BÀI ĐĂNG MỚI

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2009

Thư Mục vụ Mùa Chay 2009, GP Phú Cường

Thư Mục vụ Mùa Chay 2009 của Đức Giám mục Giáo phận Phú Cường
Thư mục vụ tháng 03/2009
Cùng chết với Chúa Kitô để cùng phục sinh với Người


1. Mùa Chay và mầu nhiệm Vượt qua
Anh em linh mục, các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân thân mến,
Chúng ta đã bước vào mùa Chay, mùa tưởng niệm và hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô để chuẩn bị đón mừng và chia sẻ vinh quang phục sinh của Người. Đây cũng là những ngày các dự tòng ráo riết chuẩn bị để được lãnh nhận ba bí tích khai tâm Kitô giáo trong đêm canh thức phục sinh. Trong đêm canh thức này, trước khi cử hành bí tích Thanh tẩy và lặp lại lời hứa rửa tội, vị chủ sự làm phép nước và giếng rửa tội. Để làm sáng tỏ mầu nhiệm thanh tẩy trong Chúa Kitô, Giáo Hội cho ta nghe lại đọan thư gởi tín hữu Rôma, trong đó thánh Phaolô cho biết, khi lãnh bí tích Thanh tẩy, chúng ta đã cùng chết để cùng sống lại với Chúa Kitô.
Thánh nhân viết: “Anh em thân mến, không phải tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người sao? Vậy nhờ phép rửa trong sự chết của Người, chúng ta cùng được mai táng với Người, để như Đức Kitô, nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải sống đời sống mới như vậy” (Rm 6, 3-4).
Hiểu như thế, sống mầu nhiệm mùa Chay là sống mầu nhiệm vượt qua: cùng chết với Chúa Kitô để hủy bỏ con người cũ, và cùng sống lại với Người để thành người mới.
2. Ba công việc của mùa Chay
Theo truyền thống Thánh kinh và tập tục lâu đời của Hội Thánh, thì cầu nguyện, ăn chay và cảm thông chia sẻ là ba việc cốt yếu của mùa Chay, cũng là ba việc giúp chúng ta cùng chết với Chúa Kitô và cùng sống lại với Người. Đức Bênêđictô XVI, trong sứ điệp mùa Chay năm nay đã khẳng định như vậy và ngài còn thêm là những công việc này sẽ giúp chúng ta cảm nghiệm được rõ ràng hơn quyền năng của Thiên Chúa, như chúng ta sẽ nghe trong bài công bố Tin mừng Phục Sinh: “Sự thánh thiện của đêm nay đẩy lui tội ác, rửa sạch lỗi lầm; làm cho tội nhân được tinh trong, người ưu phiền được hân hoan; phá tan hận thù, đem lại hòa thuận và khuất phục quyền uy”.
2.1. Cầu nguyện
Như Chúa Giêsu đã vào hoang địa ăn chay cầu nguyện ròng rã 40 đêm ngày, thì mùa Chay cũng là thời gian chúng ta phải dành nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện, đặc biệt là tham dự Thánh lễ và những nghi lễ phụng vụ quan trọng trong mùa này.
Nhờ cầu nguyện chúng ta có thể chiêm ngắm Chúa Kitô, tâm sự với Người, nên sẽ cảm thông được nỗi thống khổ và lòng thương yêu vô biên của Người, khiến Người sẵn sàng chịu mọi khổ hình để đền thay tội lỗi chúng ta và cứu chuộc chúng ta. Nhờ suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, chúng ta hiểu được đức công bình rất mực ngay thẳng của Chúa Cha trước những xúc phạm của nhân loại, nhưng đồng thời cũng thấy được lòng thương xót đầy lân ái của Ngài khi trao phó Người Con Một chịu chết đền thay tội lỗi nhân gian. Nhờ cầu nguyện, chúng ta thấu hiểu được tính chất trầm trọng và xấu xa của tội lỗi để biết thống hối ăn năn; đàng khác, cũng thấy rõ sự yếu đuối dòn mỏng của con người trước những cám dỗ của dục vọng, thế gian và ma quỷ để tỉnh thức canh chừng. Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta biết cảm thương nỗi thống khổ của những người túng cực nghèo đói, những kẻ cô thân, cô thế bị gạt ra ngoài lề xã hội, không được ai lưu tâm giúp đỡ. Họ nghèo tiền, nghèo của, nghèo kiến thức, nghèo tình thương; họ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự nâng đỡ của người thân, của bạn bè; họ đói khát sự công chính, đói khát hạnh phúc, nhưng nhất là đói khát Thiên Chúa. Chính khi tâm sự với Chúa, chúng ta mới nhận ra bổn phận phải thương giúp mọi người, phải chia sẻ cho họ không những của cải vật chất, nâng đỡ họ không chỉ về mặt tinh thần, nhưng còn lo cho họ được cứu độ muôn đời nữa.
Như vậy, nhờ cầu nguyện, chúng ta không còn sống theo con người bị tội lỗi thống trị, con người chỉ biết chạy theo những đòi hỏi của đam mê, dục vọng, chỉ nghĩ tới mình, lo cho những nhu cầu khát vọng của mình; trái lại chúng ta sẽ biết sống như những người đã được phục sinh nhờ giá Máu của Chúa Kitô, theo những đòi hỏi của Tin Mừng, vuợt lên trên bản thân để nghĩ tới và lo cho nhu cầu của tha nhân, đặc biệt là những người nghèo đói, tàn tật, cơ nhỡ, những người bị bỏ rơi, và trên hết là những người đang đói khát Thiên Chúa, đang cần đến ơn cứu độ của Ngài.
2.2. Ăn chay, hãm mình
Công việc truyền thống thứ hai phải thực hiện trong mùa này là ăn chay, hãm mình, đền tội. Đây là việc thực hành được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong sứ điệp mùa Chay năm nay. Quả thực, mùa Chay gợi nhớ 40 ngày chay tịnh của Chúa Kitô trong hoang địa trước khi Người bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng (x. Mt 4, 1-2). Nó cũng nhắc lại cho chúng ta truyền thống của những nhân vật tên tuổi trong Thánh Kinh, như Môisen đã ăn chay trước khi đón nhận bia lề luật của Thiên Chúa (x. Xh 34, 28), Êlia đã ăn chay trước lúc gặp Thiên Chúa tại núi Hôreb (x. 1V 19, 8). Lịch sử cứu độ đầy dẫy sự kiện mời gọi ăn chay. Thiên Chúa đã ra lệnh cho Ađam, Evà không được ăn trái cấm (St 2, 16-17), và theo thánh Basiliô, lệnh cấm này là luật dạy phải “Kiêng khem, chay tịnh” (x. Sermo de jejunio: PG 31, 163, 978). Các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên thường cổ võ ăn chay (x. Cv 13, 3; 14, 22-23; 27, 21). Nó đã được phổ biến trong Giáo Hội xuyên suốt thời gian và không gian, như đã được diễn tả trong một thánh ca với những lời khuyên nhủ sau đây:
Hãy cùng nhau tiết giảm mọi bề, từ nói năng, ngủ nghê, ăn uống, đến vui chơi cuộc sống trần gian, luôn canh giữ vẹn toàn mùa Chay. (Utamur ergo parcius, verbis, cibis et potibus, somno, jocis et arctius perstemus in custodia).
Trong sứ điệp mùa Chay năm nay, Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở: Thánh Kinh và toàn thể truyền thống Kitô giáo dạy rằng ăn chay là một trợ giúp lớn lao để xa lánh tội lỗi và tất cả những gì dẫn đến tội; nó mở ra trong tâm hồn người tín hữu một con đường dẫn đến Thiên Chúa. Ngài nhắc lại lời giảng của thánh Phêrô Kim ngôn: “Chay tịnh là linh hồn của lời cầu nguyện, trong khi lòng thương xót là máu đem lại sự sống cho chay tịnh. Nếu bạn cầu nguyện, hãy ăn chay; nếu bạn ăn chay, hãy tỏ lòng thương xót; nếu bạn muốn lời cầu xin được lắng nghe, hãy lắng nghe lời cầu xin của kẻ khác. Nếu bạn không bịt tai trước kẻ khác, bạn sẽ mở được tai Thiên Chúa cho chính bạn” (Sermo 43: PL 52, 320, 322).
Trong thời đại ngày nay, việc kiêng cữ ăn uống còn là một phuơng thế hiệu nghiệm chữa trị nhiều bệnh tật thể xác. Trong bình diện siêu nhiên, cũng theo Đức Thánh Cha, nó chữa lành tất cả những gì ngăn cản chúng ta sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa… Nó góp phần mang lại sự thống nhất cho con người, giữa thân xác và linh hồn, giúp tránh tội lỗi và tăng trưởng cuộc sống thân mật với Thiên Chúa… Việc từ khước lương thực vật chất, vốn nuôi dưỡng thân xác chúng ta, sẽ nuôi dưỡng một thái độ nội tâm giúp lắng nghe Chúa Kitô và được nuôi dưỡng bằng lời cứu độ của Người. Qua việc chay tịnh và cầu nguyện, chúng ta để Chúa đến và thỏa mãn cơn đói sâu đậm nhất mà chúng ta cảm nhận được trong thâm tâm, đó là sự đói khát Thiên Chúa.
Như vậy ăn chay không chỉ là tiết giảm ăn uống, nhưng còn bao gồm cả những việc hãm mình đền tội khác nữa. Nhờ việc chay tịnh này, chúng ta tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cùng chết với Người cho tội lỗi, cho đam mê dục vọng, cho thế gian xác thịt, để có thể sống theo con người đã được phục sinh với cuộc sống mới. Khi thực hành chay tịnh kèm theo những việc hãm mình đền tội khác, chúng ta thực thụ sống mầu nhiệm mùa Chay, cũng là mầu nhiệm vượt qua vậy.
2.3. Thương người, cảm thông, chia sẻ
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại giáo lý về chay tịnh của Đức Phaolô VI đã được trình bày trong Tông hiến “Poenitemini” năm 1966 (Anh em hãy ăn năn sám hối), và ước muốn chúng ta sống và thực hành giáo lý đó, đặc biệt trong mùa Chay, vì đó là sống ơn gọi Kitô hữu của chúng ta. Giáo lý đó giục chúng ta không được sống cho mình, nhưng cho Đấng đã yêu thương và tự hiến vì chúng ta, đồng thời cũng sống cho anh chị em chúng ta nữa.
Nhờ chay tịnh chúng ta biết mở mắt nhìn vào tình trạng của bao người nghèo đói, khổ đau, và như người samaritanô nhân lành, chúng ta biết cúi mình chăm sóc cho những anh chị em đang lâm cảnh không nhà ở, không áo mặc, không của ăn. Trong sứ điệp mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha đưa ra nhận xét này: khi tự nguyện từ bỏ chính mình để lo cho người khác, ta tự khẳng định rằng người đang gặp khó khăn không còn xa lạ với ta nữa, nhưng là người thân cận của ta, và do đó ta cần phải cảm thông, chia sẻ cho họ những gì ta có, từ của cải vật chất, tới tình cảm, tình thương và những thiện hảo thiêng liêng. Đó cũng chính là cách ăn chay Chúa ưa thích và mong muốn, như đã chép trong sách Tiên tri Isaia: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58, 7).
Như vậy, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ luôn liên kết với việc ăn chay, cầu nguyện. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả viết: “Đi đôi với việc chay tịnh trong tinh thần đạo đức thánh thiện, không gì hữu ích hơn là việc làm phúc bố thí. Hành động đạo đức này còn gọi là việc thương người, vì bao gồm nhiều cử chỉ đáng khen của lòng nhân ái. Như vậy, giữa các tín hữu, dù khả năng vật chất không đồng đều, nhưng tấm lòng có thể như nhau… Đối với các Kitô hữu chân chính, lòng nhân ái có một phạm vi thực hành vừa hết sức rộng rãi, vừa rất đa dạng, khiến người sung túc giầu sang cũng như kẻ nghèo nàn nhỏ bé đều có thể góp phần làm phúc bố thí. Như vậy, khả năng làm phúc thì kẻ ít người nhiều, nhưng tâm tình yêu mến thì ai cũng như ai” (Trích từ bài đọc II, giờ Kinh sách, Thứ Năm sau lễ Tro).
Chính vì thế, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khuyên chúng ta: “Chính để giữ cho thái độ đón tiếp và quan tâm tới anh chị em được sống động tôi khuyến khích các giáo xứ và mỗi cộng đòan hãy tăng cường việc chay tịnh, cá nhân và tập thể, trong mùa Chay, liên kết với việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và làm phúc. Ngay từ thuở ban đầu, điều ấy đã là đặc điểm của những cộng đoàn Kitô hữu, nơi có những cuộc lạc quyên đặc biệt (x. 2Cr 8, 9; Rm 15, 25-27). Trong những cuộc lạc quyên này, người tín hữu được mời gọi chia sẻ cho những người nghèo những gì họ đã dành dụm được nhờ ăn chay (Didascalia Ap. V, 20, 18). Việc thực hành này cần được tái khám phá và khuyến khích lại trong thời đại chúng ta, đặc biệt trong mùa Chay”.
3. Những việc cần nhắc nhở thêm
Anh chị em thân mến,
Năm nay là năm kính thánh Phaolô. Theo chương trình mục vụ của giáo phận, chúng ta đã phổ biến 11 đề tài học hỏi về con người và giáo huấn của thánh nhân. Vậy để thích hợp với việc suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa, trong tháng 3 này, xin anh chị em học hỏi về đề tài III, tức “Thập giá sinh ơn cứu độ theo giáo huấn của thánh Phaolô”. Với đề tài này, chúng ta sẽ hiểu thêm và xác tín hơn về giá trị của thập giá, của chay tịnh và hy sinh hãm mình.
Đi đôi với việc thực hành cầu nguyện, xin anh chị em hãy sốt sắng hơn trong việc chầu Thánh Thể nhiều giờ tại mỗi giáo xứ, và việc đọc kinh tối với Lời Chúa hằng ngày tại các gia đình. Chắc chắn, nhờ hai việc đạo này chúng ta sẽ cử hành mùa chay cách hữu hiệu, nhờ đó, Chúa sẽ đổ nhiều ơn lành xuống cho mỗi người, từng gia đình, tòan thể Giáo Hội và cả thế giới nữa.
Cùng với việc chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ, tàn tật, khổ đau, xin anh chị em hãy lấy những tiền đã tiết kiệm, dành dụm được góp vào Quĩ cấp cứu của Hội đồng Giám mục như đã quy định.
Xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh và Đức Mẹ Sầu Bi, giúp chúng ta sống mùa Chay thật sốt sắng và hữu ích.
Thân ái chào toàn thể anh chị em.
+ Phêrô Trần Đình Tứ Giám mục Phú Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger