Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Bài giảng Chúa Nhật XVI Thường Niên (Văn Hương)


Chủ Đề : HIỆN THỰC HOÁ NƯỚC TRỜI.
Matthêô : 13,24-43.
----------------------------------------------------------------------------------------
Cộng đoàn thân mến,
Chúng ta vừa nghe ba dụ ngôn nói về Nước trời, qua đó lý giải một số vấn đề trong cuộc sống mà chúng ta gặp phải, chẳng hạn như sự tồn tại giữa thiện và ác. Người hiền đức thì gặp toàn bất trắc khổ đau và ngược lại kẻ bất lương thì nhởn nhơ hưởng thụ. Như vậy, Nước Thiên Chúa ở đâu giữa thế gian đầy cạm bẫy, xô bồ và lắm nhiêu khê này.
Dụ ngôn cỏ lùng cho chúng ta thấy, Thiên Chúa là ông chủ ruộng, chấp nhận để kẻ dữ và người lành cùng tồn tại và phát triển như lúa và cỏ lùng cùng mọc lên. Trong khi cỏ lùng không thể thành lúa, thì người ác có thể hoàn lương. Và Thiên Chúa cho thời gian, tạo điều kiện, đồng thời chờ đợi sự biến đổi kỳ diệu này. Bởi vì, Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, như ông chủ ruộng không cho thợ nhổ cỏ lùng. Ngày tận thế, kẻ dữ, tức những người cố chấp, không chịu hoán cải, chẳng khác gì lời Thánh vịnh 36 câu 2 đến câu 5 : «Tội ác thì thào trong thân tâm kẻ dữ ; hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời. Hắn tự cao tự đại, nên chẳng thấy tội mình mà chê ghét. Lời nói toàn xảo quyệt dối gian, hết lẽ khôn ngoan, hết điều lương thiện ! nằm trên giường hắn bầy ra chước độc mưu thâm, hắn đứng lỳ trên nẻo đường bất hảo, không còn chê ghét việc gian tà» nên sẽ nhận lấy án phạt, vì Thiên Chúa không thể làm gì hơn ngoài việc quăng họ vào hoả ngục như cỏ lùng bị thiêu rụi trong lửa.
Có thể nói, hiện tại những thế của sự dữ như đau khổ, bệnh tật, cái chết phần nào lấn lướt, nhưng không có nghĩa Nước Thiên Chúa bị triệt tiêu. Dụ ngôn Hạt cải và Men trong bột cho thấy sức mạnh vô song và sự lan toả mãnh liệt của Nước Trời, mà Giáo hội chính là thực tại được khởi đầu bởi các Tông đồ với con số mười hai ít ỏi, nhưng nay đã rộng khắp thế giới. Nhìn vào Giáo hội, chúng ta thấy ở đó không chỉ có các thánh nhân, những thành phần ưu tú, nhưng Giáo hội còn cưu mang cả các phần tử tội lỗi, xấu xa nữa. Điều này nói lên sứ mệnh cũng như vai trò thánh hoá của Giáo hội. Như thế, Nước Thiên Chúa không hiện hữu như một vương quốc riêng biệt nhưng giữa trần gian và cho nhân gian. Hình ảnh hạt cải nhỏ bé phát triển thành cây cho chim trời nương náu và nắm men làm ba đấu bột dậy men nói với chúng ta : Nước Thiên Chúa là điểm tựa, nơi dung thân của tất cả mọi người, nhất là những kẻ bé mọn, khiêm tốn và có lòng khao khát được Tin mừng biến đổi tận căn. Do đó, hãy để lời Chúa thánh hoá bản thân, dẫn dắt chúng ta luôn đi trên đường ngay nẻo chính, không sa vào con đường lầm lạc, đồng thời thanh tẩy tâm trí chúng ta khỏi mọi toan tính hiểm độc và những đam mê thấp hèn. Có như thế, chúng ta mới có khả năng nhận biết những «điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian» mà Chúa Giêsu Kitô mạc khải. Và Nước trời sẽ hiển trị nơi chính con người chúng ta.
Cộng đoàn thân mến,
Bổn phận của người Kitô hữu là trở nên hạt cải, nem bột để loại trừ sự dữ như thợ gặt nhổ cỏ lùng rồi đốt đi, ngõ hầu hiện thực hoá Nước trời nơi trần gian. Đây là một sứ mệnh hết sức khó khăn, vì không chỉ buộc chúng ta phải từ bỏ những dính bén, lôi kéo hấp dẫn của thế gian và xác thịt nhưng còn đòi hỏi chúng ta không ngừng nỗ lực nên Thánh, nên hoàn thiện như Chúa Cha ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Tức là người khác có thể cảm nhận được Nước trời trong đời sống của chúng ta. Và để được như vậy, thiết nghĩ, chúng ta phải khiêm tốn, nhìn nhận mình là con người bất toàn yếu đuối, như lời Chúa trong sách tiên tri Giêrêmia : «Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác, và cha ông sai lỗi đã nhiều, quả chúng con đều đắc tội với Chúa»(Gr 14,20), để từ đó biết cậy dựa vào Chúa, sử dụng ân sủng của Ngài một cách hiệu quả. Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại mình, xét xem chúng ta thuộc thành phần nào : là cỏ lùng xâm hại đồng lúa hay là lúa hướng về mùa gặt ; là chim trời chỉ biết nương tựa hay hạt cải cho tha nhân được nhờ ; là men để hoán cải người khác hay là bột để người khác lôi kéo.
Trong khi chờ đợi ngày của Chúa và làm cho ngày đó mau đến, hay nói cách khác, để hiện thực hoá lời nguyện : «Xin cho Nước Cha trị đến». Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta biết sống chừng mực và tiết độ với một đức tin tinh tuyền không chi đáng trách. Bởi vì «Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện»(1Th 4,7), đồng thời dạy chúng ta phải yêu thương nhau. Xin cho lời Thánh Giacôbê sau đây hướng dẫn đời sống đạo của chúng ta : «Anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn ; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em ; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em»(Gc 1,21). Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger