BÀI ĐĂNG MỚI

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2009

Thư mục vụ Mùa Chay 2009, giáo phận Mỹ Tho

Thư mục vụ Mùa Chay 2009 của Đức Giám mục Mỹ Tho

Kính gởi: Các linh mục, tu sĩ, chủng sinh,
và toàn thể anh chị em giáo dân.
Chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh trong tình hình kinh tế thế giới bị khủng hoảng và suy thoái trầm trọng. Ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế đang lan rộng và đè nặng trên nhiều người khắp năm châu. Rất nhiều người mất công ăn việc làm, vì nhiều công ty xí nghiệp thua lỗ, nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Đất nước chúng ta đang nỗ lực hướng về tương lai, thì xảy ra liên tiếp ba cuộc khủng hoảng trên thế giới: khủng hoảng xăng dầu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng tài chính. Ba cuộc khủng hoảng này, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính, đã làm rúng động cả thế giới. Nhiều nhà tỷ phú tự tử vì vỡ nợ, nhiều người giàu có đang xuống dốc thê thảm. Người ta tiên liệu hằng trăm triệu người sẽ thất nghiệp và hằng tỷ người sẽ nghèo đói.
Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho thế giới, cho mọi người, cho các lãnh đạo quốc gia, để họ cùng nhau tìm biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, hợp tác với nhau chặt chẽ để ngăn chặn sự suy thoái và phục hồi nền kinh tế thế giới, cho mọi người được hưởng nhờ. Chúng ta xin Thiên Chúa thương đặc biệt những người nghèo, vì họ là những nạn nhân chịu thiệt thòi nhiều hơn cả.
Tìm lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người:
Đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về giá trị đích thực của tiền bạc và của cải vật chất, suy nghĩ về bộ mặt thế gian này đang qua đi, để tìm lại ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người. Mùa Chay tạo điều kiện cho chúng ta suy nghĩ về thân phận con người trong bầu khí cầu nguyện. Chính Đức Giêsu được Thần Khí đưa vào sa mạc để chịu quỷ cám dỗ. Thần dữ đã thách thức Người “biến đá thành bánh” để có của ăn trần thế, và người đã mạnh mẽ khẳng định rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh“ (x. Mt 4, 1-4).
Hạnh phúc đích thực của người kitô hữu:
Chúa Giêsu đã dạy không thể làm tôi hai chủ, vừa tôn thờ Thiên Chúa, vừa tôn thờ tiền bạc. Không sớm thì muộn, phải chọn lựa, theo chủ này và bỏ chủ kia, không có cách nào khác. Nếu muốn tôn thờ Thiên Chúa cách chân thật và trọn vẹn, phải bỏ cuộc sống nô lệ tiền bạc, để được tự do bước theo Chúa Giêsu, trở nên con cái Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của mối phúc thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần khó nghèo, vì Nước Trời là của họ”.
Hạnh phúc của những người môn đệ của Chúa Giêsu không nằm ở tiền bạc: không cần có thật nhiều tiền, có tiền bằng mọi giá. Tiền bạc là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu. Kitô hữu được thông phần cương vị làm vua, làm “thiên tử”, làm “con trời” của Đức Giêsu, họ luôn luôn là chủ, không là nô lệ. Dù không có nhiều của cải vật chất, họ vẫn làm chủ số tiền ít oi trong tay họ, sử dụng nó vào mục đích đúng đắn, cho mình và cho tha nhân.
Tiền bạc không là mục đích cuối cùng của đời người, bởi vì nếu như thế thì mọi giá trị khác đều bị hy sinh: sự thật, những điều thiện hảo, cái đẹp, và ngay cả tình yêu… Nếu tiền bạc, lợi nhuận trở thành ông chủ thống trị, thì sẽ làm hại và không sớm thì muộn sẽ giết chết con người. Một trong những lý do xung đột giữa người với người, giữa nước này với nước nọ, là “lợi nhuận”, là của cải vật chất. Người ta vẫn giành giựt nhau “các của cải vật chất”.
An bình và hạnh phúc: cuộc chiến chống nghèo đói
Bình an đi đôi với hạnh phúc, nên con người không thể hạnh phúc khi còn tranh chấp với nhau, hay là nạn nhân của xung đột. Trong chín năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, nhân loại đã chứng kiến biết bao đau thương tang tóc vì những xung đột đẫm máu ở nhiều nơi.
Mối Phúc thật thứ bảy “Phúc cho những ai tác tạo hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”, nhắc cho chúng ta tầm quan trọng của việc xây dựng hoà bình. Trong sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho hoà bình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thúc đẩy chúng ta chống nghèo đói để xây dựng hoà bình. Điều đó chứng tỏ Giáo hội Công giáo không coi thường của cải vật chất, không chủ trương để cho nhân loại phải nghèo khổ.
Trái lại, học thuyết xã hội công giáo luôn luôn chủ trương một thế giới phát triển toàn diện để phục vụ cho phẩm giá con người. Một thế giới nơi đó con người không những được no đủ, được hưởng các tiện nghi vật chất, mà còn được yêu thương, được kính trọng, được nâng đỡ để có thể đạt tới mục đích của cuộc sống làm người, được hạnh phúc thật sự ngay ở đời này.
Giáo hội, theo gương Chúa Giêsu, luôn đặt con người lên trên của cải; coi của cải chỉ là một phương tiện phục vụ cho hạnh phúc. Chính vì thế con người phải biết chia sẻ của cải cho nhau. Con người hãy cùng nhau làm giàu, và hãy làm giàu cho nhau, không những về vật chất, mà cả về tinh thần. Thay vì tranh giành với nhau, con người hãy biết liên đới với nhau, hỗ trợ cho nhau, chia sẻ cho nhau.
Cuộc chiến chống nghèo đói phải được hiểu cách rộng rãi hơn, vì có nhiều loại nghèo đói khác nhau: nghèo đói về vật chất như thiếu ăn thiếu mặc; nghèo về văn hoá như thiếu tri thức vì không được học hành; nghèo về tương quan như những người bị cô đơn, cô lập, những người thiếu thốn tình cảm; nghèo về tâm linh như những người chỉ còn biết tới của cải và lợi nhuận, ngoài ra không còn những bận tâm nào khác; nghèo về tinh thần và đạo đức, về lòng nhân ái, không còn nhạy cảm về những giá trị chân thiện mỹ.
Sự liên đới và tình bằng hữu:
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cho thấy cách nhìn cũ của con người và xã hội về việc cạnh tranh buôn bán “thương trường là chiến trường”, đã lỗi thời, không còn phù hợp với thế giới hôm nay nữa. Nếu loài người cứ tiếp tục đấu đá với nhau, loại trừ nhau, tiêu diệt lẫn nhau, thì sẽ không còn ai tiêu thụ sản phẩm được làm ra. Không ai tiêu thụ, thì cũng chẳng ai sản xuất, và các sinh hoạt kinh tế thương mại sẽ hoàn toàn bị đình trệ; loài người sẽ tự tiêu diệt.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay là “một dấu chỉ của thời đại”, một tiếng nói cảnh tỉnh của Thiên Chúa đối với con cái loài người. Chúa nhắc chúng ta hãy góp phần tạo ra một nền văn hoá “nối kết”, một nền văn hoá “bằng hữu”, “thân hữu”, vì loài người được kêu gọi để làm thành một “gia đình nhân loại duy nhất”, con cái của một Cha trên trời. Công nghệ truyền thông hôm nay sẽ giúp con người thực hiện ơn gọi này cách hữu hiệu và tốt đẹp. Cả thế giới trở thành “một ngôi nhà”, ngôi nhà của anh em từ “bốn bể”. Đó là ý nghĩa tích cực nhất của hiện tượng toàn cầu hóa. Hãy cùng nhau loại trừ tất cả các mặt xấu, mặt trái của “toàn cầu hoá”.
Dù ai có nói ngược nói xuôi, anh chị em hãy kiên trì xây dựng “tình bằng hữu” với mọi người, trong phạm vi nhỏ hẹp của địa phương, hay rộng lớn hơn của đất nước, và rộng lớn hơn nữa là đối với các người nước ngoài. Hãy loại trừ tất cả những thái độ thù nghịch, đối với bất cứ ai, vì nó không phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Trước hết anh chị em hãy củng cố “tình gia đình” trong chính nội bộ gia đình anh chị em, đừng để cho gia đình trở nên quá lỏng lẻo. Hãy có những bữa ăn chung với nhau, nơi đó mọi người trong gia đình được nuôi dưỡng không những về thể xác, mà cả về tình thần, về tình cảm gia đình, được nuôi dưỡng bằng tình yêu của nhau. Hãy cố gắng giữ giờ kinh tối chung, vắn tắt, nhưng sốt sắng, nhắc nhở mọi người trong gia đình nhớ tới Chúa. Chúa sẽ làm chủ gia đình, sẽ nối kết mọi người trong gia đình lại với nhau trong tình yêu của Chúa.
Chay tịnh giúp sống cho Chúa và cho tha nhân:
Mùa Chay là mùa phụng vụ của Giáo hội nhắc nhở chúng ta cầu nguyện nhiều hơn bình thường. Tôi hy vọng anh chị em biết sử dụng thời gian Mùa Chay để cầu nguyện cho chính mình, cho Giáo hội và cho thế giới. Sự thinh lặng nội tâm cần thiết trong Mùa Chay, để tâm hồn anh chị em được thanh luyện, được gần gũi với Chúa hơn.
Chúng ta được Đức Thánh Cha nhắc nhớ cách đặc biệt về “chay tịnh”. Chay tịnh là một phương thế để nối kết lại tình bằng hữu giữa chúng ta và Thiên Chúa, vì tội lỗi đã làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa. Chay tịnh giúp kìm chế ước muốn của con người cũ, và mở đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Chay tịnh chuẩn bị cho chúng ta được sự sáng suốt và sức mạnh để thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta kiêng bớt đồ ăn thức uống vật chất, để có khả năng thưởng nếm các lương thực thần linh, như Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa.
Chay tịnh giúp cho chúng ta thay vì sống cho chính mình, biết sống cho Chúa và cho tha nhân. Lòng nhân ái, việc bố thí, đi đôi với chay tịnh. Chay tịnh Kitô giáo không có mục tiêu chủ yếu là diệt dục, nhưng hướng tới “bố thí”, chia sẻ những gì mình có cho người nghèo. Trong Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi tập quan tâm đến người khác và giúp đỡ họ.
Nếu mọi kitô hữu biết “sống cho Chúa và cho người khác”, thì cơn khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ nhanh chóng được khắc phục, và nhiều người được an vui trở lại.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em, ban cho anh chị em được ân sủng và bình an trong Tình yêu của Người. Cầu chúc anh chị em một Mùa Chay sốt sắng, một Lễ Phục Sinh đầy tràn sự sống và niềm hy vọng.
+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Giám Mục Mỹ Tho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger