Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Bài giảng Chúa nhật XXIII thường niên A (Van Huong)

Chủ Đề : THA THỨ - HIỆP NHẤT : DẤU CHỈ CỦA TÌNH YÊU.
Matthêô : 18,15-20.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Lời Chúa chúng ta vừa nghe được trích từ bài giảng lớn thứ tư của Chúa Giêsu, theo cách bố cục Tin Mừng thánh Mátthêu. Đây là những giáo huấn về đời sống “cộng đoàn”. Và qua đó, chúng ta thấy rõ mối giây liên kết mật thiết giữa tội lỗi của một cá nhân với đời sống của cả cộng đoàn, đồng thời cũng quả quyết sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người, khi người ta cùng hiệp nhất, tuyên xưa niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.
Có thể nói, những lời khuyên của Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay chỉ có thể được hiểu như một biểu thức của tình bác ái. Vì thế, giúp người anh em đang gặp khó khăn, hoặc đưa tay đỡ nâng người anh em đang trong vòng tội lỗi, là một yêu sách của tình yêu, một lòng trung tín với công việc của Thiên Chúa. Và điều này chỉ có thể thực hiện khi chúng ta ý thức được “Đặc tính cộng đoàn của thiên chức con người trong ý định của Thiên Chúa”(Ges 24), mà công đồng Vaticanô II đã nói trong hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay. Đó là con người có bản tính xã hội, và theo ý Đấng Tạo Hoá, Ngài “đã muốn rằng tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ. Bởi vì mọi người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa là Đấng ‘đã cho tất cả nhân loại do một nguyên tổ cư ngụ trên khắp mặt đất’, nên họ đều được gọi tới chung một cùng đích duy nhất là chính Thiên Chúa”(Ges 24). Như vậy, phương thế Chúa Giêsu đề nghị chúng ta để đưa một người lầm lối trở về có thể được áp dụng cho mọi môi trường sống với một tỉ lệ nào đó : Gia đình, nhóm bạn, hiệp hội, đoàn thể, các đồng nghiệp…vv. mà việc sửa lỗi cho nhau được đặt trên nền tảng của lòng mến Chúa và yêu người. Trong những trường hợp bất lực không thể hoán cải hoặc hoà giải một ai đó, chúng ta không giảm bớt lòng yêu thương họ. Bởi vì, giáo lý của Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta phải tha thứ và sống giới luật yêu thương với tất cả mọi người, kể cả kẻ thù như Chúa Giêsu dạy : “Các ngươi có nghe lời truyền dạy hãy yêu thương thân nhân mà ghét thù địch mình. Còn Ta, Ta dạy các ngươi : hãy thương yêu kẻ thù nghịch mình, cứ làm ơn cho kẻ ghét mình, lại cầu nguyện cho kẻ bắt bớ vu vạ cho các ngươi nữa”(Mt 5,43-44). Và Thánh Phaolô cũng nhắc chúng ta : “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” một món nợ không bao giờ trả hết (Rôma 13,8).
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Nếu nhìn việc sửa lỗi anh em của Chúa Giêsu là một cách diễn tả tình yêu thì hiệp thông trong lời cầu nguyện lại là một biểu hiện khác của tình yêu. Khi yêu ai, chúng ta không dửng dưng để mặc người ấy lún sâu vào sự dữ. Chúng ta sẽ không mang tư tưởng “đèn nhà ai nấy sáng”, nhưng tìm dịp cảnh tỉnh, nhắc nhở, khuyên bảo họ. Tương quan bác ái này rất cần trong cộng đoàn, trong Giáo xứ. Cứu lấy tha nhân, đừng để họ hư mất là điều Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta. Sửa lỗi cho nhau để nhờ đó cộng đoàn “lợi thêm một người anh em”. Chúa Giêsu còn xác định : “Thầy bảo thật các con : nếu ở dưới đất hai người trong các con hiệp ý cầu xin bất cứ sự gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”(Mt 18,19). Đây không đơn thuần là một giải quyết giữa anh em loài người, nhưng là cùng nhau đến trước tình yêu Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa sẽ xóa giải mọi bất hòa nơi con người. Chúng ta tin và can đảm sống điều đó, “Vì ở đâu có có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”(Mt 18,20). Thiết nghĩ, trong đời sống thường nhật, chúng ta thấy có những người chuyên xía vào chuyện thiên hạ, thì ngược lại có một số người khác lại kém dấn thân, chỉ biết mình với Chúa hoặc chỉ biết mình với những người thân thuộc. Thế mà Chúa Giêsu dạy tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với nhau. Chúng ta không thể hững hờ trước tình cảm thiêng liêng của họ. Vì chẳng ai thoát khỏi lầm lỡ hay yếu đuối nên rất có thể một ngày kia người khác cũng sẽ có dịp thực thi bổn phận nâng đỡ thiêng liêng ấy đối với chúng ta. Có lẽ họ sẽ sẵn sàng làm việc này, nếu họ đã thấy chính chúng ta thực hiện với tất cả sự tế nhị và nhân ái cần thiết.
Xin Chúa nhắc chúng ta nhớ là tội nhân, yếu đuối và hay lầm lỗi, có khi còn nặng nề hơn người khác. Để nếu vì bổn phận, chúng ta phải sưả lỗi cho tha nhân, chúng ta biết lấy tinh thần bác ái và tôn trọng nhân vị mà cư xử, nâng đỡ hơn là chỉ trích thoá mạ. Xin Chúa cho chúng ta ý thức Chúa tha thứ cho chúng ta từng ngày, ngõ hầu chúng ta biết rộng lượng, bao dung với người khác. Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger