuống cổ áo chầu Aharon”(Tv 132,2). Tóm lại, từ những ý nghĩa của chữ Massia, chúng ta có thể kết luận : Sau khi Chúa Giêsu đọc xong trích đoạn lời Chúa trong sách Isaia, Ngài nói với dân chúng : “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”(Lc 4,41), là một mặc khải trọng đại mà thánh Tông đồ Phêrô khi giảng tại nhà ông Cornêliô đã xác quyết : “Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”(Cv 10,38). Như thế, Chúa Giêsu là Vua, là tiên tri, là tư tế. Và những tước hiệu này được làm sáng tỏ dưới ánh sáng Phục sinh : Chúng ta thấy Chúa Giêsu xuất hiện như con vua Đavit (x. Mt 1,1 ; Lc 1,27 ; Rm 1,3 ; Cv 2,29t ; 13,23), được nhận lãnh ngôi báu của tổ phụ (Lc 1,35), và khi chu toàn sứ mệnh người tôi trung đau khổ của Giavê như một tiên tri bị bách hại, Ngài đã hoàn tất vương quyền Israel bằng việc thiết lập vương quốc Thiên Chúa trên trần gian. Qua cuộc khổ nạn thập giá, Chúa Giêsu được Thiên Chúa tôn xưng : “Muôn thuở, Con là Thượng tế theo phẩm trật Melkiseđek”(Dt 5,10), vì như lời kinh thánh chép : “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác : mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân ; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ”(Dt 7,27). Và khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu được cất nhắc lên ngôi báu với vinh quang của vị hoàng đế vượt trên mọi thứ vinh quang nhân loại. Bởi đó, thánh Phaolô nói : “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là Chúa”(Pl 2,10-11).

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được gọi là Kitô hữu, tức là người được xức dầu thánh hiến cho Thiên Chúa để làm công việc của Ngài như Chúa Giêsu Kitô. Như thế, chúng ta là những người được sai đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân, được mời gọi sống như lời Chúa Giêsu phán : “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), đồng thời biến đời mình nên của lễ dâng cho Thiên Chúa và thái độ tham dự thánh lễ của chúng ta sẽ cho thấy giá trị của lễ chúng ta dâng.

Xin Chúa giúp chúng ta sống xứng đáng với danh Kitô Hữu. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger