Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

Bài giảng: Chúa nhật I Mùa vọng (Văn Hương)

Chủ đề : Trông chờ Chúa đến.
Luca : 21, 25-38. 34-36.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúa Giêsu từng khuyên dạy chúng ta : hãy đọc những biến cố, hiện tượng, sự kiện xảy ra trong vũ trụ, trong đời sống thường nhật, với sự soi sáng của Tin mừng, mà canh tân đời sống theo thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 16,2-3 ; Mc 5,25-26 ; Lc 12,54-59). Và bài Phúc âm chúng ta vừa nghe, cũng mang ý hướng tương tự, mời gọi mọi người trông chờ Chúa bằng tỉnh thức, cầu nguyện, để “khi những điều đó bắt đầu xẩy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi chúng con đã gần đến”(Lc 21,28).
Có thể nói, qua Thánh Kinh, chúng ta biết được sự trông chờ Đấng Messia của Israel (x. Lc 3,15), họ tin vào lời các tiên tri tuyên sấm và thể hiện qua những việc làm cụ thể, mà ông Simêon và bà Anna là một bằng chứng sống động (x. Lc 2,22-38). Bởi đó, cả Giêrusalem xôn xao khi các nhà đạo sĩ hỏi tìm “Vua dân Do thái mới sinh”(x. Mt 2,1-12), và lũ lượt kéo nhau tới sông Giođan chịu phép rửa sám hối khi Gioan loan báo Đấng Cứu Thế sắp đến (x. Mt 3,1-12). Tuy nhiên, họ lại khước từ Chúa Giêsu – Đấng Thiên Chúa hứa ban – và đặt vấn đề : “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”(Ga 10,24).
Thiết nghĩ, chúng ta cũng đang sống trong tâm trạng trông chờ Chúa Kitô quang lâm, và đôi lúc có thái độ như người Do thái năm xưa. Chúng ta tin Chúa Giêsu sẽ đến lần thứ hai để thiết lập trời mới đất mới, nhưng khi đối diện với các dấu chỉ của thời đại, chúng ta lại tìm kiếm lý do phủ nhận hoặc tô vẽ cho thêm phần kỳ bí, hấp dẫn, hơn là nhìn với ánh sáng của lời Chúa, thậm chí còn sử dụng Thánh Kinh theo cách của người Do thái khử trừ Chúa Giêsu : “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilêa sao ? Nào Kinh thánh đã chẳng nói : Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Davit và từ Bethlem, làng của vua Davit sao ?”(Ga 7,42). Đây là điều lý giải tại sao Chúa Giêsu nói với những người thuộc phái Pharisiêu, phái Sađốc và có lẽ cũng là với chúng ta như sau : “Chiều đến, các ông nói : “Ráng vàng thì nắng”, rồi sớm mai, các ông nói : “Ráng trắng thì mưa”. Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi”(Mt 16,2-3). Và thánh Luca, khi thuật lại những lời này của Chúa Giêsu, ngài còn thêm : “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải ?” (Lc 12,57).
Vì thế, đang khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm nói chung và, cách riêng là ngày cùng tận của bản thân. Chúng ta nên có thái độ vâng theo lời Chúa Giêsu mời gọi trong câu truyện những người Galilê bị giết bởi Philatô, và những người chết do thác Siloe đổ sập : “Nếu các ngươi không hối cải, thì các ngươi hết thẩy cũng sẽ bị tiêu diệt như thế”(Lc 13,3 ; x. Lc 13,15). Tức là, không ngừng cầu nguyện - sám hối, và canh tân đời sống, cũng như giữ lòng mình khỏi ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, khi nhận biết những sự việc xẩy ra trong vũ trụ, trên thế giới và nơi cuộc sống thường nhật, hoặc nói theo Tin mừng hôm nay : “Có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao : dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển”(Lc 21,25-26).
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Thánh Phaolô nói : “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói : “Bình an biết bao, yên ổn biết bao !”, thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được”(1Th 5,2-3). Do đó, tỉnh thức sẵn sàng là thái độ sống đạo của người Kitô hữu. Và lời thánh Phêrô sau đây sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những điều sẽ xẩy đến trong ngày Chúa quang lâm và đứng vững trước mặt Con Người (Lc 21,36) : “Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi. Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được. Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi. Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca. Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa ; ai phục vụ thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời”. Amen (1Pr 4,7-11).
Văn Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

  • - CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN – B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI Is 61,9-11; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38 CHỦ ĐỀ: MARIA, NGƯỜI NỮ ĐỨC TIN SỨ ĐIỆP: Siêng năng lần hạt; ca...

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger