Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Bài giảng: Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa (Văn Hương)

Chủ đề : Bước xuống nước với Chúa Giêsu để bước lên với Người.

Luca : 1,15-16. 21-22.

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Chúa Giêsu là Đấng Mêssia của Israel, là Con Thiên Chúa. Đây là điều thánh Luca muốn chúng ta nhận biết khi ngài thuật lại những sự việc xẩy ra trước và sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, mà trọng tâm là cuộc thần hiện : Chúa Giêsu đang cầu nguyện, thì trời mở ra, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán : "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

Qua Cựu ước chúng ta thấy có hai đường hướng tiên tri khi loan báo ơn cứu độ, sự giải thoát của Thiên Chúa : Một bên căn cứ vào sự mong đợi Đấng Mêssia, còn bên kia nói đến một Thần Khí mới. Và trích đoạn lời Chúa chúng ta vừa nghe khẳng định Chúa Giêsu là người thực hiện những lời tiên báo này. Khi chịu phép rửa của Gioan tẩy giả tại sông Giođan, Chúa Giêsu tự đặt mình vào hàng ngũ tội nhân, tức là Chúa Giêsu chấp nhận và khởi đầu sứ mạng làm người tôi trung của Giavê mà Isaia đã phác hoạ qua bốn bài ca (x. Is 42,1-9 ; 49,1-7 ; 50,2-11 ; 52,13-15). Những bài ca này báo trước ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và cách Người đổ tràn đầy Thần Khí cho muôn người được sống. Không phải từ bên ngoài, nhưng bằng cách mà thánh Phaolô nói trong thư gửi Philipphê : "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế"(Pl 2,6-7). Nghĩa là Chúa Giêsu mang lấy cái chết của chúng ta để thông truyền cho chúng ta Thánh Thần ban sự sống. Như thế, cuộc thần hiện không chỉ là một mặc khải, khẳng định thiên tính của Chúa Giêsu, nhưng còn cho thấy sự vâng phục thánh ý Chúa Cha của Chúa Giêsu. Người bằng lòng chịu phép rửa bằng máu để nhân loại được tha thứ tội lỗi. Chính vì thế, Thánh Thần ngự xuống trên Người và Chúa Cha bày tỏ sự hài lòng. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 536 nói lên ý nghĩa của biến cố này như sau : "Chúa Giêsu sẽ là nguồn mạch Thánh Thần cho toàn thể nhân loại. Lúc Người chịu phép rửa, các tầng trời mà tội Ađam đóng lại, nay được mở ra (Mt 3,16), và dòng nước được thánh hoá do việc của Đức Giêsu và Thánh Thần ngự xuống báo hiệu cuộc sáng tạo mới". Thiết nghĩ, chúng ta – những người nhờ Bí tích Thánh tẩy – được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng đã tiền dự cái chết và sự phục sinh của mình ngay trong phép rửa. Do đó, Giáo hội mời gọi chúng ta "cũng phải dấn thân vào mầu nhiện tự hạ và hoán cải này, bước xuống nước với Chúa Giêsu để bước lên với Người" (GLHTCG s.537) ngõ hầu nên như lời Kinh Thánh chép : "Vì được dìm vào trong cái chết của Chúa Giêsu (bv. Người), chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới"(Rm 6,4), mà nguyên lý của đời sống này được trình bày trong thư Côlôsê ở chương ba : Kết hợp với Đức Kitô Phục sinh bằng đời sống tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, chứ không chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Và thư Êphêsô đưa ra những lời khuyên giúp chúng ta chu toàn đời sống mới trong Đức Kitô như sau : "Anh em hãy nói sự thật với người lân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau. Anh em nổi nóng ư ? đừng phạm tội : chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng. Ai quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa, trái lại hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia sẻ với người túng thiếu. Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe… Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, móng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô… hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta… Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh. Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả : đó là những điều không nên ; trái lại phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn… Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí…trong mọi hoàn cảnh hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha"(Ep 4,25-29.31-5,2.3-4.18.20)

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta xin Chúa cho mỗi người chúng ta có tinh thần như Gioan và Giacôbê năm xưa, sẵn sàng "thưa được" trước câu hỏi của Chúa Giêsu : "Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?"(Mc 10,38). Tức là thông phần vào cuộc khổ nạn phục sinh của Chúa Giêsu bằng đời sống theo giáo huấn của Tin mừng. Amen.

Văn Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger