Chủ đề : Sám hối với sự tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Luca : 13,1-9
----------------------------------------------------------------------------------------
"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy" (Lc 13,3.5).
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Những lời này Chúa Giêsu đã nói cách đây hơn hai ngàn năm với những kẻ thông báo cho Ngài biết sự kiện Philatô tàn sát những người Galilêa đang dâng của lễ nơi đền thờ, và biến cố thác Siloe sụp đổ làm chết nhiều người. Và hôm nay cũng nói với chúng ta. Đây không chỉ là lời mời gọi sám hối mang tính cảnh cáo, răn đe, nhưng sẽ trở nên hiện thực nếu chúng ta cố chấp không bỏ đường tà mà trở về chính lộ.
Thánh kinh nói đến nguyên nhân xảy ra Đại Hồng Thuỷ như sau : "Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu"(St 6,5). Chẳng khác gì lời Thánh Vịnh 14 câu 3 : "Người người đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi, chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không"(Tv 14,3). Bởi đó, Sách Sáng Thế nói : "Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng"(St 6,6). Điều này cho thấy Thiên Chúa không dửng dưng trước sự ngoan cố phạm tội, đứng ỳ trên nẻo đường bất hảo của nhân loại. Cũng vì lý do này, thành Sôđôm và Gomora bị phá huỷ bởi lửa và diêm sinh từ trời (x.St 19,1-29), mà cuộc đối thoại giữa Đức Chúa và Abraham cho biết không thể tìm được mười người công chính trong thành, để nhờ đó Đức Chúa tha phạt (x. St 18, 16-33). Đây là những hình phạt có thể nói là nhãn tiền được Thánh kinh ghi lại, nhưng không phải để đề cao một Thiên Chúa thích giáng hoạ trên con người, mà là nhắm đến sự công bằng, đồng thời diễn tả nỗi lòng của Thiên Chúa trước người công chính và kẻ bất lương. Và bằng chứng không chỉ tìm thấy qua việc gia đình ông Noe được cứu thoát khỏi nạn hồng thuỷ, và gia đình ông Lót cũng vậy, được đưa ra khỏi Sôđôm trước khi thành này bị thiêu rụi, nhưng còn thể hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Qua Thánh kinh, chúng ta dễ dàng nhận biết một Thiên Chúa từ bi, giàu lòng thương xót. Và chúng ta có thể chưng dẫn ra đây trường hợp Ninivê : Thiên Chúa loan báo lệnh trừng phạt, thiêu huỷ Ninivê, nhưng Người đã chấp nhận mất uy tín vì nói mà không làm, do dân thành ăn năn sám hối (x. Giôna 3,1-10). Tương tự như vậy, lịch sử Do thái xác tín với chúng ta kinh nghiệm về một Thiên Chúa giải thoát trước sự hoán cải của con người. Cụ thể là sau khi vuơng quốc Israel ở phía bắc rơi vào tay Assur, thì đến lượt Giêrusalem, thuộc vương quốc Giuđa ở miền nam bị bao vây, và trong lúc cận kề với sự khánh tận, thì quân Assur tự động rút lui, và Giêrusalem được giải thoát một cách lạ thường. Sự kiện này được giải thích là do Giuđa sống theo lời kêu gọi của Isaia, quay trở về với Thiên Chúa, phó thác tất cả cho sự trung tín của Ngài. Như thế, Thiên Chúa không hề, và không bao giờ muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó biết ăn năn, từ bỏ tội lỗi để được sống. Bởi đó, lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu trong Tin mừng chúng ta vừa nghe, tuy có phần gay gắt nhưng mở ra hy vọng cho những ai lầm lỗi biết làm lại cuộc đời, đồng thời chỉnh lại quan niệm của chúng ta về hình phạt của Thiên Chúa. Không thể tin vào Thiên Chúa mà không tin có công lý, và công lý của Thiên Chúa thì vượt trên công lý của con người rất xa, bởi được đặt trên nền tảng là tình yêu, nên từ những gì con người cho là xấu, là bất hạnh, Thiên Chúa sẽ rút ra những điều tốt cho những ai tín thác đời mình cho Ngài. Do đó, những gì được chúng ta cho là hình phạt của Thiên Chúa thì thực ra, chỉ là những dấu hiệu mang tính giáo dục, giúp chúng ta ý thức về tội lỗi. Vì thế, không thể nói rằng những người chết bởi Philatô giết, và do thác Siloe sập, tội lỗi hơn những người khác ở Palestin thời Chúa Giêsu, hay những nạn nhân trong vụ động đất tại Haiti và Chile vừa qua, tội lỗi hơn những người còn lại trên thế giới. Cho nên, vấn đề được đặt ra là chúng ta sẽ làm gì trước những dấu chỉ đó : tiếp tục sống như không có gì xẩy ra, hay sám hối bằng việc hồi tâm, nhìn lại mình để sửa đổi đời sống.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ những dấu hiệu nhằm thức tỉnh lương tâm đang hoá ra chai đá của con người, vì mất dần ý thức về tội lỗi. Ví dụ : người ta coi việc sống chung trước hôn nhân là chuyện bình thường. Phá thai và ngừa thai là quyền của mỗi người, cư xử với nhau theo kiểu xã hội đen nhưng không hề áy náy lương tâm… vv. Đây là điều có lẽ chúng ta cũng đang bị lây nhiễm. Bởi đó, phải coi chừng, kẻo chúng ta trở thành những cây vả không sinh hoa trái trong dụ ngôn. Vì, từ khi lãnh Bí tích rửa tội, chúng ta đã không ngừng được chủ vườn trên trời săn sóc : được giáo dục theo Kitô giáo, được vô số ân sủng trong các nhiệm tích, được Chúa Thánh Thần luôn thúc đẩy, hướng dẫn… mà lại sống không đúng với giáo huấn của Tin mừng làm mất thanh danh Kitô giáo thì không chỉ đáng buồn, nhưng còn phải vào lửa đời đời nữa.
Ước gì, nhờ sứ điệp lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta biết lợi dụng tất cả những gì xảy đến để hoán cải không ngừng. Tạ ơn Chúa khi gặp những biến cố may mắn, cũng như xin cho tâm hồn bình an và biết tùng phục ý Chúa khi gặp các biến cố được cho là xấu, là xui xẻo. Có như thế thì lời Kinh thánh sau đây sẽ nên trọn nơi chúng ta: "Mọi sự đều góp phần sinh ích lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa" (Rm 8,28). Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét