Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Bài giảng Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (Văn Hương)

LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI.
Chủ đề : Sống chữ hiếu như ý Chúa.Matthêô 15,1-6.
------------------------------------------------------------------------------------------------Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Truyền thống của người công Giáo, ngày mồng 2 tháng 11 được dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn. Cách riêng, chúng ta nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ, anh chị em bằng hữu đã khuất và cầu nguyện cho họ. Đây là lý do nói lên sự hiện diện của chúng ta trong nghĩa trang này. Những hành vi chúng ta làm cho những người quá cố như : thắp một nén hương đặt bên phần mộ, đọc kinh cầu hồn…, không chỉ biểu lộ lòng tin vào Chúa Kitô đã chết và sống lại, cũng như tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu Kitô, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng với Ngài, nhưng còn diễn tả tấm lòng thảo hiếu, biết ơn hướng về cội nguồn :Con người có cố có ông
Như cây có cội như sông có nguồn.
Quả vậy, không ai trong chúng ta từ lổ nẻ chui lên, sự hiện hữu của chúng ta không chỉ là ân ban, là thánh ý Thiên Chúa, nhưng còn là một phần của tổ tiên, ông bà cha mẹ. Vì thế, thảo hiếu đối với các ngài, không chỉ dừng lại ở mức độ bổn phận, mang tính nghĩa vụ phải chu toàn, nhưng còn vì Thiên Chúa muốn như thế. Tức sự hiếu thảo không do con người đặt ra, nhưng do bởi thánh ý Thiên Chúa, mà những gì xuất phát từ Thiên Chúa thì con người không thể thay đổi. Trong thập giới, điều răn thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau những việc phải làm đối với Thiên Chúa. Sách Đệ nhị luật chương 5 câu 16 nói đến những giá trị thực tiễn mà con người được Thiên Chúa ban thưởng khi chu toàn bổn phận làm con : "Hãy trọng kính cha mẹ như Giavê Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi, ngõ hầu ngày đời ngươi kéo dài, và phúc đến cho ngươi trên thửa đất Giavê Thiên Chúa của ngươi sắp ban cho ngươi"(Đnl 5,16). Còn sách Huấn ca coi việc thảo kính cha mẹ như một phương thế để có thể được ơn cứu độ : "Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu" (Hc 3,3-4). Như thế, chữ hiếu được Thánh kinh đề cao và coi trọng đồng thời chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống chúng ta. Khi thuật lại việc Chúa Giêsu tranh luận với những người biệt phái và Kinh sư về các tập tục truyền thống của tiền nhân. Thánh sử Marcô nói với chúng ta thái độ của Chúa Giêsu, Người lên án chủ nghĩa hình thức, nhất là trách nhiệm thảo kính Cha mẹ, vì trong đời sống người Do thái thời đó, giới răn thứ tư đã bị các tập tục của Biệt phái coi nhẹ và xếp sau một số quy luật về phụng tự. Chúa Giêsu Lặp lại bản chất đúng thực cho các sự việc. Theo đó, việc thảo kính cha mẹ trong mọi dân tộc là một điều tất yếu, không luật lệ tế tự nào có thể huỷ bỏ được ! "Quả thế, Thiên Chúa dạy : ngươi hãy thờ cha kính mẹ ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo : “Ai nói với cha mẹ rằng : những gì con có thể giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa"(Mt 15, 4-6). Lời này của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại cách cư xử với ông bà, cha mẹ của mình. Đời sống hiếu thảo không do áp lực của xã hội, nhưng được xây dựng trên nền tảng của đức mến và với sự soi dẫn của lời Chúa. Những cử chỉ bề ngoài không quan trọng, những "tấm lòng" mới đáng kể: Thảo kính cha mẹỉ cho có vẻ thảo kính sẽ không có giá trị gì. Việc thảo kính cần phải diễn tả bằng những tâm tình thâm sâu. Tục ngữ Việt Nam có nói : của cho không bằng cách cho, mọi hành vi nhân linh phải có mục đích chuyển tải tình yêu, mà Thiên Chúa là nguồn gốc. Có như thế, việc thảo kính cha mẹ của chúng ta mới thực sự có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Sách huấn ca nói : chúng ta là tài sản quý báu của tổ tiên và ông bà cha mẹ. Bởi chưng dòng dõi của các ngài giữ vững các điều giao ước. Việc ca ngợi công đức của các ngài chính là lòng trung thành với Thiên Chúa của con cháu. Do đó, việc thảo kính tổ tiên, ông bà cha mẹ, anh chị em bằng hữu đã khuất, không dừng lại ở những việc làm bên ngoài mà phải đi vào nội tâm. Ở đây, chúng ta nhìn lại chính mình, xét lại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa – Đấng cho chúng ta hiện hữu – và mối tương quan của chúng ta với tha nhân, nhất là những người trong dòng tộc, để từ đó chúng ta sống chữ hiếu không chỉ như ý Chúa muốn mà còn trở nên gương mẫu cho người khác.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,Hôm nay chúng ta quây quần nơi đây trong ngày lễ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Chúng ta đang đứng bên phần mộ của những người rất thân thương của chúng ta. Họ đã có một thời gian sống với chúng ta. Họ đã một đời gắn bó với chúng ta. Họ có thể là cha, là mẹ, là anh em bè bạn của chúng ta. Thế nhưng, “một cơn gió thoảng” đã khiến họ xa cách chúng ta ngàn trùng. Nhìn xuống nấm mộ mà lòng nghẹn ngào thốt lên : Phận người thật mong manh. Cuộc đời thật chóng vánh. Bởi đó, Nếu không tin vào sự sống mai sau và lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa thì chẳng ai tưởng nhớ đến họ làm gì, vì mọi lời cầu nguyện và nghĩa cử chúng ta làm cho người chết đều trở nên vô nghĩa và việc thể hiện lòng hiếu thảo chẳng qua là lấy tiếng với đời hoặc để trấn an lương tâm. Ước gì khi chúng ta dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất là chúng ta không những trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn, thảo hiếu mà còn tuyên xưng niềm tin vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa – Đấng muốn những kẻ tin nhận Ngài, được Ngài mạc khải cho biết Danh Chúa Cha – được chung hưởng phần phúc vinh quang thiên quốc : “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng : Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha yêu mến con trước khi tạo thành thế gian”(Ga 17,24). Xin cho lời Thánh Phaolô trong thư gửi Ephêsô nhắc nhớ chúng ta chu toàn bậc sống của mình hằng ngày : "Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ, đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy"(Ep 6,1.4b). Được như vậy, thì lời nguyện cầu cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc của chúng ta chắc chắn được Chúa chấp nhận. Vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đặc ân được cộng tác vào công nghiệp của Chúa Kitô để cứu độ bản thân và cứu độ đồng loại, mặc dù chúng ta tội lỗi bất xứng. Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức được điều đó để chúng ta sống tốt bổn phận của mình đối với những người đã qua đời. Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

  • - CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN – B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI Is 61,9-11; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38 CHỦ ĐỀ: MARIA, NGƯỜI NỮ ĐỨC TIN SỨ ĐIỆP: Siêng năng lần hạt; ca...

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger