THAM GIA VỤ ÁN GIẾT CHÚA
Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Lc 22, 14-23,56
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Kính thưa quý OBACE!
Hôm nay, cùng toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào tuần thánh với thánh lễ làm phép lá.
Tham dự thánh lễ hôm nay, xin cho chúng ta không chỉ cầm cành lá trên tay chúc tụng Chúa trong giây lát; nhưng còn biết trung thành bước theo Chúa đến cùng; để nhờ đã trung thành bước theo Chúa trên hành trình thập giá, chúng ta cũng sẽ được Chúa cho hưởng phục sinh vinh quang.
II. GIẢNG
Kính thưa quý OBACE,
Mỗi năm, vào ngày Lễ Lá, khi lắng nghe Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu chịu chết, hầu hết chúng ta -nhất là các bạn trẻ- đều cho rằng bài đọc quá dài, quá ngán ngẩm. Nghĩ như thế, bởi vì chúng ta coi vụ án Chúa Giêsu là vụ án của người Do thái, là vụ án của quá khứ đã xảy ra cách đây 2000 năm và không liên hệ mật thiết với mỗi chúng ta.
Để có thể thấy được mối liên hệ giữa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu ngày xưa và cuộc sống chúng ta hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại bức tranh của họa sĩ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17; đó là bức tranh "ba thập giá".
Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai tên trộm, thập giá của Chúa Giêsu trổi vượt như ngút lên trời cao. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù, oán ghét… Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn nhận ra rằng đó chính là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt (tác giả của bức tranh).
Tại sao giữa đám đông của những kẻ đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình?
Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra để giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng: chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Đức Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói rằng, mọi người đều dự phần vào việc đóng đinh Đức Giêsu.
Kính thưa quý OBACE,
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Đức Giêsu trên thập giá cách đây 2000 năm là hành động tội ác của giới lãnh đạo Do Thái, của Philato, của người Rôma; và của cả đám đông dân chúng kích động hò la.
Tuy nhiên, dưới cái nhìn đức tin, thì cái chết của Đức Kitô trên thập giá liên hệ tới cả nhân loại và đặc biệt với mỗi chúng ta hôm nay; như trong kinh tin kính, chúng ta vẫn tuyên xưng: "Vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…chịu khổ hình, chịu chết vào thời quan Phonxiô Philatô"
Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa, ta thấy mình chẳng phải là kẻ đứng ngoài cuộc.
Có thể chúng ta thấy mình có nét giống với Giuđa, một người được Đức Giêsu chọn làm môn đệ, được tin tưởng nhưng đã từng bán Thầy với giá rẻ mạt!
Ta thấy mình có nét giống Phêrô; tự hào về tình yêu và lòng trung thành của mình đối với Thầy để rồi trong một buổi tối đã chối Thầy 3 lần!
Ta thấy mình có nét giống Philatô: sợ dân nổi loạn, sợ mất chức. Vì bị áp lực mà ra quyết định bất công trái với lương tâm của mình.
Ta cũng thấy mình có nét giống Hêrôđê: tò mò, háo hức, chờ Đức Giêsu làm phép lạ. Nhưng ông mau chóng thất vọng khi thấy Ngài lặng thinh. Ông buồn vì không gặp một Giêsu như ông mong ước.
Ta có thể bắt gặp chính mình nơi các thượng tế, luật sĩ và biệt phái; những con người tự cho mình là công chính; đã manh tâm xách động dân chúng và gây áp lực khiến Philato kết án Con Thiên Chúa làm Người.
Ta cũng có thể là ai đó trong đám đông - ngày hôm trước cầm nhành lá tung hô, chúc tụng 'vạn tuế con vua David' để rồi hôm sau lại hò hét, đòi đóng đinh kẻ mình tôn vinh chúc tụng.
Ta có thể là ai đó hòa lẫn trong đám đông kẻ qua người lại, thờ ơ một cách nhẫn tâm trước cơn hấp hối của Chúa; hoặc như những binh lính Roma hả hê buông lời thách thức, chế nhạo.
Nhưng cũng có thể, chúng ta là một Simon vác đỡ thánh giá Chúa trên đường; hay là một trong những môn đệ trung thành đứng dưới chân thập giá. Hay như anh trộm lành đã lên tiếng bênh vực Chúa, nài xin Chúa và được cứu độ vào giờ phút cuối cùng.
Và sau cùng, chúng ta cũng có thể là Giuse Arimathia - người đã can đảm xin nhà cầm quyền được 'nhổ đinh', táng xác Chúa.
Đâu là khuôn mặt của chúng ta trên hành trình thập giá của Đức Giêsu Con Thiên Chúa?
Ước gì chúng ta hồi tâm để nhận ra khuôn mặt thật của mình trong vụ án đóng đinh Chúa. Để chúng ta đừng thất vọng như Giuda; đừng vô tâm như những người lính Roma và Philato; đừng cứng cỏi, chai đá như các thượng tế; đừng thay đổi theo thời thế như đám đông Do thái năm xưa…
Xin cho chúng ta như Mẹ Maria trung thành theo chân Chúa và đứng dưới cây thập giá; hoặc như Phêrô, biết tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa để sám hối ăn năn; hoặc ít là như anh trộm lành nài xin Chúa tha thứ trong giờ phút hấp hối…
Để với tất cả lòng xác tín vào ơn cứu độ của mầu nhiệm thập giá, chúng ta cầm nhành lá trên tay, đồng hành cùng Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ - đường đau khổ và kết thúc là sự chết nhưng cũng là đường duy nhất dẫn chúng ta vào vinh quang phục sinh. Amen.