Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Bài giảng Chúa nhật XXII thường niên A (Van Huong)

Chủ Đề : TÌNH YÊU : DẤU CHỈ SỰ TỪ BỎ.
Matthêô : 16,21 -27.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Ngày nay, chúng ta thấy các trường đại học, cao đẳng, những trung tâm dạy nghề đều chiêu sinh bằng hình thức quảng cáo với những lời lẽ hết sức thuyết phục như : đội ngũ giáo viên ưu tú - dạy giỏi, học viên tốt nghiệp được giới thiệu việc làm, hoặc chỉ với thời gian ngắn, bạn có một ngành nghề trong tay…, còn bài Tin mừng chúng ta vừa nghe cho thấy, cách thức chiêu sinh của Chúa Giêsu có vẻ dị thường : “Ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy”(16,24).
Như thế, Chúa Giêsu đòi hỏi nơi những kẻ chọn Ngài làm gia nghiệp điều trái ngược với tâm thức của con người thế gian. Và chúng ta chỉ có thể trở nên môn đệ thực thụ của Chúa Giêsu khi chúng ta có một tình yêu chân thật. Quả vậy, yêu là sẵn sàng hy sinh sự sống bản thân vì người khác như Chúa Giêsu đã thí mạng vì chúng ta. Tình yêu chỉ ở trong những ai biết rung động trước sự túng thiếu của đồng loại. Bởi đó, Thánh Gioan tông đồ nói : “Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết : không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó”(1Ga 3, 14b-15). Thiết nghĩ, trong đời sống thường nhật của người Kitô giáo chúng ta, tình yêu phải được tỏ lộ qua sự trung tín trong đời sống gia đình : là cha, là mẹ, là con cái trong gia đình, ngày hôm nay chúng ta có thật lòng sống để hiến mạng sống mình cho gia đình nho nhỏ của chúng ta hay không ? Chúng ta có dám dẹp bỏ cái tự ái, cái tôi của chúng ta để chúng ta xây dựng hạnh phúc gia đình hay không ? Hay là chúng ta cứ khư khư giữ lấy cái ích kỷ, những suy nghĩ thiển cận của chúng ta để chúng ta phá vỡ hạnh phúc gia đình, phá vỡ hạnh phúc của “nước trời” trong trần gian này ? Hiến ḿnh cho Chúa, hiến ḿnh cho ơn cứu độ, hiến ḿnh cho nhau là cử chỉ rất đẹp, cử chỉ tuyệt vời nhất mà con người dành cho Chúa, cho anh chị em đồng loại. Cử chỉ đó được Thánh Phaolô nhắc cộng đoàn Rôma cũng như nhắc mỗi người chúng ta : “Thưa anh em, v́ Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hăy hiến dâng thân ḿnh làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp ḷng Thiên Chúa” (Rm 12,1a). Ngài c̣n kết luận một cách xác tín : Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người (Rm 1,1b). Như thế, cách thờ phượng xứng hợp mà Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta đó là hiến dâng thân ḿnh chúng ta cho Thiên Chúa qua việc phục vụ anh chị em đồng loại của ḿnh. Bởi đó, hăy giữ vững ý thức chia sẻ như Chúa dạy, khi xu hướng của thời đại kích thích sự tích lũy và tiêu xài cho bản thân, đồng thời giữ sự lương thiện trong lời nói cũng như việc làm. Được như thế, chúng ta mới có thể nói như thánh Phanxicô khó khăn về kinh nghiệm của lời Chúa Giêsu : “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống”(16, 25).
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúng ta luôn có phản ứng như Phêrô khi phải chạm trán với thập giá, cô đơn, nghèo khổ, đau ốm, bấp bênh tương lai, mất người thân thuộc, bất lực chữa trị tật xấu, tất cả hầu như không thể chấp nhận đối với chúng ta. Thế nhưng, chính đó là cái Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta vác lấy để đi theo Người. Vì thiếu đức tin nên chúng ta thường phẫn uất, bất bình khi gặp thử thách. Như Phêrô, chúng ta không thực sự tin Thiên Chúa thừa quyền năng để làm phát sinh sự sống từ cái chết, thừa nhân hậu để từ chính thập giá làm phát xuất niềm vui. Tuy nhiên, chính hôm trước ngày tử nạn, Chúa Giêsu đã nói đến niềm vui của Ngài, lúc mà quân lính rình chực Ngài để bắt lấy. “Kẻ nào mất sự sống mình sẽ tìm được lại”. Đây là mầu nhiệm vĩ đại, mầu nhiệm mà các thánh đã từng kinh nghiệm trong cuộc đời chịu đóng đinh của họ, đó là niềm vui bất khả phân ly với thập giá. Thật vậy, nếu được chấp nhận vì tình yêu, thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng. Điều này không ngừng bị sự khôn ngoan trần gian phản đối, vì trần gian chỉ rêu rao sự tiện nghi và việc chạy theo khoái lạc : luôn hứa ban hạnh phúc nhưng bao giờ cũng chỉ đem đến thất vọng ê chề. Trần gian là kẻ thù không đội trời chung của thập giá. Và chính khi quay lưng với thập giá là trần gian quay lưng với niềm vui, với sự sống đích thực. Trần gian không biết và mãi mãi sẽ không biết rằng niềm vui và đau khổ có thể hòa hợp với nhau khi có sự hiện diện biến đổi của tình yêu. Xin Chúa cho chúng ta ý thức chúng ta sống trên đời này để làm theo ý Chúa, để chúng ta biết từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Chúa. Amen

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Bài giảng Chúa nhật XXII thường niên A (Joskieu)

THEO CHÚA : ĐƯỢC VÀ MẤT
Có câu chuyện kể như sau:
Một cô gái sống cô đơn trong căn nhà gỗ cạnh khu rừng. Một hôm, giữa lúc dạo chơi, cô bỗng thấy hai chú chim non mất mẹ đang thoi thóp trong tổ trên một bụi cây. Cô vội đem về nuôi trong một cái lồng rất đẹp. Tình thương của cô đã làm cho hai chú chim non lớn rất nhanh. Mỗi sáng chúng cất tiếng líu lo chào đón cô. Một ngày kia, cô sơ ý để một chú chim sổ lồng, nên cô vội chộp lấy nó, Cô sung sướng giữ chặt nó trong tay. Nhưng khi nới lỏng tay ra cô mới bàng hoàng thấy con chim đã khép mắt lìa đời.
Cô thẫn thờ nhìn con chim còn lại trong lồng. Có lẽ nó cần được tự do bay vút lên bầu trời trong xanh. Cô tiến đến chiếc lồng và nhẹ nhàng tung chú chim lên cao. Nó lượn trên vai cô, hót vang những giai điệu thánh thót mà cô chưa một lần được thưởng thức trong đời.
Qua tiếng hót diệu kỳ ấy, cô chợt hiểu rằng cách nhanh nhất để đánh mất tình yêu là khi ta nắm chặt nó lại. Trái lại, để giữ mãi tình yêu thì chúng ta cần phải biết trao ban tình yêu cho người khác.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta : “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được mạng sống ấy”. Cần phải mất đi để được lại.
Người Kitô hữu chỉ thực sự hạnh phúc khi dám mất đi cái tạm thời để được lại cái vĩnh hằng, dám mất đi cái mau qua để được lại cái vững bền mãi mãi.
Người Kitô hữu chỉ thực sự khôn ngoan khi sẵn lòng mất đi của cải đời này, để được lại gia tài vĩnh cửu, mất đi sự sống hay chết để được lại sự sống đời đời.
Thực tế, không phải dễ dàng từ bỏ những cái mình thân thiết, yêu quí nhất; không phải dễ dàng bỏ đi những đam mê, thú vui trần gian.
Chúng ta cần phải khôn ngoan, sáng suốt để nhận ra cái được, cái mất, để khỏi phải hối tiếc khi đã quá muộn. Chúa Giêsu đã đề nghị chúng ta : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Đây là một đòi hỏi hết sức nghiêm túc, gắt gao; không phải muốn làm hay không làm. Vì ngay sau đó, Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Người (Chúa Cha) sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.
Con đường theo Chúa là con đường hẹp, con đường thập giá và đau khổ. Ngay sau khi Chúa loan báo lần đầu về cái chết của Chúa, Chúa cũng nói cho các môn đệ biết rõ về số phận của các ông khi bước theo Chúa, đó là phải đau khổ và phải chết như Chúa.
Các môn đệ được mời gọi chia sẻ cùng một thân phận với Thầy, đó là phải đi qua con đường hẹp, con đường của khổ đau và cái chết. Nhưng cuối cùng con đường ấy sẽ dẫn đến vinh quang phục sinh (Mt 16, 21). Vinh quang ấy chỉ mua được bằng khổ đau và cái chết tự nguyện. Như thế điều kiện để giữ được sự sống đời sau là dám hy sinh, dám mất sự sống đời này. Đây là một thách đố của đức tin, vì nếu không thực sự tin vào đời sau, thì chẳng ai có can đảm liều mất mạng sống mình.
Cuộc đời này có nhiều điều tốt đẹp, có nhiều giá trị đáng trân trọng. Nhưng đôi khi chúng ta cũng phải hy sinh nó cho những giá trị lớn hơn, cho Đấng là nguồn mọi sự.
Nhiều tôn giáo cũng dạy phải từ bỏ. Trong Kitô giáo, Chúa Giêsu mời gọi những ai muốn bước theo Ngài phải từ bỏ chính mình. Đây là một đòi hỏi quyết liệt, vì từ bỏ tất cả mà chưa từ bỏ chính mình, thì chưa bỏ gì cả. Không phải vì bản thân mỗi người là xấu xa, đáng ghét, nên Chúa dạy phải từ bỏ; nhưng vì chúng ta chỉ là thụ tạo nhỏ bé trước mặt Đấng Tạo Hóa đã dựng nên. Từ bỏ chính mình là đặt mình ở dưới Thiên Chúa, không coi mình là trung tâm, và để cái tôi của mình trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài.
Chúa Giêsu đã sống từ bỏ mình như vậy trong suốt cuộc đời trần thế. Ngài luôn sống như một người con thảo, một người được Chúa Cha sai đến để làm theo ý Cha, chứ không theo ý riêng mình. Và chính lúc Ngài từ bỏ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, Ngài lại được phục hồi chính mình và được siêu tôn trên hết mọi sự (Pl 2, 9).
Như thế từ bỏ mình là cách duy nhất để giữ mình cho toàn vẹn. Chúng ta không thể nào yêu mến, phụng sự Chúa và phục vụ anh em mà không từ bỏ chính mình. Từ bỏ một định kiến một chút tự ái, hay một quyền lợi riêng tư, đôi khi cũng khó như phải hy sinh mạng sống mình.
Các Tông đồ đã từ bỏ mọi sự mà theo Chúa nên đã được gấp trăm cả đời này lẫn đời sau.
Các St tử đạo VN đã chấp nhận hi sinh, từ bỏ sự sống đời này, để được lại sự sống muôn đời.
Và gương của nhiều vị thánh khác đã sống theo lời mời gọi của Chúa Giêsu và đáng được Chúa thưởng công trên nước trời. Mỗi người Kitô hữu chúng ta đều có những cái để từ bỏ, nhưng điều cần thiết nhất và cũng khó khăn nhất là phải từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi ích kỷ, để được hưởng ngay từ bây giờ niềm vui, bình an và hạnh phúc.
Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa, nghĩa là chúng ta vác gánh nặng của bổn phận, vác những yếu đuối của người anh em, vác cuộc đời mình mỗi ngày mà theo Chúa cho đến chết. Chính lúc chết đi, chúng ta mới được vui sống muôn đời, và chính Chúa mới là phần thưởng cao quý nhất mà chúng ta mong đợi.
Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm từ bỏ chính mình, chấp nhận thua kém ở đời này, để được Chúa thưởng công gấp trăm ở đời sau và được sự sống đời đời. Amen.

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Bài giảng Chúa nhật XXI Thường Niên (JosKieu)

CN 21 TN A CHÚA GIÊSU LA AI?
Một lần kia, Đức Giáo hoàng Pio X vào trường Truyền Giáo tại Roma hỏi các thầy Đại Chủng sinh : Ai là người phá Hội Thánh mạnh nhất? Các thầy lần lượt trả lời theo ý kiến riêng của mình : Thưa đó chính là những người cộng sản vô thần! Thưa đó là những người Công Giáo lạc đạo, bỏ đạo! Thưa đó là những người có đời sống xấu xa giống ma quỷ, satan… Tất cả những ý kiến ấy, Đức Giáo hoàng đều lắc đầu. Và ngài lên tiếng khẳng định : “Kẻ phá Hội Thánh mạnh nhất chính là những người Công Giáo ngu dốt về giáo lý”. Họ ngu dốt giáo lý chỉ vì sợ nghe giảng, sợ học giáo lý, sẽ làm ngăn trở công việc làm ăn lo cho nhu cầu vật chất của họ.
Để hiểu biết và yêu mến Chúa, để trở thành môn đệ Chúa Giêsu, phải học hỏi về Chúa, phải nghe lời Chúa và bước theo Chúa... Vì có hiểu biết rõ về Chúa, chúng ta mới yêu mến Chúa thật lòng và trung thành bước theo Chúa trọn đời.
Trong 3 năm Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng, có rất nhiều người theo Chúa Giêsu, nên sau một thời gian, Chúa muốn trắc nghiệm sự hiểu biết và lòng tin của họ vào Ngài.
Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã hỏi các tông đồ: “Người ta bảo Thầy là ai...?”. Người thì nói Chúa Giêsu là Gioan Tẩy giả, kẻ thì cho Chúa Giêsu là Êlia, người khác lại bảo Chúa Giêsu là một trong các tiên tri. Câu trả lời cuối cùng của Phêrô chính là lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Phêrô không hiểu tại sao mình lại nói được như thế, mà là chính Chúa Cha đã mặc khải cho ông biết điều đó.
Chúa Giêsu là Đấng Kitô, có nghĩa là Đấng được xức dầu bằng Thánh Thần để làm tiên tri giảng dạy sự thật, làm tư tế thánh hóa nhân loại và làm vua cai trị muôn loài.
Còn đối với mỗi người chúng ta : Chúa Giêsu là ai? Có lẽ chúng ta sẽ lúng túng, hoặc lo sợ không dám trả lời vì chúng ta yếu lòng tin, chưa hiểu biết rõ về Chúa Giêsu.
Là Kitô hữu, nhờ BT rửa tội, chúng ta cũng được xức dầu bằng Thánh Thần để trở nên con Thiên Chúa và lãnh nhận sứ mạng làm chứng cho Chúa ngay trong cuộc sống hàng ngày. Nếu chúng ta yêu mến Chúa thật lòng, chúng ta phải siêng năng tham dự thánh lễ, chăm học giáo lý, đọc Thánh Kinh hằng ngày, để có thể hiểu biết về Chúa và can đảm làm chứng, giới thiệu Chúa cho người khác bằng chính niềm tin của mình.
Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, giúp chúng con mỗi ngày hiểu biết Chúa nhiều hơn và yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.

Bài giảng Chúa nhật XXI Thường Niên (Văn Hương)

Chủ Đề : SỐNG THEO THẦN KHÍ.
Matthêô : 16,13-19.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúng ta vừa nghe thánh Matthêo thuật lại việc Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,16). Qua đó mời gọi mỗi người chúng ta sống đức tin hàng ngày với sự hướng dẫn của Thần Khí.
Lời Chúa Giêsu khen ngợi Phêrô : “Hỡi Simon, con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha thầy, Đấng ngự trên trời”(Mt 16,17) cho thấy : đức tin là ân huệ Chúa ban, mặc dù con người thật sự có thể nhận biết Thiên Chúa nhưng họ không thể không sai lầm nếu không có Thiên Chúa giúp. Bằng chứng là những người Do thái, với tài sức của mình, họ chỉ nhận ra Chúa Giêsu là một con người tài giỏi, có những đặc điểm giống các bậc tiền nhân như : Gioan Tẩy Giả, Êlia, Giêrêmia hay một tiên tri nào đó. Và họ hoàn toàn không biết gì về sứ mệnh cũng như thiên tính của Ngài. Điều này không chỉ nói lên sự giới hạn của lý trí con người, nhưng còn cho thấy xu hướng chung của nhân loại, vì sống giữa thế gian nên quy chiếu tất cả trong nhãn quan thế gian. Hay nói như thánh Phaolô trong thư gửi Rôma chương 8 câu 5 : “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt”(Rm 8,5). Quả vậy, trí tuệ con người dứt khoát không thể định nghĩa Thiên Chúa như lời Chúa Giêsu từng khẳng định : “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho" (Mt 11,27). Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh sự bất lực của con người khi nói về Đấng Tối Cao : “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các ‘lý do tự nhiên’” (Gl 1,15-16). Bởi đó, để nâng con người lên tầm mức siêu nhiên, đồng thời cứu độ con người. Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm Thánh Ý Ngài, để họ có thể tham dự vào các sự tốt lành thuộc về Ngài mà trí khôn con người không bao giờ đạt tới.(x. DV 2.6), cụ thể là sứ mệnh của Phêrô : “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc : và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”(Mt 13,18.19). Có thể nói, qua đức tin của Phêrô, các Tông đồ đã tách khỏi đám người Do thái cứng tin, làm thành nhóm còn lại sẽ nhận lãnh ơn cứu độ mà các tiên tri đã loan báo. Và từ đây, Chúa Giêsu mới có thể ủy thác cho Phêrô quyền “cầm buộc và tháo cởi", nghĩa là quyền thu nhận hoặc loại trừ khỏi Nước thiên sai, hay hơn nữa, quyền quy định trong tất cả những gì liên quan đến tín lý và luân lý mà đời sống cộng đoàn thiên sai đòi hỏi, y như trong sách Đanien, các thánh của Đấng tối cao đã được thông ban các đặc quyền của Con người. Quyền cầm giữ chìa khóa này, do Thiên Chúa thương ban, dựa trên niềm tin của Phêrô, một con người tội lỗi nhưng đồng thời là một kẻ tin.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Đức tin của chúng ta đến từ Thiên Chúa, và cũng như Phêrô năm xưa, nếu không được Thần Khí soi dẫn thì đời sống đạo của chúng ta sẽ bị những quan niệm thế gian chi phối. Lời Chúa Giêsu quở trách Phêrô khi ông tỏ thái độ không chấp nhận cuộc thương khó - phục sinh của Ngài là một minh chứng cụ thể : “Hỡi Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”(Mt16,23). Như vậy, để tuyên xưng đức tin như Phêrô được Chúa Cha mạc khải và không nhìn Thiên Chúa với nhãn quan nhân loại như ông, chúng ta phải cởi bỏ con người vốn yếu đuối bất toàn, vì như thánh Phaolô nói : “hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa…những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa”(Rm 8,5-8).
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống niềm tin của mình theo sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa, để cuộc sống thường nhật của chúng ta không chỉ là lời tuyên xưng “Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nhưng còn mang lại cho tha nhân Tin mừng cứu độ. Amen

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Bài giảng Chúa Nhật XIX Thường Niên (Văn Hương)

LẠY CHÚA XIN CỨU CON.

----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúng ta vừa nghe trích đoạn lời Chúa trong Tình mừng Thánh Matthêu thuật lại cuộc thần hiện dành riêng cho các môn đệ, “những kẻ ở trong thuyền”, nghĩa là cho Giáo Hội của Đấng Phục sinh : trong Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa cứu thế của thời Xuất hành tiếp tục giải thoát Israel mới khỏi những luồng nước khủng khiếp hằng rình chực nuốt lấy họ (x. Xh 14 và 15). Sự hiện diện cứu nguy của Người giữa cơn bão táp là nền tảng niềm tin của các tín hữu và cho phép họ nói lên cách vững lòng : "Ngài thật là Con Thiên Chúa".
Điều đã xảy đến cho Phêrô, thủ lãnh các sứ đồ, sẽ mãi là kiểu mẫu và gương soi cho mọi kẻ tin. Ở đây, Phêrô đại diện toàn thể Giáo Hội đang đứng trước mặt Thầy mình. Giáo Hội biết rằng mình được bảo đảm vượt thắng mọi thử thách nguy biến, rằng mình sẽ chẳng bao giờ đắm chìm, mất hút trong giòng lịch sử, với điều kiện cương quyết giữ vững đức tin. “Nếu không gắn bó với Ta, các ngươi sẽ chẳng đứng vững được " (Is 7, 9). Điều này có giá trị đối với dân Giao ước mới như đối với dân Giao ước cũ.
Tin là nhảy xuống nước để đi gặp Chúa Giêsu. Nếu lúc ấy chúng ta sợ, thế của chúng ta sẽ trở nên nguy hiểm hơn lúc ta bằng lòng ở lại trên thuyền với các kẻ khác. Một khi đã liều, thì phải liều cho đến cùng tận. Nếu không nỗi sợ hãi sẽ nhận chìm ta. Tuy nhiên, dù bấy giờ sợ hãi, dù không còn sức tin tưởng trước cơn bão hoài nghi và chướng ngại, ta vẫn còn có thể kêu lên: "lạy Chúa, xin cứu con". Và Người sẽ không bỏ lỡ cơ hội để nói với ta: Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ !
Phêrô bắt đầu chìm xuống "lúc thấy gió thổi" (c.30), ông đã chia trí không nhìn đến sự hiện diện trấn an của Chúa Giêsu. Nhưng ông lại được cứu một khi quay nhìn về Người. Thiết nghĩ, lời kêu cứu của Phêrô : "Lạy Chúa, xin cứu con với" cũng phải là lời đầu tiên trên môi miệng mỗi người trong chúng ta khi gặp phải bất cứ nguy hiểm hay khó khăn nào. Vì đúng như miệng người đời vẫn nói, cuộc sống chúng ta là một chuỗi "lên voi xuống chó", một sự thay đổi không ngừng giữa bão táp và yên lặng, giữa vui mừng và đau khổ, giữa hạnh phúc và khốn cùng, v.v… Nhưng trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy luôn giữ lòng trung tín và tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Đó chính là vấn đề trọng yếu. Bởi vì chúng ta luôn vững tin rằng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, luôn đồng hành với chúng ta, luôn hiện diện bên chúng Ta. Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng lặng yên. Người không cần ra lệnh như đã làm trong cơn bão táp (8, 26). Sự hiện diện của Chúa Giêsu đủ sức đem lại yên tĩnh và chế ngự biển cả cuồng điên. Trong đời ta cũng thế. Nếu biết đặt Chúa Giêsu ở trung tâm đời mình như một hiện diện đích thực và sinh động, ta sẽ được an bình nội tâm, dù bên ngoài phải tư bề sóng gió.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Là con người, tự mình chúng ta không thể làm được gì cả, nhưng cùng với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ làm được tất cả. Bởi vì vũ trụ hiện hữu được là nhờ Người và trong Người. "Không có Chúa Giêsu thì chẳng có gì được tạo thành" (Ga 1,3). Vậy, cũng như việc Người đã làm cho năm chiếc bánh hóa nhiều đến nỗi đủ cho hơn năm ngàn người ăn no, phép lạ Người bước đi trên mặt nước hồ như đi trên đất liền, là một bằng chứng hùng hồn nói lên quyền tối thượng của Thiên Chúa trên tất cả mọi tạo vật và một điểm tựa vững chắc, củng cố đức tin của các môn đệ. Bởi vậy, "Lạy Chúa, xin cứu con với!" phải là lời cầu xin duy nhất đầu tiên mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa trong mọi nỗi túng quẩn và cơ cực của chúng ta, chứ không phải chạy theo tìm an ủi nơi các thứ "thần" giả dối khác, như thần rượu, thần ma-túy, thần á-phiện hay những phương tiện bịp bợm khác, những thứ chỉ đưa dẫn những kẻ liên hệ vào trong một ngõ cụt không có lối thoát của cuộc sống.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết trở về cùng Thiên Chúa, tin tưởng tìm nương tựa nơi Thiên Chúa, vì Người là con đường duy nhất dẫn tới sự cứu rỗi, nếu người ta không muốn bị quanh quẩn trong ngõ cụt của định mệnh mình. Chấp nhận sự bất toàn và khả năng giới hạn của mình, cũng như biết tin tưởng phó thác vào sự trợ giúp của Thiên Chúa là một sự chọn lựa khôn ngoan và hợp lý mà mỗi người trong chúng ta cần phải quyết định, bởi vì sự hạnh phúc chân chính của chúng ta đều tùy thuộc vào đó. Amen

Bài giảng Chúa Nhật XIX Thường Niên (JosKieu)

Đừng sợ
Thánh Mactinô thành Tua, hồi còn trai trẻ, một lần đi qua ngọn núi Anpơ, Ngài bị rơi vào tay bọn cướp. Chúng lấy hết hành lý và tiền bạc của Ngài. Một tên cầm dao kề vào cổ Ngài và đòi giết Ngài. Ngài vẫn đứng yên chờ chết. Dáng vẻ bình tĩnh và can đảm của Ngài đã khiến tên đầu đảng giật mình thán phục. Hắn vội chạy tới giật phăng con dao và hỏi Ngài tại sao không tỏ vẻ sợ hãi gì hết khi cái chết nằm kề bên cổ.
Ngài trả lời cho bọn chúng rằng: đã có Thiên Chúa hằng thương yêu săn sóc Ngài lúc còn sống cũng như khi chết, thì cái chết có ý nghĩa gì mà Ngài phải sợ.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng quá vui mừng phấn khởi. Còn Chúa Giêsu thì Ngài biết rõ những dự tính của họ. Chúa không muốn người ta coi Chúa như một Đấng ban ơn cho họ được no nê cơm bánh, Chúa cũng không muốn người ta đến với Ngài chỉ để xin ơn thỏa mãn những nhu cầu vật chất của họ.
Chúa đã ra lệnh cho các tông đồ phải lên thuyền sang bờ bên kia ngay lập tức. Các môn đệ vâng lời Thầy ra đi, nhưng có lẽ các ông không được hài lòng. Các ông cũng mong đợi ngày Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng cứu thế của Ngài, để các ông có thể được dự phần với Thầy hoặc được thăng quan tiến chức…, cơ hội đó hôm nay đã đến nhưng Chúa lại từ chối. Bất mãn, chán nản và mệt nhọc làm cho các ông ngã lòng. Hình ảnh các tông đồ phải chống chọi với sóng biển vì ngược gió cũng diễn tả được một phần nào tâm trạng thất vọng của các ông.
Chúa Giêsu biết rõ tâm trạng của các ông, ngài ở lại bờ bên này, nhưng vẫn theo dõi các ông không những bằng ánh mắt, mà bằng cả tấm lòng khi Ngài lên núi và suốt đêm cầu nguyện cho các ông. Ngài thấy các ông chèo thuyền vất vả vì ngược gió. Chính lúc đó, Ngài đi trên mặt biển để đến với các ông để các ông hiểu rằng : Ngài có quyền năng trên vũ trụ vạn vật, Ngài có chương trình của Ngài và Ngài sẽ thực hiện chương trình ấy khi giờ của Ngài đến.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Điều quan trọng không phải là chúng ta bắt Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, chúng ta hãy đặt hết tin tưởng vào Chúa. Ngài vẫn hiện diện bên cạnh và sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài, và như thế tâm hồn chúng ta sẽ gặp được bình an.
Vào năm 1978, lúc khởi đầu triều đại Giáo hoàng, ĐGH G.P II đã ngỏ lời với thế giới : “Những ai trong anh em vẫn may mắn còn có đức tin, vẫn đi tìm Thiên Chúa, những ai đang bị sự nghi ngờ xâu xé. Đừng sợ hãi! Hãy tin nhận Chúa Giêsu và nhận lấy quyền lực của Ngài. Đừng sợ hãi! Hãy mở cửa đón nhận Chúa Giêsu, vì Ngài là sức mạnh chữa lành mọi sự dữ… Đừng sợ hãi! ĐGH Benêdic 16, trong bài giảng khai mạc sứ vụ mục tử, Ngài cũng lấy lại tư tưởng của ĐGH G.P II : “Các con đừng sợ, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng ta sẽ gặp được sự sống thật”.
Đừng sợ! Đó là câu nói đã trở nên nổi tiếng của 2 vị lãnh đạo Giáo hội, và là phương châm cho mọi hoạt động của các Ngài. Đừng sợ! Đó cũng là câu nói được lập đi lập lại nhiều lần trong Tin mừng : “Các con đừng sợ ……”. Chúa Giêsu đã nhắc nhở các tông đồ Đừng sợ! Để củng cố lòng tin, tăng cường đức cậy và khơi lên lòng mến nơi chúng ta.
Khi nói với các tông đồ Đừng sợ! Chúa muốn củng cố đức tin của các ông thêm vững mạnh trước những gian nan thử thách trong cuộc sống :
- Khi kêu gọi các tông đồ hãy luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói : Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, Đừng sợ! Vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con.
- Khi họ gặp thử thách bách hại, Chúa trấn an các ông : Khi người ta bắt nộp các con, đừng lo phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ dạy cho các con biết phải nói gì.
- Trong bài Tin mừng hôm nay, khi thấy các ông chèo thuyền vất vả giữa sóng to gió lớn, Chúa đi trên mặt biển đến với các ông và nói : Hãy yên tâm, Thầy đây, Đừng sợ!
Đã làm người, ai trong chúng ta cũng có những nỗi lo sợ riêng : Sợ thất bại, sợ cô đơn, sợ chết, sợ mất linh hồn sa hỏa ngục…đó là điều tự nhiên. Chúa dạy chúng ta phải biết tin tưởng vào quyền năng của Chúa đang hoạt động nơi mỗi người chúng ta. Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta và ngài sẽ xuất hiện đúng lúc, kịp thời để cứu giúp chúng ta khi chúng ta cầu cứu đến ngài.
Đừng sợ! Đó là điệp khúc của lòng tin đã nâng đỡ sự yếu đuối của các tông đồ và thúc đẩy các ông can đảm tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu. Điệp khúc của lòng tin ấy vẫn còn âm vang bên tai chúng ta hôm nay, khi đối diện với những lo âu, sợ hãi hay những sóng gió của cuộc đời. Xin Chúa giúp chúng ta biết lắng nghe lời Chúa trấn an Đừng sợ! Để chúng ta cũng biết can đảm vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống với một lòng tin vững vàng : Có Chúa luôn ở bên chúng ta và Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi điều lo sợ.

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger