Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Bài giảng Chúa Nhật XXVII Thường Niên (Lễ Mân Côi) (Văn Hương)

Chủ Đề : SỐNG LỜI KINH MÂN CÔI.
Luca 1,26-38.
----------------------------------------------------------------------------------------
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, Giáo hội chọn đọc cho chúng ta nghe trích đoạn lời Chúa trong Tin mừng thánh Luca, thuật lại biến cố truyền tin, và với hai tiếng “xin vâng” của Đức Maria, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Qua đó, nhắc lại truyền thống của Hội thánh được thể hiện nơi các vị Giáo hoàng khi nói rằng Chuỗi Mân Côi là bản tóm lược toàn bộ Phúc âm, với trọng tâm là mầu nhiệp “Nhập thể Cứu chuộc”, trong đó “lặp đi lặp lại lời ngợi khen Chúa Kitô”(MC 46).
Khi đọc kinh Kính mừng, chúng ta thấy vang vọng lời sứ Thần Gabriel chào Đức Maria : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”(LC 1,28). Lời chào này gợi lên một số sự kiện trong Cựu ước loan báo về Đấng Cứu Thế và sự hiện diện của Ngài nơi dân tộc, nơi những kẻ được tuyển chọn. Và đây là dẫn chứng tiêu biểu : Tiên tri Xôphônya tuyên sấm cho những người Israel còn sót lại về ngày Đức Chúa thực hiện lời hứa với các tổ phụ đã và đang đến gần : “Hãy reo lên vui mừng, hỡi Nữ Tử Sion ! Hãy ca hát mừng vui, hỡi Israel…Thiên Chúa, Chúa ngươi đang ngự giữa ngươi là Đấng Cứu Độ uy quyền”(Xp 3,14-17). Như thế, việc Đức Maria được chào kính một cách trân trọng không chỉ nói lên sự ưu ái vững bền mà Thiên Chúa dành cho Mẹ, nhưng còn cho thấy Mẹ là hiện thân của dân tộc được Thiên Chúa ưu tuyển và yêu thương, mà dấu chỉ để nhận biết, đó là Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Bởi đó, chúng ta mới lý giải được tại sao Mẹ đã chu toàn một cách xuất sắc sứ mệnh được trao Phó, một sứ mệnh vượt quá mọi khả năng nhân loại, và chính Mẹ cũng nhận biết như vậy : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”(Lc 1, 34). Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến Môisê, khi ông lo lắng vì trách nhiệm được giao thì Thiên Chúa đã phán với ông : “Ta sẽ ở với ngươi”, hoặc như tiên tri Giêrêmia khiếp sợ khi được sai đi nói lời Giavê, đã tìm cách chối quanh : “A ha ! Lạy Đức Chúa, này tôi đâu biết nói, vì tôi chỉ là một đứa trẻ !”, nhưng Giavê phán bảo : “Đừng nói! tôi chỉ là một đứa trẻ ! Vì hễ Ta sai ngươi đến với ai, ngươi sẽ đi…Trước mặt chúng, ngươi đừng sợ, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”(Gr 1,6.7a.8). Thiết nghĩ, chúng ta cũng có thể làm được những việc trọng đại, nếu chúng ta chấp nhận để cho Chúa ở trong cuộc đời của mình như Mẹ Maria. Mặc dù cuộc sống hiện tại của chúng ta bị chi phối rất nhiều bởi của ăn, của để, bởi những nhu cầu giải trí, vui chơi… nói chung bởi xu hướng của thời đại, đồng thời chúng ta có khuynh hướng thâu tóm tất cả về mình, nên nhiều khi chúng ta nai lưng với công việc thế gian và bỏ quên công việc của Thiên Chúa. Chúng ta chạy theo tiếng gọi của trần thế và làm ngơ trước tiếng gọi từ trời cao. Tuy nhiên, “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”(Lc 1,37), do đó, chỉ cần chúng ta thành tâm và cố gắng, Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì còn lại. Và để được như vậy, chúng ta hãy học nơi Đức Maria sống tuân theo ý Chúa, mà kinh Mân Côi là phương thế giúp chúng ta thực hiện. Vì như các vị Giáo hoàng của Giáo hội đã từng trải nghiệm và khẳng định : Kinh Mân Côi được quần chúng bình dân yêu thích, là phương thế vun trồng đức tin, là lời cầu nguyện khiêm nhượng, và có một sức mạnh truyền giáo mãnh liệt, cũng như đề cao vai trò của Mẹ Maria, đồng thời như lời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói : “Chúng ta gửi gấm trong những trục kinh mân côi này tất cả những gì làm nên cuộc sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo hội và nhân loại. Những chục kinh chất chứa những vấn đề cá nhân, xóm ngõ và đặc biệt là những người thân yêu nhất của chúng ta. Như thế trong lời kinh Mân Côi đơn sơ có mang nhịp sống của nhân loại”
Kinh thưa quý ông bà và anh chị em,
Giáo hội vẫn luôn coi kinh Mân Côi là lời cầu nguyện và kho báu của mình. Mười hai vị Giáo hoàng gần đây đều nồng nhiệt cổ vũ phép lần hạt Mân Côi và tập tục dành riêng tháng 10 để đọc kinh này. Trong tông huấn về Lòng Tôn Sùng Đức Maria của cố Giáo hoàng Phaolô VI, ban hành ngày 2 tháng 2 năm 1974 quả quyết : “Nếu lần Chuỗi Mân Côi cách thư thả, trầm tưởng thì sẽ là một lời kinh chiêm ngắm, suy niệm về những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô qua tâm hồn của Đấng ở gần Chúa hơn hết, và như vậy mới khám phá ra những kho tàng vô tận của phép lần hạt”(MC 47). Ước gì những lợi ích của việc suy ngắm các mầu nhiệm cứu độ mà chúng ta chiêm ngưỡng khi đọc kinh Mân Côi được thánh Bênađô nói sau đây sẽ giúp chúng ta sống đạo một cách hiệu quả : “Ngôi Lời đã làm người, và cư ngụ giữa chúng ta. Người chắc chắn cư ngụ trong tâm hồn chúng ta bằng đức tin, Người cư ngụ trong trí nhớ của chúng ta, trong tư tưởng chúng ta, và Người ngự xuống tận trong trí tưởng tượng của chúng ta… Thiên Chúa, Đấng chúng ta không thể hiểu nổi và không thể đến được, nay đã muốn cho loài người có thể hiểu được Ngài, cho loài người có thể thấy được Ngài, cho loài người có thể nắm bắt được Ngài nhờ tư tưởng. Bạn tự hỏi : Bằng cách nào ? Chắc chắn bằng việc ngài nằm trong máng cỏ, đặt mình trong lòng đức Trinh Nữ, giảng trên núi, cầu nguyện thâu đêm; cũng như chịu đóng đinh trên thập giá… và cuối cùng bằng việc sống lại ngày thứ ba, và cho các Tông đồ xem các dấu đinh của mình… Suy ngắm những biến cố này là chính sự khôn ngoan, và tôi cho rằng trí thông minh đích thực hệ tại việc gợi nhớ lại sự dịu dàng của những biến cố ấy… sự dịu dàng mà Đức Maria đã kín múc dồi dào từ trên trời, để đổ xuống cho chúng ta.”
Xin Chúa cho chúng ta qua kinh Mân Côi nhận biết Con Chúa nhập thể. Nhờ cuộc khổ nạn và thập giá của Người, và nhờ Đức Mẹ trợ giúp, xin Chúa dẫn chúng ta đạt tới vinh quang phục sinh”. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger