Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Bài giảng: Chúa Nhật 2 MV (Văn Hương

Chúa nhật II Mùa vọng.
Chủ đề : Sám hối - Sự chuẩn bị cho ơn cứu độ.
Luca : 3,1-6.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết : những gì chúng ta đang sở hữu là kết quả của lao động. Tức là con người phải bỏ công sức ra mới có được. Và phần thưởng Nước trời mà Thiên Chúa hứa ban cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Để lãnh nhận ơn Cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta phải chiến đấu với ma quỷ, thế gian, và xác thịt một cách liên lỷ, mà lời mời gọi sám hối của Gioan Tẩy Giả trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, là một trong những phương thế giúp đạt mục đích này.
Thánh kinh cho chúng ta biết nhiều tích sự về việc sám hối. Điển hình cụ thể trong Cựu ước, là sự kiện dân thành Ninivê, sau khi nghe tiên tri Giona loan báo : “Còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4). Họ đã đồng loạt sám hối bằng việc ăn chay, mặc áo vải thô và từ bỏ đường gian ác, cũng như những hành vi bạo lực của mình. (x. Gn 3,5-9). Và “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa”(Gn 3,10). Còn Tân ước, thì cho chúng ta một hình ảnh hết sức sống động, đó là đám đông dân chúng tuôn đến với Gioan Tẩy Giả ở sông Giođan để chịu phép rửa sám hối (x. Mt 3,5-6 ; Mc 1,5 ; Lc 3,7). Nhưng quan trọng hơn cả, là lời kết luận sau đây của Chúa Giêsu trong dụ ngôn “Con Chiên Lạc” và “Đồng Bạc Bị Mất” (x. Lc 15,4-12) : “Tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”(Lc 15,7). Và thánh Matthêu, khi thuật lại một trong hai dụ ngôn vừa nói, ngài còn cho chúng ta biết : “Cha của các con, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”(Mt 18,14). Như thế, phải nói một cách xác tín rằng : Thiên Chúa là Đấng từ bi, giàu lòng thương xót, không đánh phạt khi con người lầm lạc, phạm tội, nhưng kiên trì, chờ đợi họ sửa đổi đời sống, mà trở lại với Ngài. Do đó, vấn đề được đặt ra là, chúng ta có dám canh tân bản thân theo lời Isaia mời gọi Israel trong bối cảnh đang bị lưu đày và được thánh sử Luca trưng dẫn trong phúc âm hôm nay hay không : “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi ; Con đường cong quẹo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng”(Lc 3,4-6 ; x. Is 40,3-5). Tức là chúng ta cần sửa lại cho thẳng những lối đi quanh co của tư tưởng, lời nói và việc làm. Trung thành và kiên trì trong việc bổn phận. Đồng thời, lấy lòng quảng đại và lý tưởng Kitô giáo lấp đầy hố thẳm của tâm hồn. Cũng như bạt các đồi núi của sự kiêu căng, tự phụ xuống bằng đời sống khiêm hạ, và san bằng những chỗ gồ ghề trong tính tình, không tranh chấp, gây chia rẽ… Nói cách khác, sám hối chính là sự biến đổi con tim, chứ không là những hành vi phô trương bên ngoài. Chính điều này, khiến chúng ta lại trở nên như trẻ nhỏ, mang trong mình tâm hồn trẻ thơ (Mt 18,3tt). Tiếp đó là nỗ lực liên tục để tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa và sự công chính của Ngài (Mt 6,33), để chỉnh đốn lại đời sống của mình cho phù hợp với luật mới. Và theo thánh Phaolô là “cởi bỏ con người cũ với những nếp sống xưa, là con người phải hư nátvì bị những ham muốn lừa dối… và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”(Ep 4,22.24)
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Sám hối là một trong những điều kiện để nhận lãnh ơn cứu độ, hay để nhập tịch vương quốc Thiên Chúa. Đây không phải là sáng kiến của Gioan tẩy Giả. Bằng chứng là trước ông, các tiên tri cũng từng kêu gọi dân chúng sám hối, trở về với Thiên Chúa và, đặc biệt, Chúa Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa – khi khởi sự sứ mệnh của mình, đã giữ nguyên tính cách hiện đại của sứ điệp này. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối, và tin vào Tin mừng”(Mc 1,15). Như thế, sám hối thật cần thiết và giữ vai trò quan trọng cho phần rỗi của chúng ta, nhất là đang khi chúng ta chờ đợi ngày Chúa quang lâm, và cách riêng, ngày mỗi người chúng ta phải diện kiến trước toà Chúa khi lìa đời.
Xin Chúa ban cho chúng ta một tinh thần sám hối, và không ngừng thân thưa với Chúa : “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê”(Tv 51,19). Amen Văn Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger