Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Bài giảng Chúa Nhật XVIII Thường Niên (JosKieu)

PHÉP LẠ HÓA BÁNH RA NHIỀU
Bài giảng dành cho Thiếu nhi

Một hôm kia, khi nghe tin Thánh Gioan tẩy giả bị Vua Hêrôđê chém đầu, Chúa Giêsu rời bỏ nơi đó đi đến một nơi hoang vắng, có rất đông dân chúng đi theo Người. Thấy dân chúng đi theo và đang đói, động lòng thương, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi họ (5000 người). Chúa Giêsu không để cho những ai đi theo Chúa phải chết đói.
Xưa trong Cựu ước, tiên tri Ê-li-sê cũng làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (từ 20 chiếc bánh nuôi 100 người ăn) trong một nạn đói, họ ăn no nê mà vẫn còn dư. Trong Tân ước, Chúa Giêsu làm phép lạ tương tự (từ 5 chiếc bánh nuôi 5000 người ăn) và còn dư 12 thúng đầy. Ê-li-sê là 1 tiên tri vĩ đại, nhưng Chúa Giêsu là 1 tiên tri còn vĩ đại hơn nữa. (So sánh 1 chiếc bánh cho 5 người ăn với 1 với chiếc bánh cho 1000 người ăn gấp 200 lần). Phép lạ nói lên tình thương và sự quan phòng của Chúa Giêsu đối với dân của Người, minh chứng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại.
Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để chúng ta tin, và nhờ tin mà chúng ta được ơn cứu độ. Nên điều giáo hội muốn đó là chúng ta biết lắng nghe và tin vào Chúa Giêsu. Phép lạ hóa bánh ra nhiều ngày xưa là hình bóng chỉ về Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu lập trong bữa tiệc ly ngày thứ năm tuần thánh, khi Chúa Giêsu và các môn đệ ăn bữa tiệc cuối cùng. Trong bữa tiệc đó Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ.
Chúa Giêsu đã yêu thương mọi người, Người dành tình yêu thương đặc biệt cho các em thiếu nhi, và Người yêu đến cùng. Người không nghĩ ra cách thế nào khác để yêu thương các em hơn là lấy chính chính Thịt và Máu Chúa làm của ăn nuôi dưỡng các em và muốn ở cùng các em luôn mãi. Vì vậy, để đáp lại tình Chúa yêu thương, các em hãy khao khát yêu mến Chúa và dọn tâm hồn cho xứng đáng để đón rước Chúa mỗi ngày.
Trong 7 Bí tích Chúa Giêsu đã lập thì Bí tích Thánh Thể là Bí tích cao trọng nhất vì ban cho chúng ta chính Chúa Giêsu là nguồn mọi ơn phúc. Muốn rước lễ, giáo hội chỉ đòi 3 điều kiện : 1. Sạch tội trọng, 2. Có ý ngay lành, và 3. Giữ chay 1 giờ trước khi rước lễ. Khi rước lễ, các em còn được Chúa ban nhiều ơn, đặc biệt là 4 ơn này : 1. Được kết hợp mật thiết với Chúa và với anh em, 2. Được Chúa tha các tội nhẹ và thêm ơn thánh hóa. 3. Được Chúa ban sức mạnh để chống lại chước cám dỗ của ma quỷ. 4. Được hưởng sự sống đời đời.
Gương thánh Đaminh Saviô rất yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và Chúa đã ban cho Saviô rất nhiều ơn.
Mới lên 7 tuổi, Saviô đã ước ao được rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng. Theo luật phải 12 tuổi mới được, nhưng thấy Saiô là một cậu bé ngoan ngoãn, đạo đức thánh thiện nên các cha và mọi người đều đồng ý cho Saviô được rước lễ sớm hơn luật cho phép.
Gần tới ngày hạnh phúc đó, Saviô đã thưa với mẹ: ngày mai con được rước lễ lần đầu, xin mẹ tha thứ các lỗi lầm cho con, con hứa sẽ sống ngoan hơn, đến trường con chăm học, về nhà con vâng lời, chịu khó giúp đỡ cha mẹ. Sáng hôm đó, Saviô thức dậy sớm và phải đi bộ 4 cây số mới tới nhà thờ, lúc đó nhà thờ chưa mở cửa. Saviô đã quì ngoài cửa nghiêm trang sốt sắng để cầu nguyện.
Sau khi rước lễ, Saviô đã ghi vào sổ tay những quyết tâm :
1. Xưng tội mỗi tháng 1 lần và không bao giờ bỏ rước lễ.
2. Thánh hóa tất cả mọi ngày lễ.
3. Bạn thân của con là Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
4. Thà chết còn hơn phạm tội.
Và Saviô đã giữ những quyết này đến trọn đời, nên gương mẫu cho tất cả các thiếu nhi.
Trong thánh lễ hôm nay, chúng con hãy cầu xin Chúa ban cho chúng con được lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ hàng ngày, nhất là xin Chúa giữ gìn tâm hồn chúng con luôn trong sạch, xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự và để chúng con xứng đáng với danh hiệu là thiếu nhi Thanýh Thể của Chúa. Amen.

JosKieu

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Bài giảng Chúa Nhật XVIII Thường Niên (Văn Hương)

Chủ Đề : HÓA BÁNH CHO ĐỜI.
Matthêô : 14,13-21.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Một trong hai nhu cầu cơ bản không thể thiếu để sinh tồn của con người là của ăn. Và bài Tin mừng hôm nay cho thấy Thiên Chúa là Đấng dưỡng nuôi chúng ta. Ngài không chỉ quan tâm đến các nhu cầu vật chất của con người, nhưng còn làm no thỏa đời sống tâm linh nhân loại.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều được Chúa Giêsu thực hiện sau khi Ngài giảng dạy, chữa lành những bệnh tật thể xác của dân chúng. Tức là những người theo Chúa Giêsu vào nơi hoang vắng chỉ được ăn no nê sau khi đã nghe Lời Chúa. Điều này nói lên sự sống linh hồn phải được ưu tiên hàng đầu, trên cả việc kiếm tìm những thứ nuôi thân xác, như Chúa Giêsu đã từng mời gọi : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”(Mt 6,33). Như thế, sự hiện hữu của con người nơi trần gian không phải để hưởng thụ hay kiến tạo sự thỏa mãn cho những đòi hỏi của thân xác, nhưng là hành trình tìm đến với Thiên Chúa trong sự quan phòng của Ngài. Bằng chứng là dấu lạ hóa bánh ra nhiều không do con người đòi hỏi hay thỉnh cầu, nhưng được hiện thực hóa bởi sáng kiến từ sự quan tâm và lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với dân chúng. Thiết nghĩ, chúng ta nên học nơi Chúa Giêsu, biết nắm bắt ước muốn của người khác, đồng thời có những phương thế phục vụ họ một cách hiệu quả. Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ năm xưa : “Các con hãy cho họ ăn”, giờ đây đang mời gọi mỗi người chúng ta. Vì Thiên Chúa cần có những con người cộng tác vào công cuộc cứu độ nhân loại, qua việc xoa dịu các nỗi khốn khổ thể lý mà con người gặp phải, trước hết là cảnh đói nghèo. Trong sứ mệnh này, điều quan trọng không hệ tại ở nơi chúng ta có cái gì để trao ban, nhưng là chúng ta cho đi như thế nào. Người ta vẫn thường nói : “của cho không bằng cách cho”, miễn là chúng ta biết bắt đầu san sẻ trong tinh thần đức tin. Chúa sẽ thực hiện những gì còn lại. Hãy suy gẫm về năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ đơn sơ để thấy Thiên Chúa làm những việc lớn lao, kỳ diệu từ nỗ lực đóng góp xem ra không đáng kể của chúng ta. Như thế, chỉ cần chúng ta hiến thân trọn vẹn, cho dù tài nguyên, năng lực, văn hóa, sức khỏe của chúng ta yếu kém. Chúa Giêsu vẫn sẽ dùng chúng ta để thực hiện công việc của Ngài.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Có thể khẳng định, mục đích của những người đi theo Chúa Giêsu xưa kia không phải để được ăn, nhưng vì Chúa Giêsu đáp ứng được sự đói khát Thiên Chúa nơi họ. Chính khát vọng cao siêu này đã dẫn tới việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều trước sự bất lực của con người. Thực vậy, chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá thì làm sao cứu đói năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà con trẻ. Ở đây, chúng ta nên học đức vâng lời của các môn đệ, đem phân phát số lương thực ít ỏi đó cho dân chúng để rồi thu về mười hai thúng những mẩu bánh vụn. Sự dư dật này là một dấu chỉ được loan báo cho thời kỳ của Đấng Mê-si-a trong Kinh thánh : “Ta sẽ đổ xuống muôn hồng ân, cho Xion được lương thực dồi dào và ban cho kẻ nghèo được no nê cơm bánh”(Tv 132,15). Ước gì lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta ý thức về vinh dự được tham gia vào chính công việc của Chúa Giêsu, đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và con người trong việc “hóa bánh ra nhiều” cho con người ngày nay.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những đấng kế vị các sứ đồ và những người có trách nhiệm trên các linh hồn, kể cả các nhà giáo dục và phụ huynh Kitô giáo. Biết phân phát không chỉ lương thực bổ dưỡng linh hồn là lời Chúa và Thánh thể, nhưng còn chung tay xây dựng cuộc sống vắng bóng sự nghèo đói. Chúng ta cũng cầu nguyện cách riêng cho các linh mục, là những người được chính thức ủy thác thi hành công việc của Chúa Giêsu, đồng thời cầu nguyện cho cả chúng ta nữa, vì chúng ta cũng được tham dự vào theo cách thế riêng, bằng cách dẫn đưa những kẻ mà chúng ta có trách nhiệm coi sóc đến bàn tiệc Thánh Thể và dạy cho biết lời Thiên Chúa.
Như Chúa Kitô đã quan tâm đến các nhu cầu vật chất của quần chúng, thì chúng ta cũng phải làm hết sức để chu toàn bổn phận căn bản của Kitô hữu, bổn phận mà nếu cố gắng hoàn thành thì sẽ lãnh nhận phần thưởng Nước trời : "Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, vì ... xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn" (25, 34- 35). Amen

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Bài giảng Chúa Nhật XVII Thường Niên (Văn Hương)

Chủ Đề : TÌM KIỀM NƯỚC TRỜI.
Matthêô : 13,44-52.
----------------------------------------------------------------------------------------
Kính Thưa quý ông bà và anh chị em,
Chúng ta vừa nghe một trích đoạn lời Chúa trong Tin mừng Thánh Matthêô, gồm ba dụ ngôn nói đến giá trị vô song của Nước trời. Qua đó, cho chúng ta phương thế để chiếm hữu, đồng thời mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại cuộc đời mình. Bấy lâu nay chúng ta sống và nỗ lực làm việc hướng đến sự vĩnh hằng là Nước Thiên Chúa hay là những vinh hoa chóng qua của thế gian.
Có thể nói, Nước trời hiện hữu giữa trần gian và trong chúng ta, nhưng không phải ai cũng có khả năng nhận biết và dự phần. Vì Nước trời được sánh ví như kho báu chôn giấu trong ruộng, nếu không bỏ công sức tìm kiếm chắc chắn sẽ không gặp. Do đó, cần đến yếu tố khách quan là thời gian và yếu tố chủ quan là ý chí. Như vậy, điều kiện đầu tiên không thể thiếu trong quá trình chinh phục Nước Chúa là nhận thức chính xác về cùng đích của đời người và lòng khát khao đạt được cùng đích đó qua sự kiên trì kiếm tìm. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc gặp thấy Nước Thiên Chúa, tức là việc tìm kiếm thành công thì vẫn chưa đủ, cần phải đánh đổi như những nhân vật trong bài Phúc âm, “vui mừng bán tất cả những gì mình có”(x. Mt 13, 44.46) để có thể mua và được sở hữu. Đây là bước quyết định cho sự tồn vong của bản thân, cho nên, đòi hỏi sự từ bỏ và lòng dũng cảm. Như thế, Nước trời không có chỗ cho những ai ăn không ngồi rồi, hèn nhát, bám víu lấy sự phù vân thế gian. Và dụ ngôn lưới cá thả xuống biển bắt được mọi thứ cá khẳng định điều này : Nước trời thuộc về mọi người, nhưng không có nghĩa ai cũng được vào, chỉ có những kẻ xứng đáng, sau khi đã vượt qua cuộc thanh lọc như người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì mén ra ngoài. Nói cách khác, Nước trời thời con người dương gian tìm kiếm để chiếm hữu được diễn tả qua hai dụ ngôn : Kho báu và Viên ngọc quý, còn dụ ngôn Lưới cá nói về Nước Chúa thời chung thẩm. Vào ngày này, chỉ có những ai sống triệt để tinh thần của người tìm thấy kho báu, hoặc của người buôn ngọc mới có Nước trời làm gia nghiệp. Như thế, cuộc sống của chúng ta nơi trần gian tuy ngắn ngủi, qua mau, nhưng lại quyết định đến đời sống bất diệt sau này. Bởi đó, “Trước hết, hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa, và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33), đừng để thời gian qua đi vô ích, nhưng hãy tận dụng sự vắn vỏi của kiếp người ngõ hầu tích luỹ cho mình kho tàng trên trời, nơi mối mọt không thể làm hư nát, và kẻ trộm không thể khoét vách lấy mất, chớ để mọi sự thành ra muộn màng mà bị liệt vào hàng ngũ kẻ dữ, phải khóc lóc nghiến răng trong lò lửa địa ngục.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Con người có khuynh hướng tìm kiếm những gì đảm bảo cho cuộc sống bản thân, đây là một nhu cầu không có sự thoả mãn, như cha ông ta thường nói : “lòng tham không đáy”, hoặc “có một đòi hai”, hay “được voi đòi tiên”, do đó, sự sống linh hồn luôn ở trong tình trạng bấp bênh vì không được chú trọng. Trong khi người đời có thói quen đánh giá và nhìn nhận sự khôn ngoan của nhau dựa trên thành quả vật chất, sự nghiệp, công danh, thì với Thiên Chúa tất cả những thứ đó chỉ là số không nếu linh hồn bị hư mất. Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta chọn lựa sự khôn ngoan từ Thiên Chúa, vì như lời Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi Côrintô : “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em”(1Cr 1,30). Được như vậy, chúng ta mới chấp nhận trở nên trắng tay, tức là đánh đổi tất cả những gì mình có để nhận lãnh từ Thiên Chúa hiện tại và tương lai của mình, vì chưng, ai có Thiên Chúa là có tất cả, chỉ mình Ngài là đủ, đồng thời loại bỏ giá trị của những thứ mà thế gian coi trọng, đề cao. Đây là một chân lý chỉ có thể hiểu được nhờ kinh nghiệm sống.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết từ bỏ não trạng trần tục của mình như lòng lo sợ mất mát hay thiếu thốn, nỗi ám ảnh muốn được bảo đảm an toàn, hay chương trình sống ích kỷ do chúng ta lập ra, nhưng hiểu rõ cái được - và cái mất của đời sống, cũng như biết mặc lấy tâm tình của hai kẻ tìm thấy kho tàng và bắt gặp ngọc quý : “vui mừng” vì sự hy sinh không phải là một việc đau buồn, đồng thời biết chắc rằng bản thân không mất gì cả, chỉ là sự trao đổi những thứ chóng qua mà mình có để lấy sự sống đời đời là Nước trời. Amen

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Bài giảng Chúa Nhật XVI Thường Niên (Văn Hương)


Chủ Đề : HIỆN THỰC HOÁ NƯỚC TRỜI.
Matthêô : 13,24-43.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn thân mến,
Chúng ta vừa nghe ba dụ ngôn nói về Nước trời, qua đó lý giải một số vấn đề trong cuộc sống mà chúng ta gặp phải, chẳng hạn như sự tồn tại giữa thiện và ác. Người hiền đức thì gặp toàn bất trắc khổ đau và ngược lại kẻ bất lương thì nhởn nhơ hưởng thụ. Như vậy, Nước Thiên Chúa ở đâu giữa thế gian đầy cạm bẫy, xô bồ và lắm nhiêu khê này.
Dụ ngôn cỏ lùng cho chúng ta thấy, Thiên Chúa là ông chủ ruộng, chấp nhận để kẻ dữ và người lành cùng tồn tại và phát triển như lúa và cỏ lùng cùng mọc lên. Trong khi cỏ lùng không thể thành lúa, thì người ác có thể hoàn lương. Và Thiên Chúa cho thời gian, tạo điều kiện, đồng thời chờ đợi sự biến đổi kỳ diệu này. Bởi vì, Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, như ông chủ ruộng không cho thợ nhổ cỏ lùng. Ngày tận thế, kẻ dữ, tức những người cố chấp, không chịu hoán cải, chẳng khác gì lời Thánh vịnh 36 câu 2 đến câu 5 : «Tội ác thì thào trong thân tâm kẻ dữ ; hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời. Hắn tự cao tự đại, nên chẳng thấy tội mình mà chê ghét. Lời nói toàn xảo quyệt dối gian, hết lẽ khôn ngoan, hết điều lương thiện ! nằm trên giường hắn bầy ra chước độc mưu thâm, hắn đứng lỳ trên nẻo đường bất hảo, không còn chê ghét việc gian tà» nên sẽ nhận lấy án phạt, vì Thiên Chúa không thể làm gì hơn ngoài việc quăng họ vào hoả ngục như cỏ lùng bị thiêu rụi trong lửa.
Có thể nói, hiện tại những thế của sự dữ như đau khổ, bệnh tật, cái chết phần nào lấn lướt, nhưng không có nghĩa Nước Thiên Chúa bị triệt tiêu. Dụ ngôn Hạt cải và Men trong bột cho thấy sức mạnh vô song và sự lan toả mãnh liệt của Nước Trời, mà Giáo hội chính là thực tại được khởi đầu bởi các Tông đồ với con số mười hai ít ỏi, nhưng nay đã rộng khắp thế giới. Nhìn vào Giáo hội, chúng ta thấy ở đó không chỉ có các thánh nhân, những thành phần ưu tú, nhưng Giáo hội còn cưu mang cả các phần tử tội lỗi, xấu xa nữa. Điều này nói lên sứ mệnh cũng như vai trò thánh hoá của Giáo hội. Như thế, Nước Thiên Chúa không hiện hữu như một vương quốc riêng biệt nhưng giữa trần gian và cho nhân gian. Hình ảnh hạt cải nhỏ bé phát triển thành cây cho chim trời nương náu và nắm men làm ba đấu bột dậy men nói với chúng ta : Nước Thiên Chúa là điểm tựa, nơi dung thân của tất cả mọi người, nhất là những kẻ bé mọn, khiêm tốn và có lòng khao khát được Tin mừng biến đổi tận căn. Do đó, hãy để lời Chúa thánh hoá bản thân, dẫn dắt chúng ta luôn đi trên đường ngay nẻo chính, không sa vào con đường lầm lạc, đồng thời thanh tẩy tâm trí chúng ta khỏi mọi toan tính hiểm độc và những đam mê thấp hèn. Có như thế, chúng ta mới có khả năng nhận biết những «điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian» mà Chúa Giêsu Kitô mạc khải. Và Nước trời sẽ hiển trị nơi chính con người chúng ta.
Cộng đoàn thân mến,
Bổn phận của người Kitô hữu là trở nên hạt cải, nem bột để loại trừ sự dữ như thợ gặt nhổ cỏ lùng rồi đốt đi, ngõ hầu hiện thực hoá Nước trời nơi trần gian. Đây là một sứ mệnh hết sức khó khăn, vì không chỉ buộc chúng ta phải từ bỏ những dính bén, lôi kéo hấp dẫn của thế gian và xác thịt nhưng còn đòi hỏi chúng ta không ngừng nỗ lực nên Thánh, nên hoàn thiện như Chúa Cha ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Tức là người khác có thể cảm nhận được Nước trời trong đời sống của chúng ta. Và để được như vậy, thiết nghĩ, chúng ta phải khiêm tốn, nhìn nhận mình là con người bất toàn yếu đuối, như lời Chúa trong sách tiên tri Giêrêmia : «Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác, và cha ông sai lỗi đã nhiều, quả chúng con đều đắc tội với Chúa»(Gr 14,20), để từ đó biết cậy dựa vào Chúa, sử dụng ân sủng của Ngài một cách hiệu quả. Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại mình, xét xem chúng ta thuộc thành phần nào : là cỏ lùng xâm hại đồng lúa hay là lúa hướng về mùa gặt ; là chim trời chỉ biết nương tựa hay hạt cải cho tha nhân được nhờ ; là men để hoán cải người khác hay là bột để người khác lôi kéo.
Trong khi chờ đợi ngày của Chúa và làm cho ngày đó mau đến, hay nói cách khác, để hiện thực hoá lời nguyện : «Xin cho Nước Cha trị đến». Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta biết sống chừng mực và tiết độ với một đức tin tinh tuyền không chi đáng trách. Bởi vì «Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện»(1Th 4,7), đồng thời dạy chúng ta phải yêu thương nhau. Xin cho lời Thánh Giacôbê sau đây hướng dẫn đời sống đạo của chúng ta : «Anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn ; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em ; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em»(Gc 1,21). Amen

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Bài giảng Chúa Nhật XV Thường Niên (Văn Hương)

Chủ Đề : LỜI CHÚA HOÁ BẢN THÂN
Matthêô : 13,1-23.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Thánh vịnh 119 câu 105 sử dụng những hình ảnh rất đời thường, quảng diễn cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của Lời Chúa trong quá trình thăng tiến, trở nên hoàn thiện của con người : «Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi». Tuy nhiên, bài Tin mừng hôm nay nói với chúng ta mức độ của sự thánh hiện sẽ tuỳ thuộc vào thái độ của con người trước Lời Chúa. Do đó, việc nhìn lại bản thân thực sự cần thiết, xem tâm hồn mình hiện tại đang ở tình trạng nào để có phương thế cải tạo xứng hợp, tạo điều kiện cho lời Chúa sinh hoa kết trái.
Dụ ngôn Người Gieo Giống là một khẳng định mang tính phổ quát : Lời Chúa được gieo vào tâm hồn mọi người, nhưng Thiên Chúa tôn trọng tự do của chúng ta. Vì thế, tuỳ vào việc chúng ta đón nhận hay khước từ, mà Lời Chúa có hiệu quả trong đời sống chúng ta hay không. Có thể nói, ai trong chúng ta cũng đã từng đọc hoặc được nghe lời Chúa, nhưng chúng ta đã được biến đổi như thế nào thì mỗi người hãy tự biết mình. Và đây là tiêu chuẩn để đo lường : «Ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật ; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi»(Mt 13,12). Tức là cái chúng ta sở hữu phải đồng nhất với con người của mình, mà mục đích hướng đến là kết quả của sự hoà hợp giữa lý trí và ý chí. Có lẽ, chúng ta cũng như bao người khác, nghe lời Chúa không chỉ một lần mà nhiều lần, nhưng lòng chúng ta không khao khát, không có ý niệm nghe lời Chúa để làm gì, hoặc sợ vì lời Chúa mà phải từ bỏ cuộc sống hiện tại với những thứ chúng ta cho là thiết thân, thì lời Chúa mà chúng ta nghe chỉ là con số không. Bởi đó, lời Chúa Giêsu quở trách những người đồng thời với Ngài rất thiết thực cho việc suy gẫm, và đối chiếu với việc nghe - sống lời Chúa của chúng ta : «Các ngươi lắng tai mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành»(Mt 13,14-15). Đây là một cách nói, diễn tả sự cố chấp của con người và Thiên Chúa chịu thua, Ngài không thể làm gì cho những tâm hồn đóng kín hoặc hờ hững. Bao lâu chúng ta còn nông nổi nhất thời, hoặc để việc đời lôi kéo, chạy theo những vinh hoa thế gian, dính bén với của cải vật chất và nhục dục, thì bấy lâu tâm hồn chúng ta không có chỗ cho hạt giống lời Chúa phát triển. Bởi thế, muốn để lời Chúa hoá nội tâm, thay đổi toàn diện con người, thì phải biết mở lòng mình, không ngừng dọn dẹp sỏi đá, cỏ dại nơi mảnh đất linh hồn, như những người nông dân chuẩn bị cho vụ mùa mới và chăm sóc hoa màu của họ. Có như thế, lời Chúa mới có khả năng mọc lên và cho kết quả mong muốn : hạt một trăm, hạt sáu mươi và hạt ba mươi.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người chú trọng đến tính hiệu quả của công việc, nghĩa là lợi nhuận cao và chi phí thấp. Do đó, có thể nói, mối quan tâm hàng đầu của thời đại này là sở hữu của cải vật chất. Bởi thế, việc gieo lời Chúa vào tâm hồn con người ngày nay là một thách đố, nhưng không có nghĩa không thể thực hiện. Vì chưng, khát vọng tâm linh là một nhu cầu, nhất là khi vật chất không thể giải quyết được những thực tại nội tâm. Cho nên, bổn phận của chúng ta không chỉ để lời Chúa hoá bản thân, nhưng còn là người gieo hạt giống lời Chúa nơi tâm hồn người khác. Và để được như vậy, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của tiên tri Yêrêmia : «Các lời của Người, vừa gặp được tôi liền ngốn lấy : Lời Người là sự vui sướng cho tôi, nỗi hoan lạc của lòng tôi»(Yr 15,16a), đồng theo theo gương Isaia khi nghe Đức Chúa phán : «Ta sẽ sai ai, ai sẽ đi cho chúng ta ?» và tôi thưa : «Này tôi đây, xin Người sai tôi»(Is 6, 8a). Ước gì lời thánh Phaolô khuyên Timôthê sau đây giúp chúng ta chu toàn sứ mệnh Phúc âm hoá thế gian : «Phần con, hãy giữ vững những gì con đã học được và đã tin chắc. Con biết con học với những ai. Và từ thời thơ ấu, con đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy con nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa trở nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành»(2Tm 3,14).
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta nhận biết tâm hồn mình thuộc loại đất nào, là vệ đường hay sỏi đá, để cỏ hoang mọc hay đang canh tác để từ đó, chúng ta có những phương thế cho lời Chúa nuôi dưỡng linh hồn mình như lòng Chúa mong muốn. Amen

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

  • - CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN – B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI Is 61,9-11; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38 CHỦ ĐỀ: MARIA, NGƯỜI NỮ ĐỨC TIN SỨ ĐIỆP: Siêng năng lần hạt; ca...

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger