Kính thưa Anh Chị Em,
Tuần trước, chúng ta đã nói với nhau về Tội Lỗi. Tuần này, chúng ta nói về Sự Ác. Ác là sự dữ luân lý, nghĩa là xấu xét theo luân lý. Ác được hiểu ở đây là gây hại, là nguy hiểm.
Nói đến sự ác, ta cần lưu ý ngay rằng, sự ác chỉ có nơi con người. Tất cả mọi sinh vật khác đều không có sự ác. Ác khác với dữ. Dữ thuộc về bản năng, còn ác là hành vi có ý thức của lý trí và sự cố tình của ý chí. Con chó, con cọp có thể dữ, nhưng chúng không bao giờ ác cả. Chúng dữ theo bản năng, nhưng không ý thức khi tấn công hay khi bắt mồi. Người Anh có câu: “Chó cắn người là chuyện bình thường, người cắn chó mới là điều đáng nói”. Họ có ý nói tới sự khác nhau giữa một bên là bản năng, còn bên kia là ý thức; một bên là dữ, còn bên kia là ác! Trong cuộc sống, ta không sợ người dữ, mà chỉ sợ người ác. Người dữ tính thì có thể kiềm chế và bị không chế, còn người có tính ác thì khó phát hiện và khó lường. Phật giáo có câu: “Miệng Nam-mô, bụng một bồ dao găm!” hay dân gian vẫn nói: “Miệng thì thơn thớt nói cười, mà lòng xảo quyệt giết người không dao!”. Dữ tính thì bớt đi khi văn minh hơn, nhưng tính ác thì không phải như vậy. Người văn minh, có học, lắm lúc lại ác độc, thâm hiểm hơn người bình dân quê mùa.
Lương tâm là tiếng nói chỉ cho ta thấy điều ác để tránh và điều lành để làm. Nhưng lương tâm phải được huấn luyện mới có khả năng này. Kẻ lòng lang dạ sói thì không còn nghe tiếng mách bảo của lương tâm được nữa.
Hiểu như thế, ta lại cần tìm ra nguyên nhân gây nên sự ác. Nguyên nhân sâu thẳm nhất vẫn là tội. Tội Nguyên tổ gây ra sự tồi tệ cho mọi loài, trong đó con người chịu hậu quả nặng nề nhất. Tội đã phá đi sự lành trọn vẹn nơi con người, thay vào đó là một tình trạng đổ nát, trong đó sự ác nổi lên làm con người nhiều khi không còn sống đúng với bản chất người của mình nữa. Là hậu quả của tội, nên sự ác đã làm con người thụt lùi một bước thật dài. Quả thật, không còn gì cản bước tiến của con người, cho bằng tính ác nội tại nơi họ. Con người vẫn còn tính lành, nghĩa là chưa mất hết sự hiền lành, nhưng vì sự ác đã xâm nhập, nên có những lúc nó lấn lướt sự hiền lành. Nhiều người đã trở nên ác độc một cách dã man. Trong thực tế cuộc sống, có những trường hợp vì để thỏa mãn tính ác, mà người ta làm những chuyện phi nhân không thể tưởng tượng được. Cũng có những người lợi dụng tính ác sẵn có nơi con người, để đào tạo nên những kẻ chuyên làm điều ác mà không biết gớm tay; hoặc dùng tiền xui khiến kẻ khác làm điều ác hại người…
Người Kitô hữu cũng có tính ác trong mình như bao người khác. Ta phải ý thức điều này. Nhưng vì là Kitô hữu, chúng ta không được là người ác, mà phải là người lành, người hiền lành. Chúa Giêsu dạy chúng ta nhiều điều, nhưng tóm lại chỉ trong hai giới răn “Kính Chúa, Yêu Người”. Và Chúa cũng mời gọi chúng ta: “Anh em hãy học cùng ta và hãy mang lấy ách của Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Sẽ là phản tinh thần Kitô giáo, nếu người có Đạo mà lại ác tâm, ác ý, ác khẩu, ác độc… Anh chị em lương dân rất mong chờ ở chúng ta sự hiền lành theo gương Chúa Kitô. Lương tâm Kitô giáo phải nhạy bén hơn với những điều ác và xa tránh chúng.
Khó khăn cho chúng ta để sống hiền lành, cũng chính vì ta là những con người. Nhiều khi vì hoàn cảnh đưa đẩy, làm cho tính ác trong ta cũng trỗi dậy mạnh mẽ như con thú hoang. Làm sao kiềm chế được? Khi đó, ta hãy bình tĩnh. Cần nhớ rằng “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” và “Aùc giả thì ác báo”. Sống ác, làm điều ác, coi chừng gặp người ác hơn, và gây ra điều ác thì chắc chắn sẽ lãnh lấy hậu quả.
Trên hết mọi sự, ta hãy chiêm ngắm chính Chúa Giêsu mỗi ngày. Ngài là Đấng “hiền lành và khiêm nhường”, “không bẻ gãy cây sậy bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói” và khi đối diện với những kẻ sắp hại Ngài, Ngài vẫn “như chiên con trước kẻ xén lông”. Chỉ khi mặc lấy tâm tình của Ngài, ta mới dễ dàng lướt thắng những xung động và sai khiến của cơn giận để đẩy lui sự ác thường hiện hình trong tâm ý ta, giúp ta trở nên những con người hiền lành theo gương Thầy Chí Thánh.
Lm. GB. Nguyễn Hồng Uy,
Chánh xứ Thánh Giuse - Phan Thiết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét