BÀI ĐĂNG MỚI

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2009

Sự Chết (Lm. GB. Nguyễn Hồng Uy)

Thư Cha xứ, số 18: Sự Chết

Kính thưa Anh Chị Em,

Trong số những vấn đề mang tính hiện sinh mà chúng ta nêu ra để suy tư trong Mùa Chay, thì Sự Chết là vấn đề cuối cùng nằm trong ‘nhóm tiêu cực’ mà ta vừa bàn tới trong ba tuần vừa qua, gồm tội lỗi, sự ác và đau khổ.

Chết là thảm kịch, là thất bại lớn nhất của mọi sinh vật. Đối với con người, chết còn là điều ê chề đau đớn nhất, vì con người là sinh vật có ý thức cao nhất về sự sống và luôn khát khao được trường sinh bất tử, do con người mang trong mình hồn linh bất diệt.

Chết là hết. Đó là quan niệm của những người vô tín ngưỡng hay duy vật vô thần, những kẻ không tin con người có linh hồn. Những người này (đúng ra thì chỉ một số) cũng vì thế mà không tin có thần thánh, không tin có đời sau, không tin vào / hay không cần ơn cứu độ. Họ coi con người chỉ có xác, còn những thứ khác nơi con người như trí khôn, tình cảm… chỉ là những ‘thuộc tính người’. Khi con người chết rồi thì mọi thuộc tính cũng tan biến đi, không tồn tại, như bông hoa sẽ không còn tỏa hương khoe sắc khi đã tàn úa!Chết là sự chấm dứt cuộc sống ở trần gian để đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Đây lại là xác tín của đại đa số nhân loại, những người có niềm tin trong các tôn giáo, những người có suy nghĩ theo lương tri bình thường. Ấn giáo và Phật giáo tin có luân hồi, có đầu thai trở lại, nghĩa là tin có linh hồn và đời sống sau cái chết. Hồi giáo cũng dạy có thiên đàng và có sự sống ở đời sau. Dothái giáo (trừ phái Sađốc) cũng tin có sự sống đời sau và sự thưởng phạt công minh của Thiên Chúa. Theo cách nghĩ thông thường, người ta cũng tin có linh hồn bất tử. Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, cái qua đi là thân xác, cái tồn tại là linh hồn.

Nhưng dù lý giải đàng nào thì sự chết luôn vẫn là một sự thật khủng khiếp. Người ta nói: “Con cóc còn muốn sống, huống chi con người”, có thể hiểu: con cóc còn sợ chết huống chi chúng ta. Điều đau đớn là không ai tránh được cái chết. Trẻ chết, già chết, giàu chết, nghèo chết, khôn chết, dại chết… chết ‘ráo’ hết. Đau hơn nữa là cái chết lại đến bất ngờ, không báo trước. Nó đặt người ta vào trong thế bị động thê thảm, phá tan mọi kế hoạch, phũ phàng đến tận cùng. Nó thật bí nhiệm, thật đáng sợ.

Người Kitô hữu không chỉ tin có linh hồn bất tử, có sự sống vĩnh cửu, mà còn xác tín vào sự phục sinh thân xác. Cũng như mọi người, họ cũng sợ chết, sợ cuộc sống này sẽ chóng qua đi. Nhưng họ dám đón nhận cái chết trong sự an bình, nhờ niềm tin vào Thiên Chúa. Họ xác tín có sự sống đời sau, nên xem nhẹ cái chết. Họ tin vào ơn cứu độ, vào sự sum vầy cùng với Thiên Chúa ở Thiên Đàng, nên ngay trong sự đau đớn của cái chết, họ vẫn bộc lộ nét hân hoan.

Vì trong Đức Kitô, mầu nhiệm sự chết được tỏ lộ. Chết là bước chuyển tiếp của cuộc sống con người, từ cuộc sống trần thế vào cuộc sống vĩnh hằng. “Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay”, chúng ta vẫn thường hát như thế mỗi khi có đám tang. Nên, nếu sự chết là điều ghê sợ nhất trong kiếp làm người của chúng ta, thì Mầu Nhiệm Vượt qua -chết và sống lại- của Đức Kitô cùng với ơn cứu độ mà Người thực hiện trong Mầu nhiệm này, lại là điều đem đến cho chúng ta niềm an ủi lớn lao nhất, niềm cậy trông vững vàng nhất.

Mùa Chay là thời gian chúng ta chuẩn bị mừng Lễ Vượt qua của Đức Kitô, cũng là thời gian cho ta chuẩn bị cùng được chết với Đức Kitô để được sống lại với Người. Cho nên, những ngày Mùa Chay là những ngày chúng ta cần nghĩ về sự chết, để từ việc nghĩ về sự chết, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy căn nguyên sự sống và sự sống lại của ta trong chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết nhưng đã sống lại. Ai không nghĩ đến cái chết, sẽ không biết sống như thế nào. Ai không liên kết cái chết của mình với cái chết của Con Thiên Chúa, cũng sẽ không nối kết được sự sống lại của Người vào trong sự sống lại của bản thân, và dễ dàng đánh mất hướng sống.

Hôm nay ta chưa chết, nhưng một ngày kia ta sẽ ra đi. Do vậy, hôm nay ta cần phải chết; chết đi cho những nết xấu, để sống cho những nhân đức; chết đi cho tội lỗi, để trở về đời sống ân sủng; chết đi cho những ích kỷ nhỏ nhoi, để sống một đời quảng đại, vị tha… Chính những cái chết như thế sẽ làm cho cái chết cuối cùng của ta nên “nhẹ như lông hồng”, giúp ta hân hoan bước vào cõi sống ngàn thu với Thiên Chúa nơi cõi vĩnh hằng.

Lm. GB. Nguyễn Hồng Uy
Chánh xứ Thánh Giuse

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger